Lê Lựu “thời xa vắng”

Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng
TP - Hồi trước, tôi không mấy ngạc nhiên khi có tin, nhà văn Lê Lựu đang ráo riết xúc tiến việc thành lập một trung tâm, gọi là “Trung tâm Văn hóa Doanh nhân". Sống với Lê Lựu trên dưới hai mươi năm trong một cơ quan, lại từng là “lính” của ông khi ông còn giữ chức trưởng ban. Cái ấy chỉ là một lẽ, cái lẽ quan trọng hơn là tôi rất mê tính cách Lê Lựu.

1. Trước hết, “đánh bạn” với ông, tôi cảm thấy vô cùng thoải mái, không có gì phải đề phòng. Ở ông luôn luôn toát lên một sự cuốn hút, không hề khéo léo, không hề xã giao. Hình như nó có sẵn trong tiềm tàng bản năng, trong tít sâu cội rễ của văn hoá dân gian, nơi xứ sở đồng quê Phủ Khoái của ông. 

Cái chất hồn nhiên, trào lộng, vừa hiền lành nhí nhố lại vừa quyết liệt kỳ cùng khi các dòng ý tưởng cứ trào lên từng trang sách của ông, tạo nên những nhân vật - hay nói đúng hơn - tạo nên chân dung chính ông, với một sức thuyết phục vượt ra khỏi sự hình dung của tác giả bởi tính chân thực của tác phẩm.

Ông là người có đầu óc năng động, luôn luôn tìm kiếm, phát hiện, luôn luôn khao khát được tổ chức một chuyện gì đó, được “làm” một cái gì đó. Ví như chuyện đám cưới thằng cháu tôi, tôi chẳng biết “tổ chức” thế nào, liền nói với ông. 

Ông xắn tay vào việc, ngay lập tức các công việc cứ sáng ngời lên. Khả năng tổ chức chỉ đạo của ông với một cái đám cưới  nửa quê nửa tỉnh, nửa viên chức nửa tự do, nửa phố phường nửa làng xã của ông mới tuyệt vời làm sao. Cả hai bên nhà gái nhà trai đều chỉ biết “vâng ạ” trước những lời phán quyết giản dị và thấu tình, đạt lý của ông. Ông hoà vào dân chúng như thể canh cua rau đay chén chung với anh cà pháo vậy.

 Trong cuộc sống hằng ngày, tôi chưa bao giờ thấy Lê Lựu nhàn nhã, ung dung. Nếu có, thì ấy là lúc ông đem con dao bào ra gọt da gót chân, tự thưởng thức cái khoái cảm của người cắt được đôi ba thứ của nợ trên cơ thể mình. Còn bình thường, chẳng công lên việc xuống gì ông cũng tất bật, vội vã. 

Ăn một miếng ăn cũng vội. Hút một điếu thuốc cũng vội. Trong cái túi càn khôn to kềnh của ông đeo thường ngày, tôi bảo đảm bên trong đó có hàng trăm thứ vật dụng, từ tệp bản thảo của bạn nào đó nhờ đọc hộ đến bàn cạo râu - có dăm loại bàn cạo râu - Từ lổn nhổn không biết cơ man nào là các loại thuốc đến que tăm bọc giấy in nhãn hiệu một nhà hàng sang trọng nào đó mà ông không quên nhón về dăm cái. Thời bao cấp, anh em chúng tôi thường hay rủ nhau đi chợ, nấu nướng xì xụp đánh chén.

Tôi rất thích đi chợ với Lê Lựu vì được “xem” ông mua bán, mặc cả. Ông bảo, cái thú của người mua kẻ bán ở chợ là mặc cả thêm bớt. Ở chợ mà núi một mua một thì còn gọi là chợ làm gì? Ông không phải là người ki bo kiết xác, nhưng “xem” ông mua cá mua rau thì thấy thật tội cho mấy bà hàng cá hàng rau. Mua mớ rau muống mà ông vật lên vật xuống mớ rau đến phát nản lòng, cuối cùng ông lại kì kèo thêm bớt, đòi bà hàng rau thêm cho kẹp kinh giới. 

