Lễ Vu lan không nên chỉ trọng hình thức

Hàng nghìn người ngồi kín lòng đường dự lễ Vu lan ở chùa Phúc Khánh. Ảnh: Như Ý.
Hàng nghìn người ngồi kín lòng đường dự lễ Vu lan ở chùa Phúc Khánh. Ảnh: Như Ý.
TP - Cho rằng lễ Vu lan dần trở nên vững bền, sâu sắc hơn trong văn hóa Việt, tuy nhiên nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ trao đổi với Tiền Phong rằng cần xem lại nếu các nghi lễ đó quá trọng hình thức, tổ chức tràn lan theo phong trào.

Là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, ông nhìn nhận thế nào về sự thay đổi của lễ Vu lan những năm gần đây?

Gần đây, lễ Vu lan tổ chức ở các chùa được tổ chức chu đáo hơn, hoành tráng hơn. Ngoài phần lễ thì các đêm nghệ thuật cũng được chú trọng tổ chức và thường là kéo dài từ hai ngày trở lên trong kỳ lễ Vu lan. Đây không chỉ là ngày lễ báo hiếu mà còn là ngày cầu siêu cho thập loại chúng sinh để mong cho những linh hồn bơ vơ đầy tội nghiệp được siêu thoát.

Tôi vừa dự ngày lễ này tại Di tích văn hóa chùa Hoằng Phúc (Lệ Thủy, Quảng Bình). Thật thiêng liêng và cảm động. Các lời phát biểu của người dẫn, của Chủ tịch UBND huyện, của nhà sư giám tự đều rất hay cả về nội dung và nghệ thuật ngôn từ. Tôi thoạt nghĩ rằng, nếu giáo viên dạy văn nào cũng có thể có những văn bản mang tính nghệ thuật cao như vậy về phật hạnh, về gia đình, về quê hương, đất nước, về các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc... thì tốt biết bao.

Rất nhiều chùa hiện nay đang mở lớp hiếu hạnh nhân dịp nghỉ hè cho học sinh các cấp, dịp này cũng là dịp tổng kết kì học về đạo hiếu của con cháu với cha mẹ ông bà, họ tham gia các chương trình văn nghệ say sưa, thành kính, các sáng tác thơ ca về công cha nghĩa mẹ, về lẽ yêu thương nhân quần, trách nhiệm với truyền thống và đất nước.

Ở các gia đình theo lẽ thường mọi người cúng rằm, nhưng đây là rằm của lễ trọng trăm năm nên cũng được chú trọng hơn. Tất nhiên, cũng như các lễ tiết khác trong năm, tục đốt vàng mã cũng có nhiều lãng phí, tốn kém. Đó là điều chưa được.

Vu lan vốn từ văn hoá Phật giáo mà ra, hiện tượng tổ chức lễ Vu lan tràn lan như hiện nay theo ông có phù hợp với văn hóa người Việt?

Đúng là Vu lan có nguồn gốc từ nghi lễ Phật giáo Ấn Độ rồi truyền bá đi khắp nơi trên thế giới. Cũng như các lý thuyết khoa học chúng tôi đã được đào tạo và đang thực hành nghiên cứu cũng xuất phát từ châu Âu đó thôi, nhưng nay phát triển rộng lớn đến nỗi đào tạo ra không có việc làm. Cho nên, nó xuất phát từ đâu chỉ quan trọng một phần, mà nó đã trở thành giá trị như thế nào trong cuộc sống hiện thực mới quan trọng hơn. Bản thân nó đã trở thành văn hóa của chúng ta: sâu sắc, vững bền qua thời gian và không gian.

Lễ Vu lan vốn là dịp để thể hiện lòng hiếu thảo của con cái đang bị hình thức hóa thậm chí ngày càng ảo hơn qua những đại lễ Vu lan hoành tráng tổ chức ở nhiều ngôi chùa hiện nay. Theo ông có nhất thiết phải chạy theo phong trào như thế mới đúng là báo hiếu?

