Còn rụt rè
Không muốn lên tiếng và không biết nên nói gì vào lúc này, đó là tâm trạng chung của nhiều doanh nghiệp và nhà quản lý du lịch địa phương. Đại dịch giai đoạn 2 khiến ngành du lịch tê liệt trở lại sau thời gian nhúc nhắc phục hồi. Nhiều điểm du lịch lớn tại Đà Nẵng buộc phải đóng cửa, nhiều điểm khác mở cửa nhưng hoạt động cầm chừng. Khu Sunworld Fansipan sắp tới đóng cửa một thời gian để bảo dưỡng, nâng cao chất lượng.
Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Du lịch Hà Nội cho biết, dịp Quốc khánh vừa rồi ngày nghỉ ngắn cộng với tác động của COVID-19, lượng khách đến Hà Nội thấp. Nhiều cơ sở lưu trú 5 sao giảm giá sâu và ưu đãi chưa từng có, thế nhưng công suất phòng chỉ đạt khoảng 10,6%, giảm 53,4% cùng kỳ năm ngoái. Thống kê cho thấy lượt khách và sức mua sắm hạn chế ở loạt khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại, ăn uống giải trí - ước tính doanh thu giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019.
Khách thưa vắng là tình trạng chung của nhiều điểm du lịch khắp vùng miền. Ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, khách đoàn gần như không có, chỉ trông chờ khách lẻ. “Du lịch miền Trung phụ thuộc rất lớn vào Đà Nẵng nhưng du lịch Đà Nẵng cũng đang chạm đáy”, ông Phong nói.
Được hỏi về cơ hội đón khách quốc tế trở lại, ông Phong tỏ ra e ngại. “Khách quốc tế thường có kế hoạch trước 6-10 tháng. Trong năm nay Việt Nam khó đón khách quốc tế trở lại, thậm chí tới tận đầu năm sau. Tuy thế, một số thị trường châu Á có thể phục hồi nhanh hơn, tùy tình hình dịch bệnh và chính sách mở cửa. Du lịch dẫu vậy còn phải phụ thuộc nhiều yếu tố như kinh tế thế giới, tình hình kiểm soát dịch bệnh, tâm lý e ngại của khách sau đại dịch.
Quảng Bình chủ yếu đón khách Âu, Mỹ vì thế cần độ trễ dài hơn, có thể mất 6-7 tháng đón khách quốc tế. Chúng tôi dự kiến từ nay tới 6 tháng đầu năm sau vẫn tập trung kích cầu nội địa, chuẩn bị các điều kiện và xúc tiến quảng bá tới một số thị trường quốc tế”, ông Phong nói.
Bước đi đầu tiên
Chưa dám nhìn xa hơn về khả năng đón khách quốc tế thời điểm này, tuy nhiên ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cho rằng các chỉ đạo của Chính phủ rất đúng đắn. “Không thể cứ khép kín, đóng cửa mãi. Nếu quốc gia, vùng lãnh thổ nào công bố hết dịch và đảm bảo an toàn thì nên mở ra cơ hội hợp tác trên tinh thần tuân thủ các điều kiện phòng chống dịch bệnh”, ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Lữ hành Việt Nam phân tích: Việc mở lại sáu đường bay có ý nghĩa rất lớn. “Phải xác định ngay, về mặt lữ hành chưa thể lập tức đón du khách thuần túy. Người nước ngoài vào Việt Nam giai đoạn này phải tự trả phí cách ly, có thể lưu trú tại các khách sạn. Tuy nhiên đây là bước đầu tiên để có bước thứ hai, thứ ba. Nếu ta thành công ở bước đầu này thì mới có cơ sở mở cửa tự do sau này”, ông Hoan nêu.
Sáu đường bay trong tuần với một số điểm đến trong khu vực, người nước ngoài vào Việt Nam phải cách ly. Ông Nguyễn Công Hoan đánh giá đây là lượng khách nguồn cho một số khách sạn đang ế ẩm. “Khách chuyên gia, kinh doanh sau thời gian cách ly sẽ ra ngoài làm ăn. Chúng tôi đánh giá họ có nhu cầu du lịch tại chỗ khá cao”, ông Hoan nói.
Một số chuyên gia đề xuất đưa khách quốc tế tới một số khu nghỉ dưỡng khá biệt lập, có thể ở một số hòn đảo du lịch. Về đề xuất này, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cho biết, địa phương vẫn chờ hướng dẫn của Tổng cục Du lịch. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Sở làm việc với một số cơ sở lưu trú có đăng ký làm cơ sở cách ly, hướng dẫn các doanh nghiệp có điều kiện để chuẩn bị tốt cho trường hợp đón khách quốc tế cách ly. Hiện Vinpearl Phú Quốc đã xong thủ tục về cơ sở lưu trú cách ly, Sở đang vận động các ngành khác như công an, quân đội, y tế phối hợp để kiểm tra thủ tục, tập huấn thêm về phòng, chống dịch.
Liên quan việc chuẩn bị cơ sở lưu trú đủ điều chuẩn cách ly cho người nước ngoài, ông Trần Trung Hiếu cho biết, Hà Nội có 6/8 cơ sở đảm bảo điều kiện, hai cơ sở còn lại đang trong quá trình hoàn tất thủ tục. Dịp 2/9 vừa qua, các cơ sở lưu trú từ 2-5 sao phục vụ 389 khách/282 phòng trong tổng số 582 phòng đăng ký. Ông Hiếu nêu: Hà Nội vẫn chuẩn bị điều kiện để đón khách trở lại, nhưng an toàn cho du khách và cộng đồng vẫn được đặt lên hàng đầu.
Không thể ngồi đợi
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết ngành còn nhiều việc phải làm, thận trọng với các kế hoạch mở cửa du lịch nhưng không thể buông xuôi. Vừa qua, Tổng cục phối hợp với Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) ra mắt trang Green Travel dành cho khách nước ngoài tại địa chỉ: www.vietnam.travel/sustainability với ngôn ngữ Anh và Trung. Trang này cung cấp danh sách tổng hợp sản phẩm du lịch bền vững được công nhận của Việt Nam, thông tin tua, điểm đến, sản phẩm du lịch đặc sắc theo tiêu chí bền vững. Tổng cục trước đó cũng ra mắt website trải nghiệm du lịch ảo “Virtual Vietnam”, gồm sáu chuyên trang.
Cuối tháng 8, lãnh đạo Tổng cục gặp gỡ đại diện của các hãng hàng không, tập đoàn, công ty du lịch lớn nhằm thảo luận giải pháp khôi phục thị trường du lịch nội địa. Tổng cục tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm chia sẻ thông tin, thảo luận về tình hình ứng phó dịch bệnh với Cục Du lịch Đài Loan (Trung Quốc).
Nhiều địa phương cũng khởi động các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch: Khánh Hòa thi sáng tác logo, slogan du lịch Nha Trang; Quảng Bình phối hợp Google quảng bá hình ảnh đẹp về du lịch Quảng Bình và chương trình xúc tiến khác...