Đêm tự do của drag queen VN
Hầu hết các thí sinh dự thiết kế thời trang và cả nghệ sĩ khách mời đều diễn drag queen để khoe tác phẩm của mình. Trong nền nhạc của ca sĩ quốc tế, nghệ sĩ bước ra nhún nhảy, kết hợp vũ đạo, mấp máy mồm hát (lip-sync) theo ca khúc. Nhiều khán giả lần đầu tiên được làm quen với nghệ thuật này.
Ở VN, drag queen bắt đầu khá trễ, không phải ai cũng có thể mở lòng chấp nhận những người bị xem là “nửa nam, nửa nữ”. Với định kiến khắt khe của người Việt, những nghệ sĩ drag queen không ít lần gặp phải sự kỳ thị, dè bỉu từ những người xung quanh. Đa số mọi người không công nhận đây là một nghề, mà chỉ xem như một trò mua vui.
Nguyễn Ngọc Tiến, từ TP Hồ Chí Minh mở màn với ba trang phục lấy cảm hứng từ Lady Gaga và nền nhạc của nữ ca sĩ. Tiến trình diễn bốc lửa và tự tin nhất trong 9 thí sinh chung kết. Ngọc Tiến chia sẻ, anh là gay, thích cái tên và ngoại hình con trai của mình nên không lấy nghệ danh nữ giống một số đồng nghiệp.
Jessica được khán giả bình chọn “Trang phục yêu thích nhất”.
Ngọc Tiến từng học Đại học kiến trúc một năm sau đó bỏ vì không thấy hợp. Hiện tại anh làm nghề thiết kế thời trang, trang điểm, thỉnh thoảng đi diễn catwalk. Ngọc Tiến có ước mơ được tham dự tuần lễ thời trang quốc tế như một người mẫu. Đi lại thân thiện trong bữa tiệc với bộ váy trắng nổi bật họa tiết cầu vồng 6 màu, Ngọc Tiến được nhiều khách mời đề nghị chụp selfie. Một số khách đã đề nghị Tiến hợp tác, thiết kế trang phục cho show diễn sắp tới của họ.
Cùng đến từ TPHCM, bộ trang phục dự thi của Jessica được đầu tư công phu và bắt mắt. Thân áo gồm tông 6 màu của cộng đồng LGBT, “các nếp xếp thân áo như một cái kén để tôi giấu mình. Sau đó, bước ra ánh sáng, tôi tung đôi cánh lông chim đỏ khổng lồ”. Thông điệp là “chúng tôi lao động chăm chỉ và được bay bổng tận hưởng cuộc sống như những người bình thường”.
Tên thật của Jessica là Nguyễn Hữu Toàn, chị đã chuyển giới được 6 năm. Chị tin tưởng rằng xã hội ta đã và sẽ ghi nhận sự đóng góp của người đồng tính chuyển giới trong nghệ thuật, showbiz. “Họ là những người tài năng, cống hiến nhiều trong các nghề như thiết kế, làm đẹp, không cớ gì cộng đồng thích sản phẩm của họ mà kỳ thị giới tính của họ”. Jessica khá bất ngờ khi được khán giả trong lễ hội bình chọn là “Trang phục được yêu thích nhất”.
Vanessa Queen, đến từ Hải Phòng.
Nhóm Hải Phòng có 3 thí sinh dự thi, trong đó Vanessa Queen được khán giả ấn tượng bởi vẻ mặt biểu cảm. Vanessa tên thật là Nguyễn Công Thành, hiện đang học khoa Diễn xuất, trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hải Phòng. Công Thành mới tập drag-queen, coi đây như một sở thích chứ không định dùng nó để kiếm tiền. Anh đã thổ lộ với mẹ mình là gay và bà hứa sẽ đồng hành cùng con trai, “nhưng với bố và họ hàng thì em chưa dám mở lời, họ vẫn rất khó”. Hỏi bạn ấy “mẹ có biết về cuộc sống mặc đầm nhún nhảy của em không?”, Thành cười lắc đầu: “Mẹ em không biết gì luôn”.