Trời ạ, thế mà các bà phải thua đấy! Lại nữa, coi ông nấu nướng nếm húp xì xoạp mới thú vị làm sao. Nấu mà không nếm thì còn gọi là đầu bếp làm gì, đó là lý sự của Lê Lựu. Tôi đồ rằng mấy người Âu Mỹ thích mời Lê Lựu sang thăm nước họ, có lẽ cũng vì họ khoái được xem ông trình diễn các màn sinh hoạt quê mùa của xứ sở quê mùa vào loại nhất thế giới chăng? Đi công tác với Lê Lựu sướng nhất vì lên xe đã có ông kể chuyện, đến đâu ông cũng có người quen, cũng có bạn thân và người ngưỡng mộ. Tôi có cảm giác cái ống điếu thuốc lào là gạch nối giữa ông với các vị quan chức địa phương. 

Ông bắt chuyện rất nhanh. Chuyện thanh chuyện tục, chuyện cổ chuyện kim, chuyện ta chuyện Tầu, thời sự trong nước, thời sự địa phương mới đến, chuyện gì ông cũng nhớ làu làu, kể rộn ràng, ứng xử thông minh, linh hoạt không kém gì trạng.

Lê Lựu “thời xa vắng” ảnh 1

ảnh: Nguyễn Đình Toán

Cái duyên kể chuyện của Lê Lựu cũng giống như nết ăn nết ở nhôm nhoam của ông, thế nhưng vẫn cứ cuốn hút người nghe, nghe tái nghe hồi vẫn không thấy nhàm. Nhiều lần cơ quan chúng tôi tổ chức Trại sáng tác mời các cộng tác viên về viết, vai trò tổ chức của Lê Lựu lại có dịp hé ra một tí. Quan sát ông khi được giao nhiệm vụ, được lo một cái gì đó, nho nhỏ thôi, mới càng quý cái bản tính ham công tiếc việc của ông, một thứ bản tính giời cho và có khi cả...giời đày - theo cách nhận xét bỗ bã của tôi.

  Ở đời, cái gì đến sẽ đến. Dù sớm muộn gì thì nhà văn Lê Lựu cũng phải tìm được cho mình một “cái ụ mối” (tôi nói đùa với ông) để đứng lên, có chỗ cao hơn một tí mà phất cờ cho đồng chí đồng đội ào lên chiến đấu.

Tôi muốn “đi” vài đường phác hoạ chân dung Lê Lựu trên đây để độc giả dễ hình dung ra một nhà văn làm giám đốc Trung tâm văn hoá doanh nhân. Có thể nói không ngoa, ông là người sáng lập ra cái trung tâm non trẻ này. Và ông đã biến nó thành nhà, thành điểm hẹn của nhiều doanh nhân và văn nghệ sĩ. 

Việc làm của ông về cái trung tâm này thì tôi mù tịt, nên không dám đả động đến, chỉ biết nơi đây người ra người vào tấp nập, có cả công ty “mẹ” công ty “con”. Có cả màn làm ăn đấu thầu từ một số điện thoại “đẹp” đến bất động sản tiền tỷ nọ tỷ kia với các ngài giám đốc vốn từng làm giám đốc sở  hoành tráng. Oai! Trên cả oai vì nó có thiết thực chứ không chỉ “giải quyết khâu oai” như ta thường mổ xẻ.

Tuy nhiên như cái thằng tôi đây, tôi cũng từng hơn một lần  “giải quyết khâu oai” bằng chiếc xe con bóng loáng của cơ quan, điệu được thần đồng Trần Đăng Khoa và Trạng Lựu về nhà cho anh tôi chiêm ngưỡng. Phải mở ngoặc đơn ở chỗ này, vì anh tôi biết tôi cùng cơ quan với Trần Đăng Khoa và Lê Lựu nên lấy làm tự hào lắm, nhiều lần thúc tôi kéo các chú ấy về chơi. Sau tiểu thuyết “Thời xa vắng”, nhà văn Lê Lựu nổi danh như cồn, lại được “cử đi Mỹ để thuyết khách”, tất nhiên là theo cách nói  của anh tôi. Khi Lê Lựu về nhà lại được “cử đi” nói chuyện về nước Mỹ khắp nơi, nhưng ở làng tôi thì chỉ được nghe băng cát-sét, thuê mỗi tối bảy ngàn đồng. 

Sau khi nghe cái băng Lê Lựu kể những cuộc đối thoại nảy lửa của mình với các nhà văn, các học giả Mỹ, anh tôi khoái quá nên mới gọi Lê Lựu là Trạng Lựu. Cùng một lúc, anh tôi không những được trông thấy mà còn được nắm cả tay, cụng cả ly, gắp cả thức ăn bỏ vào bát cho Trạng và cho Thần Đồng thì hỏi còn có hạnh phúc nào lớn hơn? Các cụ ta có câu: “Gần chùa gọi bụt bằng anh”, cấm có sai.

Thấy tôi quá suồng sã với Trạng Lựu, anh tôi phải gọi tôi ra sau nhà chỉnh cho một trận. Chiều, chúng tôi vừa về đến nhà, anh tôi hỏi tôi nên sắm món gì, tôi bảo canh cua đồng nấu với rau đay, mồng tơi, và nếu có thể thêm quả mướp, thêm bát cà pháo muối chua, thêm đĩa tôm kho mặn, Trạng và Thần Đồng  đều thích các món ấy. Anh tôi mới đầu không nhất trí, ý anh là phải làm cỗ, phải thịt vài con gà, thậm chí mổ lợn, cho “quân” xuống ao đánh cá, nó mới ra cái thú đón khách trọng tận trên Trung ương về, nở mày nở mặt với làng với xã.

Ấy thế mà tôi lại chỉ đưa ra cái thực đơn mỏng tèo, với những món ăn quê mùa đãi khách sang bậc nhất, thật không xứng với tấm thịnh tình của anh tôi, không xứng với chú Kiểm lái xe oai vệ như võ sĩ cùng chiếc xe con bóng nhoáng của chú đậu ở trước sân nhà. Mà anh tôi, kể cả chị dâu tôi cũng là trí thức, là giáo viên, ba đời nhà tôi chuyên nghề “bảo học”, gia đình tôi được gọi là gia đình gia giáo ở xứ quê mùa, thậm chí anh  còn đang được bà con coi là bậc trưởng lão ở làng, nghĩa là còn trên thằng Hồng em họ tôi giữ chức trưởng thôn, chứ đâu phải chỉ có chân đất mắt toét, như Trạng Lựu vừa mới nói với anh tôi rằng, chính Trạng, chính cả “thằng Khoa, thằng Đỉnh” có nhà văn nhà veo, thần đồng, trạng triếc gì thì cũng đều là một lũ nhà quê chân đất mắt toét cả! Chao ôi, phải được xem Lê Lựu với Trần Đăng Khoa về ngồi trong mâm cơm giữa làng quê Bắc Bộ, mới thấy được sức mạnh tiềm tàng của cả hai con người trông bề ngoài ụt ịt, nhem nhuốc mà hoá ra sinh động đến mê mẩn lòng người, kể cả người nhà quê.

Anh chị tôi hoàn toàn bị bất ngờ khi chén xong ba bát canh cua rau đay với lại cà pháo, không ai động đũa đến thịt gà, giò chả, hiến cho gia đình anh tôi nghe vài ba câu chuyện tầm phào, bỗ bã kiểu nhà quê, trên cả nhà quê như thế, chưa ai kịp hiểu đầu cua tai nheo thế nào thì cả Trạng và Thần Đồng, hai nhà trí thức thần tượng của anh của chị, của bao nhiêu công chúng cần lao, lại hồn nhiên nằm lăn  quay ra chiếu ăn giữa nhà thi nhau ngáy. 

Anh chị tôi  nhắc các cháu đụng bát, đụng đũa nhè nhẹ, đi lại nhè nhẹ, với một thái độ hết sức cẩn trọng, khiến tôi và chú Kiểm lái xe cứ phải đánh mắt cho nhau  cười mủm, rõ ra cái lối “bụt chùa nhà không thiêng” thật...

2 Ngày ấy, tôi cho rằng mình gặp may khi có giấy quyết định được điều về công tác tại tạp chí Văn nghệ quân đội. Phải nói những ngày mới về nhận việc,  được ngồi họp chung, bàn chung công việc với các nhà văn đàn anh như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Lê Lựu, Thu Bồn,  Ngô Thảo... đối với tôi là cả một sự kỳ lạ của cuộc đời lính tráng. 

Tôi mê mẩn ngắm các ông anh với lòng ngưỡng mộ, trên cả ngưỡng mộ, ấy là trong các buổi sáng trà dư tửu hậu, được hóng chuyện các liền anh tán trên trời dưới biển, chuyện đời chuyện văn đông tây kim cổ, rồi thì đến cái đoạn tôi cũng không nhớ, hình như cũng chỉ đôi ba tuần là cùng, chính tôi hoà nhập vào các câu chuyện cùng các ông anh như là một thành viên, không hề có chút gợn phân biệt nào, điều ấy lại thêm một lần kỳ lạ nữa.

