Lê Văn Luyện viết 3 trang giấy xin lỗi gia đình nạn nhân

Lê Văn Luyện
Lê Văn Luyện
"Cháu xin lỗi tất cả mọi người vì những hành vi tội lỗi của mình. Cháu có viết hàng ngàn vạn câu xin lỗi thì cũng không thể thay đổi được quá khứ đau thương ấy", Lê Văn Luyện viết.

Có lẽ chưa ai quên được hình ảnh tội ác dã man, ghê sợ của "sát thủ máu lạnh" Lê Văn Luyện, một kẻ đã gây ra cái chết cho vợ chồng chủ tiệm vàng Ngọc Bích (Bắc Giang) cùng con gái 18 tháng tuổi của họ. Phạm nhân Lê Văn Luyện đã phải trả giá bằng một bản án nghiêm minh của pháp luật, song nỗi ám ảnh khiến cho Luyện khó thanh thản.

Trong bức thư gửi người cha, người ông của nạn nhân, Lê Văn Luyện đã phải thốt lên rằng: “Hằng đêm, những cơn ác mộng lại hiện về và mỗi khi tỉnh ngủ vì ác mộng là người cháu ướt sũng mồ hôi không thể nào ngủ lại được, cứ thế ngồi nghĩ cho đến sáng, tại sao mình lại đi giết người và sao mình lại nhẫn tâm đến vậy? Cháu rất ân hận và cũng rất hận bản thân mình tại sao lại không học hành cho đến nơi đến chốn mà lại đi tụ tập đàn đúm, tụ tập lêu lổng để rồi đi hại người khác khiến gia đình người ta tan cửa nát nhà và cả gia đình cháu cũng vướng vào vòng lao lý...".

Thông qua cuộc phát động viết thư "Gửi lời xin lỗi" do Cục Giáo dục, Cải tạo và hòa nhập cộng đồng - Tổng cục VIII, Bộ Công an tổ chức, trong bức thư dài 3 trang giấy, phạm nhân Lê Văn Luyện lần đầu tiên được có cơ hội nói lời xin lỗi tới gia đình người bị hại là bố đẻ của anh Ngọc, chủ tiệm vàng Ngọc Bích.

Trong thư, Luyện đã ăn năn hối lỗi: "Thật khó để cháu có thể cầm cây bút trên tay và viết những dòng chữ đầy tội lỗi của mình lên đây. Cháu đã phải suy nghĩ rất nhiều, rất nhiều đêm, bao lần trằn trọc để quyết định viết bức thư này gửi lời xin lỗi đến ông và tất cả các thân nhân gia đình ông. Cháu xin lỗi tất cả mọi người vì những hành vi tội lỗi của mình dù biết cháu có viết hàng ngàn vạn câu xin lỗi thì cũng không thể thay đổi được quá khứ đau thương ấy. Nhưng cháu viết những chữ xin lỗi ấy từ trong thâm tâm của một phạm nhân đầy tội lỗi day dứt lương tâm khi mà hằng ngày hằng giờ không muốn nhắc và nghĩ về quá khứ kinh hoàng của mình, khi mà những điều không muốn nghĩ đến thì lại hiện hữu trước mắt mỗi ngày và không thể nào quên được những hành vi tội lỗi của bản thân ông ạ...

Cháu hận bản thân cháu, nhiều lần cháu đã nghĩ "mày nên chết đi Luyện ạ, sống trên đời chỉ mang cái nhục về cho gia đình và những nỗi đau cho người khác, mày không đáng có mặt trên cõi đời nữa" mỗi lần nghĩ như vậy thì những câu hỏi "mày chết đi thì người ta có sống lại được không, mày có thể làm cho bố mẹ mày vui hơn khi họ mất đi đứa con mà họ yêu thương" và những ý nghĩ ấy cứ xoay tròn ở trong đầu cháu. Và nếu cháu chết đi mà có thể làm cho (cô, chú, em) sống lại thì cháu xin được chết, dù cái chết có thế nào cháu cũng xin chịu, cháu xin lỗi ông rất nhiều.

Còn bây giờ cháu đang sống nhờ Đảng và Nhà nước đã khoan hồng độ lượng tha chết cho cháu, và đang giáo dục cháu để sau này là người có ích cho xã hội. Cháu hứa cháu sẽ cải tạo tốt để sửa chữa, để đánh đuổi con quỷ trước đây đã ngự trị điều khiển cháu, cháu sẽ làm hết sức mình để trở thành một con người lương thiện".

Trong số gần 84.000 bức thư gửi lời xin lỗi của các phạm nhân, trại viên, học sinh từ các trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng gửi về tham dự cuộc phát động viết thư "Gửi lời xin lỗi", có nhiều bức thư được phạm nhân cởi lòng gửi gắm vào đó những nỗi niềm bấy lâu chưa có dịp tỏ bày cùng gia đình, người thân, người bị hại, chính quyền địa phương… Những nỗi niềm mà lâu nay, do tâm lý e dè, mặc cảm, sợ khơi lại nỗi đau của người bị hại, sợ sẽ không được tha thứ những lỗi lầm quá khứ nên chưa dám viết thư.

Phát động phong trào viết thư "Gửi lời xin lỗi" đã tác động vào đúng tâm lý của phạm nhân, khuyến khích, tạo điều kiện cho phạm nhân có cơ hội mạnh dạn dám nói ra sự thật tận đáy lòng mình về những lỗi lầm, nỗi trăn trở, day dứt, ân hận về những hành vi phạm tội của mình gây ra. Họ có dịp gửi đến người bị hại, thân nhân người bị hại, các cơ quan, tổ chức và cho chính thân nhân gia đình, ông, bà, bố mẹ, anh chị, vợ con của mình lời xin lỗi chân thành.

Tuy có muộn màng nhưng trong sâu thẳm những con người đang bị pháp luật trừng trị đó luôn có một ước muốn tâm nguyện nói lên nỗi niềm ân hận của mình. Qua đó để xác định rõ hơn trách nhiệm của bản thân đối với bị hại, với người thân của bị hại và người thân của chính mình...

Theo Trần Hoàng Thiên Kim

Theo Báo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG