Lê Hùng đã cứu hai nhà hát?

“Tất cả đều là con tôi”, vở kịch gần đây do Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác với đạo diễn Mỹ được đánh giá cao Ảnh: T.Toan
“Tất cả đều là con tôi”, vở kịch gần đây do Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác với đạo diễn Mỹ được đánh giá cao Ảnh: T.Toan
TP - NSND Lan Hương gửi lá đơn khiếu nại thứ ba lên Thủ tướng và cả Bộ Nội vụ, nêu lên bất cập trong lộ trình việc sáp nhập hai nhà hát. Sáng 2-5, Nhà hát Tuổi trẻ có cuộc bỏ phiếu tín nhiệm bầu ban giám đốc mới, còn đạo diễn Lê Hùng có ý thanh minh rằng anh cho sáp nhập hai nhà hát không phải để “chạy hưu”.

 > Vụ sáp nhập hai nhà hát: Nghệ sĩ hoang mang

“Tất cả đều là con tôi”, vở kịch gần đây do Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác với đạo diễn Mỹ được đánh giá cao Ảnh: T.Toan
“Tất cả đều là con tôi”, vở kịch gần đây do Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác với đạo diễn Mỹ được đánh giá cao Ảnh: T.Toan.

Ai cứu hai nhà hát?

Sáng 2-5, Nhà hát Tuổi trẻ đang có cuộc bỏ phiếu khá bất thường bầu ban giám đốc mới sau khi Bộ VHTTDL ra quyết định sáp nhập Nhà hát Kịch VN và Nhà hát Tuổi trẻ. Một số phóng viên đến Nhà hát tìm hiểu vấn đề và chất vấn đạo diễn Lê Hùng người đang ở tâm điểm của dư luận.

Giải thích lý do sáp nhập, đạo diễn Lê Hùng cho biết: Nhà hát kịch VN và Nhà hát Tuổi trẻ nếu không sáp nhập thành Nhà hát kịch Quốc gia, thì sẽ sớm phải chịu phương án xã hội hóa, khi Bộ cắt toàn bộ kinh phí.

“Việc sáp nhập đưa nhà hát lên tầm cao hơn. Đã là Nhà hát Kịch Quốc gia thì Chính phủ phải đầu tư, chứ không còn thuộc Bộ nữa, sẽ được coi trọng như bảo tàng quốc gia, thư viện quốc gia”, ông Lê Hùng nói.

Như vậy với đề án sáp nhập của mình, Lê Hùng chẳng khác nào người đã cứu hai nhà hát khỏi một nguy cơ? Tuy nhiên, NSƯT Anh Tú cho rằng lí do này không thuyết phục: “Đấy là ý kiến riêng của Lê Hùng, không phải tâm tư tình cảm của tất cả nghệ sĩ”.

Nhà hát Tuổi trẻ lâu nay năng động, hai phó giám đốc, bốn trưởng chèo chống, tìm các dự án, chương trình để có thu nhập cho nghệ sĩ (gần đây nhất là chương trình liên kết với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia). Nguồn thu này đảm bảo cho đoàn vẫn duy trì đều đặn dựng vở mới, bù lỗ cho các vở diễn phát vé mời nhiều hơn bán.

Thực tế, Nhà hát kịch Quốc gia mới chỉ tồn tại trên tờ quyết định và ý tưởng của người đề xuất-đạo diễn Lê Hùng. Ông nói trụ sở của Nhà hát kịch Quốc gia tương lai nằm trên diện tích 7.000m2 ở Mỹ Đình với hai rạp hiện đại bậc nhất, có sức chứa khoảng 1.000 người.

Sai qui trình?

Dư luận giới sân khấu cho rằng, việc tách hay nhập các nhà hát thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ, không phải Bộ VHTTDL. Lá đơn khiếu nại thứ ba của NSND Lan Hương, ngoài các cơ quan liên quan, còn gửi Bộ Nội vụ, cũng vì lý do này.

Ngoài ra, với việc sáp nhập này, ước chừng sẽ có ít nhất 3 giám đốc + 4 phó giám đốc được bổ nhiệm mới, trong đó hai nhà hát “lẻ” mỗi nơi có thêm một giám đốc+2 phó giám đốc được bầu mới. Chưa kể ban giám đốc Nhà hát kịch thiếu nhi? Còn “tổng chỉ huy” là giám đốc Lê Hùng và phó giám đốc Tố Trinh thì đã ở đúng tuổi hưu.

Nhưng ông Hùng bảo, hiện nay đang kẹt tiền vốn xây trụ sở, dự kiến khoảng 1.200 tỷ đồng-số tiền này Bộ không thể đầu tư. “Chuyện trụ sở chưa hề có trong quyết định, tất cả mới nghe anh Lê Hùng hứa. Chúng tôi muốn nghe từ Bộ”, nghệ sĩ Anh Tú nói.

Vấn đề nhân sự khơi lên nhiều ý kiến, quanh quyết định sáp nhập hai nhà hát và bổ nhiệm ông Lê Hùng làm Giám đốc Nhà hát kịch Quốc gia, bà Tố Trinh làm Phó Giám đốc: Cả hai đều hết năm nay sẽ về hưu và quyết định cũng không chỉ rõ thời hạn. Chính điểm này khiến nghệ sĩ mất lòng tin.