Tôi cứ ngắm bức chân dung nhà văn Nguyễn Thi thời trai trẻ treo trên tường trong phòng làm việc “của mình” với một niềm tự hào thơ trẻ, một niềm tự hào mà ở thế hệ chúng tôi không anh nào không có. Nó vừa thiêng liêng lại vừa sâu nặng biết chừng nào. Những câu chuyện đầy ấn tượng về một thời các anh ra đi từ những căn phòng của ngôi nhà số 4 để vào khắp các chiến trường và những câu chuyện về cá tính sống, cá tính làm việc của từng người sao mà gần gũi, sao mà đầm ấm. Những đêm mất điện toàn thành phố, bên ngọn đèn dầu, các anh đọc cho nhau nghe sáng tác mới của mình, đặc biệt là những tác phẩm của đồng đội mới nhận được từ miền Nam gửi ra. 

Cái không khí của một Hà Nội văn hiến, của một Hà Nội thời chiến tranh trong tiểu thuyết “Lửa từ nhưng ngôi nhà” mà Nguyễn Minh Châu dựng được sống lại trong tôi. Bây giờ tôi được về với ngôi nhà này, được ở trong căn phòng một thời Nguyễn Thi, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Minh Châu đã từng ở, đã từng viết văn, đã từng tranh luận và đã từng diễn ra cũng lắm chuyện vui buồn. Tôi để ý tất cả các hành vi của các ông anh. Té ra họ sống, họ làm việc, họ trò chuyện, họ tán gẫu với nhau cũng không khác mấy ở  những chỗ khác. Nghĩa là, cũng xôm trò lắm. Có lúc cần sự nghiêm trọng thì họ cũng nghiêm trọng không kém ở bất cứ cơ quan công sở nào.

Phòng Lê Lựu  suốt ngày xoành xoạch kẻ ra người vào tấp nập. Nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng hay tới đây, nhưng ông thường nhằm vào lúc ít người. Tôi nhớ mãi cái buổi chiều u ám tôi đang được Lê Lựu đãi (vẫn) món bún lá với mắm tôm và đậu phụ rán cùng  món kể lại cốt truyện và ý tưởng cái truyện ngắn mới nhất của Nguyễn Minh Châu. Câu chuyện về vợ một anh chàng ngư phủ  rất hay bị thằng chồng vũ phu đánh đập, hành hạ. Iạ lùng thay là chị ta không những không phản ứng mà còn xin hắn, có đánh thì để lên đến bờ rồi hãy đánh. 

Có phải chị ta yêu hắn không? Không. Một trăm lần không. Một ngàn lần không. Nhưng mà không thể không sống với hắn. Người ta khuyên chị nên bỏ quách hắn đi, ngay cả ông chánh án toà án nhân dân huyện cũng không kìm chế được, đã nói với chị ta rằng: “Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng. Cả nước không có một người chồng nào như hắn”.

Và anh đã khuyên chị ta bỏ chồng, mặc dù vẫn nhớ chức năng của mình là phải hoà giải. Nhưng mà chị ta thì vẫn một mực chắp tay vái lạy các người rằng, chị đã nghĩ kỹ rồi. Cuối cùng người ta cũng khám phá ra. Chị ta chịu đựng chỉ là để tồn tại cái gia đình cùng những đứa con. Một cái gia đình đi biển, sống bằng nghề biển mà không có hắn, không có đàn ông thì...Nói đến đây Lê Lựu ngắc giọng lại, nhìn ra ngoài. Có tiếng xe đạp lạch xạch trước cửa “hang”. Lê Lựu nhận ra tiếng lạch xạch quen thuộc ấy. 

Anh bảo tôi: “Bác Châu đấy”, rồi vội lấy bát đũa  “mời ông anh”. Nhưng  tôi thấy “ông anh” không có vẻ xởi lởi vui vẻ như những buổi tới chơi tán gẫu thường ngày. Lê Lựu và tôi rối rít mời ông  cùng ngồi xuống chiếu. Nhưng Nguyễn Minh Châu vẫn ngồi trên chiếc ghế tựa tường, lấy thuốc ra hút, rồi nói với Lê Lựu:

  - Ông cho mình lấy lại cái truyện ngắn mình gửi hôm nọ có được không?

   - Sao lại lấy lại? Em đưa đánh máy rồi mà.

    - Nhưng  mình nghĩ lại rồi. Không nên in lúc này Lựu ạ.

