> Xem bói trên facebook, bị lừa 62 triệu đồng
> Lập Facebook 'Phi đội gà bay' để lừa đảo
Hàn gắn chia ly
Gần đây, nhờ trang mạng xã hội Facebook, trên “tường” cá nhân và nhiều page (trang) được lập để đăng tải thông tin tìm người thân, giấy tờ mà không bị giới hạn thời gian, dung lượng. Những page được lập trở thành cầu nối gắn kết chia ly thất lạc, đem đến sự đoàn tụ như: Tìm kiếm người thân, bạn bè đã thât lạc, Tìm trẻ lạc…
Từ những cái nhấn Like, bình luận, nhất là “share” đối với câu chuyện tìm người thân, giấy tờ, đồ vật, Facebook đã mang đến nhiều câu chuyện cổ tích thời hiện đại về yêu thương… Cộng đồng mạng vẫn ấn tượng với câu chuyện tìm được mẹ của nickname Ngân Kim hồi tháng 9/2012.
Trên tường Facebook Ngân Kim đăng tin: “Con gái Cù Thị Kim Ngân sinh năm 1991 tìm mẹ tên là Lê Thị Oanh Nga sinh năm 1968 mất tích tại TPHCM từ năm 1994 đến nay. Quê quán: Cẩm Đội, Thụy Vân, Việt Trì, Phú Thọ. Mẹ ơi, bà ngoại bị ung thư giai đoạn cuối rồi, mẹ ở đâu về ngay với bà mẹ nhé…”.
Những dòng tìm mẹ của Kim Ngân được bạn bè, cộng đồng mạng đã truyền tin bằng những nốt Like, bình luận chia sẻ: “Mọi người hãy cùng share (chia sẻ) nhé. Giúp cho gia đình họ được đoàn tụ”.
“Facebook ngày càng được nhiều người sử dụng. Với lực lượng hùng hậu này sẽ làm được nhiều điều có ích”. Chia sẻ trên trang Tìm kiếm người thân, bạn bè đã thất lạc. |
Chưa đầy một tuần sau, trên Facebook của Ngân đã hiển hiện những dòng vui đoàn tụ: “Các bạn ơi, mình tìm thấy mẹ rồi. Không có lời nào để diễn tả sự biết ơn này. Cảm ơn người bạn gái ở TP HCM đã liên lạc, cảm ơn những người bạn mình chưa một lần gặp mặt đã tận tâm giúp đỡ. Gia đình mình sẽ được đoàn tụ, trong ngày mai mẹ sẽ bay ra để về với bà. Bà mình được gặp lại người con gái sau gần 20 năm lưu lạc...”.
Những thông tin trên trang cá nhân cũng được cư dân mạng quan tâm chia sẻ, truyền tin. Nickname Quân Lâm đăng tin “Con tìm mẹ” khiến cộng đồng xôn xao. Chỉ sau 5 giờ, số lượt chia sẻ thông tin này lên đến hơn 5.000 lượt. Một gia đình tại Lạng Sơn tìm cậu bé có tên Nguyễn Hoàng Hải, chỉ sau một ngày đã có hơn 6.000 lượt chia sẻ thông tin này.
Facebook còn trở thành nơi để gắn kết của giấy tờ, đồ vật thất lạc. Nhiều page chuyên dành cho điều này đã xuất hiện như: Đồ Đánh Rơi - Mất Giấy Tờ - Đánh Rơi Giấy Tờ - Mất Túi Sách - Rơi Mất Ví; Tìm giấy tờ, đồ vật bị mất… Tất cả những giấy tờ từ Chứng minh nhân dân, Đăng ký xe, hay bằng tốt nghiệp, cho đến túi xách, chùm chìa khóa đều được rao để mọi người cùng chia sẻ, hồi âm.
Phòng trọ, việc làm miễn phí
Page “Tìm nhà cùng bạn” được lập để hỗ trợ các bạn sinh viên. |
Facebook ngày càng mở rộng, nhiều tổ chức, cơ quan đáng tin cậy sử dụng, cung cấp những thông tin về nhà trọ, việc làm miễn phí. Phục vụ thông tin nhu cầu nhà trọ cho sinh viên, CLB Nghiên cứu thị trường Bất động sản ĐH Ngoại thương (Hà Nội) lập trên Facebook trang Tìm nhà trọ cùng bạn.
Trang thông tin không chỉ thu hút sinh viên trong trường mà còn cả sinh viên nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội. Nhiều thông tin về khu vực nhà trọ, diện tích phòng, giá cả, nhu cầu tìm phòng ở, người ở ghép, nhượng lại phòng trọ… được chia sẻ giúp sinh viên thuê phòng trọ hiệu quả, tiết kiệm chi phí và thời gian.
Cùng với Tìm nhà cùng bạn, người sử dụng Facebook còn mở ra nhiều trang khác như: Diễn đàn tìm nhà trọ, Hội những sinh viên cần tìm nhà trọ với thông điệp “Ai cần thì nói, ai có thì share, vì một cộng đồng sinh viên không phải lo vấn đề phòng trọ”, thu hút hơn 4.000 người Like, hay Nhà trọ Hà Nội có hơn 11.800 người theo dõi.
Kinh nghiệm tìm phòng trọ, tránh sập bẫy của cò đất, hay bị chủ phòng trọ bắt chẹt… cũng được chia sẻ trên Facebook. Trên Facebook ĐH Nguyễn Tất Thành đăng “Kinh nghiệm tìm nhà trọ” viết: “Kinh nghiệm nếu muốn biết thông tin giới thiệu trên mạng có phải là từ “cò” hay không, bạn có thể copy dòng thông báo hoặc địa chỉ đó rồi tìm kiếm trên google.
Nếu những thông tin đó xuất hiện nhiều lần và với tần suất dày đặc, có nhiều nhà cho thuê và khi gọi điện tới họ không miêu tả rõ được cho mình đặc điểm của ngôi nhà thì nhiều khả năng là “cò” nhà đất”.
Sinh viên, người lao động tìm đến Facebook để tìm kiếm thông tin giới thiệu về nghề nghiệp, việc làm cũng ngày một “xôm”.
Nhiều page được lập tên gọi cụ thể như: Hội những người cần việc làm; Sinh viên tìm việc làm thêm; Việc làm PG/PB/Lễ tân; Việc làm 24h… thu hút hàng chục nghìn người đăng ký theo dõi. Thậm chí, nhiều trang web về tìm kiếm nhà trọ, việc làm cũng chia sẻ bài viết hoặc dẫn đường link lên Facebook.
Tình nguyện vì cộng đồng Facebook còn được các nhóm, câu lạc bộ thiện nguyện sử dụng làm kênh vận động, kêu gọi cộng đồng giúp đỡ những mảnh đời thiếu may mắn. Nhiều page đã được thành lập như: CLB Tình nguyện xứ Thanh, Đội tình nguyện đồng hương Hà Tĩnh, Hiến máu tình nguyện, Áo ấm cho em, Giải thưởng Tình nguyện chim Én… |
Mai Xuân Tùng
Còn nữa