Lễ hội Trung thu ngày càng hoành tráng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nếu tỉnh thành nào cũng đua nhau tổ chức lễ hội Trung thu quy mô hoành tráng sẽ đánh mất nét đặc sắc của Tết Trung thu, thậm chí gây lãng phí.
Lễ hội Trung thu ngày càng hoành tráng ảnh 1
Mô hình trung thu khổng lồ diễu hành trên các tuyến đường của thành phố Tuyên Quang

Xu hướng hoành tráng

Năm 2023, nhờ đổi mới trong việc sáng tạo các mô hình đèn Trung thu, Lễ hội Thành Tuyên (Tuyên Quang) thu hút hàng nghìn du khách. Mô hình thuyền rồng, phượng hoàng lửa, đèn minh họa các nhân vật lịch sử, nhân vật hoạt hình tạo ra một thế giới cổ tích sống động. Bên cạnh đó, chương trình nghệ thuật được đầu tư công phu càng khiến lễ hội thêm trở nên sôi động.

Nếu Tuyên Quang được biết là điểm đến trong Tết Trung thu của miền Bắc những năm qua thì Tây Ninh đại diện cho khu vực miền Nam với Hội yến Diêu Trì cung. Dịp này, người dân được chứng kiến những màn trình diễn ấn tượng, đặc sắc và hoành tráng nhất chính là múa rồng nhang.

Thông thường, tiết mục này do một đoàn múa lân chuyên nghiệp khoảng 10-20 người biểu diễn, lần lượt điều khiển mô hình rồng được đính lông vũ, pha lê, uốn lượn quanh Tòa Thánh Tây Ninh, kết hợp với nhiều động tác mãn nhãn như xoay tròn, nhả khói, leo cầu thang...

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, lễ hội Trung thu ngày càng được tổ chức ở quy mô lớn hơn, các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa nhận định mang tín hiệu vui. Phải có nền tảng kinh tế tốt người dân mới có thể tổ chức những sự kiện Trung thu hoành tráng. Đồng thời, những hoạt động và trò chơi truyền thống của các nước được giới thiệu và kết hợp vào lễ hội này, tạo nên sự hấp dẫn đối với cả người dân Việt Nam và du khách quốc tế.

“Sự đầu tư của các tổ chức chính trị - xã hội giúp Trung thu trở thành một ngày lễ đáng nhớ đối với mỗi trẻ em, và là một phần không thể thiếu trong văn hóa Việt Nam hiện đại”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Năm nay, Hoàng thành Thăng Long tái hiện đèn lồng cổ, biểu diễn nghệ thuật múa lân, làm đèn lồng. Gần như toàn bộ không gian trưng bày của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội được trang trí thành một khu phố Trung thu xưa cũ của người Hà Nội với những đồ chơi quen thuộc với trẻ em. Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội khai mạc chuỗi hoạt động Tết Trung thu phố cổ với chủ đề Trở về Trung thu xưa, trưng bày với gần 80 tài liệu, tư liệu, hình ảnh, không khí Tết Trung thu Hà Nội những năm 1900.

Lễ hội Trung thu ngày càng hoành tráng ảnh 2
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền hướng dẫn làm đồ chơi dân gian truyền thống tại Hoàng thành Thăng Long

Biến đổi nhưng không biến tướng

TS. Bàn Quỳnh Giao, Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) cho rằng, tết Trung thu vẫn giữ được nét truyền thống, song các giá trị này đã có sự biến đổi.

“Biến đổi thứ nhất dễ thấy ở mâm cỗ Trung thu. Nếu ngày xưa đến tết Trung thu, các gia đình thường quây quần phá cỗ, nay đã có sự hướng ngoại. Những người cao tuổi cảm nhận rõ nhất, vì họ không còn được đón tết Trung thu đúng nghĩa đoàn viên nữa.

Thứ hai là sự biến đổi theo hướng phú quý sinh lễ nghĩa. Tết Trung thu không chỉ còn là tặng quà bánh nướng, bánh dẻo cho trẻ em mà bị thay đổi theo mục đích mối quan hệ của người tặng và người được tặng. Không gian văn hóa của tết Trung thu cũng bị thay đổi”, TS Bàn Quỳnh Giao phân tích.

Những biến đổi này diễn ra như một lẽ tất yếu của quá trình hội nhập, giao lưu tiếp biến văn hóa. Tuy nhiên, chúng ta không nên thụ động tiếp nhận văn hóa mà cần có sự chủ động nhất định.

“Để làm tốt điều này, các nhà quản lý văn hóa cần phải giữ được không gian văn hóa cho Tết Trung thu, không để tết Trung thu trở thành nơi khoe mẽ, biến tướng, lệch lạc - chẳng hạn làm những con vật khủng, rồi các đoàn múa lân đi xin tiền, bánh kẹo”, TS. Quỳnh Giao nói.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, để tránh lãng phí, các địa phương cần cân nhắc kỹ càng, huy động nguồn lực từ người dân địa phương. Ông không khuyến khích tỉnh, thành nào cũng mở rộng, tổ chức hoành tráng theo một khuôn mẫu, mà không tính đến đặc điểm văn hóa riêng của từng vùng miền.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định, việc tổ chức Trung thu ngày càng hoành tráng, đầu tư lớn vào các chương trình biểu diễn, cuộc thi, lễ rước đèn đôi khi khiến tính chất ngày lễ bị biến đổi, làm nhiều người cảm thấy ngày lễ không còn dành riêng cho trẻ em như trước đây. Ông nhấn mạnh, việc tổ chức Trung thu hoành tráng chỉ được coi là lãng phí nếu nó vượt quá khả năng tài chính của mỗi gia đình, địa phương hoặc gây ra những hậu quả tiêu cực đối với môi trường và xã hội.

“Nếu tổ chức phù phiếm, lấy ngân sách Nhà nước quá nhiều mà không quan tâm đến huy động sức dân, không chú ý đến nhu cầu của nhân dân, nhất là trẻ em, thì chắc chắn đây là sự lãng phí rất lớn”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.

MỚI - NÓNG