    Lê Lựu nhìn ông, có vẻ không hiểu.

   Ông vẫn một mực:

    - Để khi nào nó nguôi nguôi đi
cái đã.

   - Em vừa kể cho thằng Đỉnh nghe, Lê Lựu nói, em nói thật nhá, bác đừng sợ, cái truyện ngắn này hay thế, đẹp thế thì có gì mà sợ? Cứ để đấy, em cho “đi” ngay số này thôi mà.

  - Ông lấy ngay về hộ tôi, Nguyễn Minh Châu chuyển thái độ, những ngón tay run run dụi tàn thuốc vào cái gạt tàn đầy ự mẩu, với vẻ mặt căng thẳng. Tôi thấy ông chợt vươn ngửa người, ưỡn ra phía sau thành ghế rồi trở về tư thế ban đầu, chuyển trở lại bằng cái giọng tâm sự: Mình có đưa cho Thu đọc, nó bảo, anh mà cho in lúc này rất không có lợi, rất dễ bị suy diễn. Mình thấy Thu nó nói
đúng đấy.

 Ông chơi rất thân với nhà thơ Nguyễn Trung Thu, công tác ở Ban văn hoá văn nghệ Trung ương. Hai người còn là láng giềng của nhau, nên hễ cứ viết xong cái gì, ông cũng đem  sang nhà cho bạn “duyệt” trước.

  Lê Lựu buông bát đũa, đứng dậy:

   - Anh để đấy em, thằng nào đánh
em chịu.

    Nguyễn Minh Châu cười nhạt:    

    - Ông chịu thế chó nào được?

    Lê Lựu khẳng định:

    - Được, phải có cách chứ. Cứ thật thà như bác với lại cái  ông Thu có mà ...

Nói rồi Lê Lựu lấy giấy bút viết. Tôi tò mò ghé xem. Té ra Lê Lựu viết một lá thư  cho Nguyễn Minh Châu với nội dung rất ngắn gọn rằng, hôm nọ, lúc chờ xe đi Đại Lải, anh ghé phòng em chơi, mải chuyện nên lúc đi anh bỏ quên cái túi cói quạc ở sau lưng ghế, em thấy có cái bản thảo truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” nên mạo muội đọc trộm, thấy nó hay nên mạo muội đem in, vì dạo này thiếu truyện hay quá, mà anh thì lại ở tít trên ấy, thành thử em không kịp xin ý kiến tác giả, nay có thằng Đỉnh lên, em viết thư này xin lỗi anh và em hứa, nếu có gì sai sót, em xin anh cho em được hoàn toàn chịu trách nhiệm. Cáo lỗi anh vậy. Lựu.

Lê Lựu “thời xa vắng” ảnh 2

Nhà văn Lê Lựu. anh: Nguyễn đình toán

Tôi lại thêm một lần ngạc nhiên thấy Nguyễn Minh Châu cứ ngồi lặng thinh với  vẻ mặt thuỗn thờ sau khi đọc “lá thư”. Lê Lựu pha xong ấm nước rót mời ông, nhưng Nguyễn Minh Châu không uống mà ông lặng lẽ đứng dậy, lặng lẽ kéo đôi dép lê ra khỏi “hang”, không hề quay nhìn lại chúng tôi lấy một lần. Tôi có cảm giác, cái lặng lẽ mà ông để lại phía sau lưng mình, cho chúng tôi, như có một lỗ thủng!

Tôi không nhớ chi ly ngày tháng nhưng cũng vào cái dịp ấy, vào một buổi trưa nóng nực, tôi đi đâu đó về, Lê Lựu dường như “phục kích” tôi từ trước nên rất xởi lởi ra kéo tôi vào “hang” mà rằng: “Chú vào đây, bố con tôi chỉ chờ có chú về cái là đánh chén. Mời chú ngồi”. 

Chuyện mời mọc đánh chén của Lê Lựu đối với tôi thì không có gì mới mẻ. Mới mẻ nhất là cô con gái rượu của Lê Lựu đang ngồi đó, nó ỏn ẻn “cháu chào chú” rồi mau mắn lấy bát đũa thêm cho tôi. Một cái đĩa to đùng bún lá, một bát mắm tôm truyền thống, mấy bìa đậu và một dúm rau  kinh giới, hôm nay có thêm mấy lát chả quế, thịnh soạn phết, tôi nghĩ, đây là đĩa chả con gái Lê Lựu phụ thêm vào bữa cho bố. Cô con gái Lê Lựu đâu chừng hai mấy, xinh xắn nhưng có vẻ hơi ộ ệ, giống như người mang bầu. 

