'Lễ hội Vì hoà bình' ở Quảng Trị

0:00 / 0:00
0:00
Lễ hội Vì hoà bình năm 2024 lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Trị tôn vinh giá trị của hòa bình, kêu gọi mọi người chung tay đấu tranh gìn giữ, xây dựng cuộc sống hòa bình, thịnh vượng.

UBND tỉnh Quảng Trị lên kế hoạch dự kiến vào tháng 7/2024, Lễ hội Vì hoà bình sẽ diễn ra tại địa bàn. Lễ hội nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình, kêu gọi mọi người chung tay đấu tranh gìn giữ, xây dựng cuộc sống hòa bình, thịnh vượng. Góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam và mảnh đất, con người Quảng Trị. Đồng thời thu hút du khách trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ lễ hội này, Quảng Trị định hướng trở thành một không gian văn hóa vì hòa bình, là biểu tượng sức sống mãnh liệt của nhân loại ngay trên mảnh đất bị hủy diệt do chiến tranh.

'Lễ hội Vì hoà bình' ở Quảng Trị ảnh 1

Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, nơi diễn ra đêm khai mạc Lễ hội Vì hoà bình. Ảnh: Hoàng Táo.

Theo kế hoạch, Lễ hội Vì hoà bình có nhiều hoạt động. Trước lễ khai mạc, từ 4 – 5/7/2024, ngày hội Đạp xe vì hoà bình quy mô toàn quốc và mời vận động viên một số nước cùng tham gia với số lượng khoảng 500 - 1000 người. Đây là dịp để giới thiệu các di tích lịch sử tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; giới thiệu, quảng bá hình ảnh, văn hóa, vùng đất, con người Quảng Trị với nhân dân cả nước và nước ngoài về khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam nói chung, người dân Quảng Trị nói riêng trong các cuộc đấu tranh vì nền hòa bình; xây dựng thông điệp hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

'Lễ hội Vì hoà bình' ở Quảng Trị ảnh 2

Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Hoàng Táo.

20h ngày 6/7, khai mạc Lễ hội vì Hoà bình tại di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải. Buổi lễ với chương trình nghệ thuật đa sắc thái, nhiều điểm chạm cảm xúc, chuyển tải thông điệp về khát khao hòa bình và tinh thần hội nhập của Việt Nam mà trọng tâm là mảnh đất Quảng Trị. Vùng đất đang lưu giữ những chứng tích của một thời hào hùng oanh liệt, và ngày nay mang tầm vóc thời đại kết nối tình ái hữu quốc tế với trầm tích lịch sử - con người thân thiện – văn hoá riêng có.

Nhân dịp này, nhiều chương trình giao lưu quảng bá văn hoá, du lịch cũng diễn ra. Đêm nhạc Trịnh Công Sơn tối 8/7 tại công viên Fidel mang chủ đề Tiếng hát Hòa bình với những ca khúc ngợi ca hòa bình, chống chiến tranh; thể hiện ước mong, khát vọng của toàn thể nhân loại trên thế giới.

'Lễ hội Vì hoà bình' ở Quảng Trị ảnh 3

Du khách xem máy bay vận tải của quân đội Mỹ tại Khu di tích sân bay Tà Cơn. Ảnh: Thanh Trần.

Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực Tatste of sunland từ 9-10/7 tại khu dịch vụ Du lịch Cửa Việt giới thiệu các món ăn Quảng Trị cũng như những tinh hoa ẩm thực tiêu biểu của các địa phương trên toàn quốc và quốc tế.

Lễ thả hoa đăng, thắp nến tri ân đêm tại bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn và Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị diễn ra đêm 26/7. Quảng Trị, mảnh đất khốc liệt trong chiến tranh, “máu bốn phương nhuộm đỏ đất này” (Quảng Trị yêu thương – Trần Hoàn) thì hẳn nhiên không thể thiếu hoạt động tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ và sự trường tồn của dân tộc. Từ đó nhắc nhở thế hệ hôm nay nhận thức giá trị của hòa bình, để mỗi người sống có ích, góp sức, cống hiến cho tổ quốc.

'Lễ hội Vì hoà bình' ở Quảng Trị ảnh 4

Một góc thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Bảo Trung

Các địa phương trong toàn tỉnh cũng chủ động tổ chức một hoạt động hưởng ứng Lễ hội vì hoà bình. Nhiều công trình trên địa bàn được khánh thành, xây dựng, sửa chữa phục vụ cho lễ hội: khởi công dự án đầu tư tôn tạo một số hạng mục thuộc di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972; khởi công công trình biểu tượng Ước nguyện hòa bình tại công viên Thống Nhất, Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải; hoàn thành dự án dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng, giai đoạn 2; khánh thành dự án Khu dịch vụ - du lịch Gio Hải…

MỚI - NÓNG
'Mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng hào hùng của Hà Nội và đất nước'
'Mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng hào hùng của Hà Nội và đất nước'
TPO - Theo ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng hào hùng của Hà Nội và đất nước; trở thành biểu tượng của lòng yêu nước quả cảm, sức mạnh phi thường, mong muốn hoà bình và khát vọng cháy bỏng giành lại nền độc lập của nhân dân Việt Nam.