Lòng hiếu thảo là ngọn nguồn của muôn đạo đức. Trong Phật giáo, đạo hiếu hạnh đứng đầu mọi đạo lễ khác. Đạo hiếu trong đạo Phật không chỉ bó hẹp trong gia đình mà nó mở rộng cho muôn chúng sinh, cho cả cỏ cây, môi trường, môi sinh vì theo lẽ luân hồi, con người ta kiếp này là con của nhiều lần sinh hóa ở những thực kiếp khác nhau nên ai, loài gì cũng là cha mẹ tổ tiên ta cả. Cần biết mang ơn tất cả, và cầu mong cho tất cả tồn tại an lành.

Chữ hiếu của đạo Phật rộng lớn biết bao. Lễ hội nào có chủ điểm đạo đức con người ở các tôn giáo thì cần khẳng định và khuyến khích. Tôi thấy rằng, càng gần đây, các lễ Vu lan ở các chùa càng phong phú hơn, ý nghĩa càng sâu sắc hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ trọng về hình thức, đua nhau làm tràn lan mà yếu kém về giáo lý, ý nghĩa, giá trị thì cần chỉnh đốn. Chạy theo phong trào mà thiếu nhân văn thì cái gì cũng sẽ nằm trong tình trạng “thái quá tất bất cập”.

Cảm ơn ông.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Càng xa hoa càng đi ngược lại cái tâm tốt

Bản chất của lễ Vu lan khuyến khích con người ta báo hiếu bố mẹ. Ý nghĩa tốt đẹp là vậy, nhưng trong xã hội ngày nay mọi lễ nghi tôn giáo thường được khuếch trương lên quá mức. Vu lan là dịp người ta báo hiếu cha mẹ, ông bà tổ tiên, ở mặt khác như sự chuộc lỗi - hình thức nghi lễ tín ngưỡng phần nào làm người ta nhẹ lòng bởi một số cư xử không phải với bố mẹ khi các cụ còn sống.

Giáo lý đạo Phật có nguyên tắc cơ bản tu tâm là căn bản, vậy thì mọi hành vi tín ngưỡng gì đi chăng nữa đều phải xoay quanh cái tâm là quan trọng. Đối với tôn giáo minh triết như Phật giáo, những gì hình thức tín ngưỡng đi thái quá, đặc biệt gây tốn kém xa hoa về hình thức rất dễ đi ngược lại cái tâm tốt, dễ trở thành phản giáo lý. Bởi vì người ta coi trọng nghi thức hơn thực tế, trong khi kinh sách dạy con người ta báo hiếu với bố mẹ ngay tại ngôi nhà mình, ngay khi còn sống chứ không phải chờ tới khi chết đi rồi.

TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam:

Nghi lễ nói chung ngày càng có xu hướng hoành tráng hơn, bởi nó đáp ứng một bộ phận người có tiền, bộ phận bình dân họ làm khác. Lễ Vu lan ngày càng thiên về biểu hiện bề ngoài nhiều hơn do truyền thông đem đến,  nhiều người muốn oai với người khác. Nhiều nơi tổ chức to có thể coi như dịch vụ mới, có những lễ quy tụ tới 3 nghìn người như ở Hà Nội vừa qua. Hiện nay không riêng nghi lễ, nhiều cái khác ở ta đang có xu hướng chuyển từ gia đình ra ngoài xã hội. Tuy nhiên cần nhìn nhận rằng trong mùa Vu lan người ta đốt vàng mã nhiều quá. Đó là điều dở, phản cảm. Có thể do họ muốn khoe của, mặt khác do hiểu lệch về đốt vàng mã nhiều-xưa chỉ đốt quần áo giày dép, nay hết ô tô, thậm chí đốt hình nhân ô sin, có khi sau này còn đốt cả vũ trụ nữa. Tôi thấy như vậy quá lãng phí-xu thế ngày càng phát triển.

MỚI - NÓNG