Tôi là ông chú nhưng cũng chỉ nhỉnh hơn nó độ mươi mười lăm tuổi, đang định chén xong thì chuồn về phòng cho bố con  ấy tâm sự. Cháu bảo cháu ở quê Phủ Khoái ra thăm bố tí buổi trưa. Đánh chén vừa xong, Lê Lựu có vẻ tất bật gọi tôi ra ngoài, nói nhỏ: “Chú giúp tôi việc này, tôi có việc gấp phải đi đây chút, tí chú đưa cháu lên Trăm Linh Tám gặp bác Thục hộ tôi…”. 

Nói rồi lấy xe đạp, đạp đi liền, cả tôi, cả cô cháu đều không kịp phản ứng. Sau này mới biết, hôm ấy cô cháu con Lê Lựu lên để đi khám thai ở bệnh viện Trăm Lẻ Tám, nơi ấy có Giáo sư, bác sĩ Thục, ông anh thân thiết của chúng tôi. Lê Lựu đèo con đi khám thai thì ngại nên đùn cho tôi. Tôi cũng ngại thật là ngại, nhưng tình thế này chả lẽ không giúp, đành lấy cái xe đạp cà tàng đèo cô cháu ộ ệ lên bệnh viện với một tâm trạng ấm ức vô cùng. 

Đúng là thân làm tội đời. Chơi với Lê Lựu mãi mà tôi không nắm bắt được tình thế nào, âu đó cũng là cái sự trời ban, trời phạt, cũng như trời ban cho ông cuốn “Thời xa vắng” mà thời ấy, ngành biên tập sách lại nẩy nòi ra cái ông nhà  văn Trần Vũ Mai vừa tinh xảo vừa thô tháp, vừa giỏi văn lại  giỏi sự đời, tâm đắc chăm lo từng câu từng chữ cho Lê Lựu, để bây giờ chúng ta có cuốn tiểu thuyết vừa chân thực vừa sâu sắc ở thời điểm văn chương nước nhà bước sang thời kỳ mới, một thời kỳ nhân vật tiểu thuyết được trở về bản chất của văn học, không tô son trát phấn màu mè, không “nâng quan điểm”, không luỵ “vấn đề”, một cuốn tiểu thuyết bình dân với lối viết bình dân, giọng văn bình dân mà chính nó đã đóng dấu son cho việc mở màn  một giai đoạn văn học mà bây giờ ta gọi là thời kỳ đổi mới. Một thời kỳ rầm rộ với những tên tuổi mới mẻ trẻ trung bất ngờ đầy hứa hẹn.

Căn phòng đẫm mùi nước điếu

Tôi vô cùng ngạc nhiên khi lần đầu tiên bước vào căn phòng khá rộng ở đầu hồi dãy nhà cấp bốn phía sau toà soạn, nơi nhà văn Lê Lựu, trưởng ban văn đang ở vì sự tối tăm và hôi xì xì mùi nước điếu thuốc lào và mùi ẩm mốc. 

Trưởng ban của tôi đã biến căn phòng rộng thênh thành cái hang bởi đám tủ không cánh và ngổn ngang chăn màn quần áo. Cái bàn trà xiêu vẹo cùng mấy cái ghế gỗ cũng xiêu xiêu, vẹo vẹo, cái kê sát tường, cái kê chính giữa phòng. 

Trên mặt bàn là một lũ một lĩ chén uống nước nhiều chủng loại cáu bẩn. Dưới gầm giường nào can, nào lọ, nào chai, nào giầy, nào dép, và bếp dầu, và nồi xoong, và thau, và chậu cùng với thùng hòm là cái chạn bát  gãy một chân chỉ chực đổ kềnh ra bất cứ lúc nào. Rồi thì gạo, muối. Rồi thì áo quần. 

Một cái tủ chứa không biết cơ man nào là bàn cạo râu  sản xuất từ Nga. Lê Lựu là nhà sưu tầm đồ cổ mà đồ cổ của ông là bàn cạo râu điện của Nga?  Không! Tuyệt nhiên không! Nhưng mà tôi chưa thấy ai chứa nhiều bàn cạo râu như Lê Lựu. “Mày thích tao cho mày một hai cái!”, Lê Lựu nói. Nhà sưu tập không bao giờ nói thế, cho dễ dãi thế!

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.