Ba thành viên Ban giám khảo phần thi thời trang là đại sứ Craig Chittick, nhà thiết kế người Úc Cynthia Mann và Hoa hậu Đặng Thị Ngọc Hân có vẻ như rất vất vả để tìm ra người thắng cuộc. Tác phẩm giải nhất của nhà thiết kế Nguyễn Hương Na được xướng lên trong sự bất ngờ của hầu hết khán giả cũng như tác giả. Trước sự kiện 1 tuần, Hương Na gọi điện cho người bạn trong ban tổ chức để xin vé, người đó động viên Na tham gia. Bộ trang phục “Âm và dương” được làm từ các vật dụng tre và cói, điểm các tua rua 6 màu. Hương Na chỉ có 2 ngày trước hạn chót và 1 triệu đồng hỗ trợ từ nhà tổ chức. Trên đường đi làm chị nhìn thấy hàng rong bán đồ thủ công tre nứa, bỗng chị nảy ý tưởng. Thân váy được ghép từ 2 nắp tròn (đậy thúng xôi) đan bằng cói. Áo ngực làm từ vỉ tre dùng để nén dưa cà. Hương Na làm việc tại Trung tâm từ thiện và hỗ trợ người thiệt thòi, việc thiết kế thời trang, trang điểm như một sở thích phụ.
Nhóm Hải Phòng trước giờ trình diễn.
Những câu chuyện “tới giờ mới kể”
Chị Vũ Kiều Oanh, người của ban tổ chức cho biết có gia đình ở Hậu Giang cả ba người tham gia cuộc thi kể chuyện. Bố, mẹ và con trai đồng tính kể về tâm trạng của mình trong suốt hành trình. Từ lúc bố mẹ phát hiện, sốc, không chấp nhận đến lúc ủng hộ con trai. Hiện giờ người cha còn tham gia vào hội PFLAG (hội cha mẹ, người thân, bạn bè của người LGBT) để ủng hộ con trai mình
Minh Tuân, một trong hai tác giả giải nhì đã trăn trở, mặc cảm suốt gần 30 năm mới hé lộ giới tính thật của mình chính trong cuộc thi Kể chuyện lần này. Anh kể về tuổi thơ bị bắt nạt, tự đấu tranh với tính nhút nhát và liên tục tự vấn “đâu rồi giấc mơ trở thành diễn giả đồng tính truyền cảm hứng và dùng thành công đập thẳng vào những kẻ kỳ thị coi thường mình?”.
Vui hết cỡ. Ảnh: Vân Đỗ.
Giải nhất thuộc về họa sĩ thiết kế, người chuyển giới Quang Minh với “Chuyện của rồng tũn”. Hồi nhỏ trong hình hài của bé gái, Minh tự nhận “Tôi là con gái chẳng xong, làm con trai chẳng ai thừa nhận. Tôi đã từng cố gắng sống cuộc đời của người con gái nhưng tôi thấy mình cứng đờ như sỏi đá”. Bế tắc ở VN, Quang Minh quyết định đi du học. Ở đó anh có cuộc sống thoải mái hơn, nhờ được người bác thừa nhận. Hiện tại anh đã trở lại VN, sống bên cạnh người vợ hòa hợp. Anh nói với những người cùng hoàn cảnh mình ngày xưa “Tôi biết ngoài kia có nhiều người chạy trốn và sợ hãi. Hãy bước ra ngoài ánh sáng đi nào!”.
Ban tổ chức kỳ vọng Hanoi Mardi Gras, như một phiên bản thu nhỏ của Mardi Gras Sydney cũng như một số lễ hội nổi tiếng của cộng đồng LGBT trên thế giới. Tại Pháp, lễ diễu hành thường niên của cộng đồng LGBT là thời điểm du khách đổ về. Phòng khách sạn kín chỗ, kích cầu du lịch của thành phố chủ nhà. Ở ta, hiện thực đó có lẽ còn xa vời. Rất nhiều khách mời của khuôn viên lễ hội tối 24/3 vừa qua chưa dám thổ lộ với gia đình về giới tính thật của mình. Không phải ai cũng đủ can đảm cầm cờ 6 màu diễu hành trên phố “bố mẹ và họ hàng chúng tôi sợ mất thể diện của họ”.
Hanoi Mardi Gras Festival là một chuỗi các sự kiện được Đại sứ quán Úc tại Việt Nam phối hợp tổ chức với các tổ chức cộng đồng tại Hà Nội bao gồm iSEE, Hanoi Queer, NextGEN và 6+ nhằm hưởng ứng lễ hội Mardi Gras được tổ chức tại Sydney vào tháng 3 hàng năm, một trong những lễ hội lớn và nổi tiếng nhất trên thế giới dành cho cộng đồng LGBTQI với những đoàn diễu hành đầy màu sắc và những đêm nhạc thật sôi động. Mỗi giải nhất của phần thi Thời trang và Kể chuyện sẽ nhận được 1 vé máy bay khứ hồi tới tham dự sự kiện Mardi Gras kèm 3 đêm ở khách sạn tại Sydney vào tháng 3/2018.