Trước những câu hỏi dồn ép, đạo diễn Lê Hùng nói ông đã nộp đơn xin về hưu. Hỏi cứ đúng tuổi về nghỉ, sao phải nộp đơn, ông trả lời: “Bộ muốn giữ tôi lại để tiếp tục làm giám đốc, nhưng tôi về làm đạo diễn sướng hơn. Đi làm lễ hội tôi có thể có tới 150 triệu/lễ hội, hay 20 triệu cho một chương trình ngắn”. Nhưng ông cũng nói thêm, trước mắt ông là người xây dựng, kiện toàn bộ máy của Nhà hát kịch Quốc gia.

Chúng tôi muốn Bộ giải thích

“Đây là việc làm thiếu dân chủ, thiếu tôn trọng nghệ sĩ. Lẽ ra khi có ý định sáp nhập, Bộ VHTT&DL phải xuống ngồi cùng anh em nghệ sĩ hai nhà hát, xem lí do vì sao? Sáp nhập thì như thế nào? Đánh đùng cái xuống đọc quyết định!

Trước đây, chúng tôi chỉ thấy anh Lê Hùng đi lên đi xuống Bộ để họp hành, có ráo trước thế thôi. Tách hay sáp nhập là bình thường, nhưng cách thức làm thiếu dân chủ, thiếu tôn trọng nghệ sĩ”- Trưởng Đoàn kịch I Nhà hát Tuổi trẻ, NSƯT Anh Tú chia sẻ.

Quyết định do Bộ VHTT&DL công bố hôm 5-4 bất ngờ và khiến nghệ sĩ hai bên cảm thấy tủi thân: Vấn đề trực tiếp liên quan đến hàng trăm con người, lại chỉ thực hiện bằng văn bản hành chính.

NSND Lan Hương trong lá đơn thứ ba cũng đề cập: “Tôi nghĩ rằng lộ trình sáp nhập là những nghệ sĩ ngồi cùng với lãnh đạo Bộ, lãnh đạo hai nhà hát bàn về quy mô dự án sáp nhập cho thỏa đáng, khiến chúng tôi tâm phục khẩu phục khi mất hai thương hiệu lớn như thế. Và khi chín muồi quyết định chính thức sáp nhập thì chúng tôi phải nhìn thấy, thậm chí sờ thấy hạ tầng cơ sở của một Nhà hát mới được thành lập có tính chất quy mô”.

Theo lãnh đạo Nhà hát Tuổi trẻ, lẽ ra sáng 2-5 đại diện của Bộ VHTT&DL xuống dự buổi bỏ phiếu tín nhiệm bầu ban giám đốc mới của nhà hát, nhưng cuối cùng không ai xuất hiện.

Nhà hát Tuổi trẻ bỏ phiếu tín nhiệm

Sáng 2-5, nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ bỏ phiếu tín nhiệm để làm cơ sở bầu ban giám đốc (riêng của nhà hát, còn Ban giám đốc Nhà hát Kịch quốc gia lại khác).

NSƯT Chí Trung- Trưởng đoàn kịch 2- đạt 23 trên 43 phiếu, ứng viên cho chức Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ. Ứng viên cho chức Phó Giám đốc theo hình thức bỏ phiếu tín nhiệm là: Sỹ Tiến, Anh Tú và Như Lai.

Trước đó, Anh Tú xin rút khỏi đề cử nhưng không được chấp thuận. Anh nói thêm, anh chẳng quan tâm mấy vị trí quản lý, cốt được làm nghề và có chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả.

Trước đó, hỏi Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ quanh đề án sáp nhập, ông Nguyễn Phúc Thảnh trả lời trách nhiệm xây dựng đề án hiện thuộc về Giám đốc Nhà hát kịch Quốc gia Lê Hùng.

NSƯT Anh Tú nói thêm, bây giờ đạo diễn Lê Hùng mới chỉ đạo bắt đầu xây dựng lộ trình mới, và ban giám đốc Nhà hát kịch Quốc gia rất lúng túng. “Tôi thấy vô lí, nhiều cái nghịch lắm: Làm gì có cơ cấu Giám đốc Nhà hát kịch Quốc gia, rồi bên dưới là Giám đốc các Nhà hát kịch VN, Tuổi trẻ và Nhi đồng?”, Anh Tú nói.

Trả lời báo chí cuối tháng 4, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cũng nói, đề án sáp nhập hai nhà hát là chuyện lâu dài, tiến hành dần dần. Như thế, quyết định sáp nhập chỉ dựa trên đề án sơ thảo do Vụ Trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ VHTT&DL) bàn thảo với giám đốc Lê Hùng, trong đó cơ cấu tổ chức, phương hướng hoạt động rất mơ hồ.

Thế mới có chuyện sau khi có quyết định sáp nhập, hai nhà hát phải loay hoay bầu bán, làm đề án hoạt động như lời ông Lê Hùng: “Lộ trình là thế. Phải bầu ra ban giám đốc, trình Bộ quyết định, thì từ đó mới thành lập được ban giám đốc để có thể xây dựng đề án. Các nhà hát phải thành lập dự án phát triển nhà hát của mình, từ đó mới phát triển được”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.