Lễ hội cướp chức

Lễ hội cướp chức
TP - Mỗi thời dường như có một nghi thức mang tính văn hóa tín ngưỡng tiêu biểu cho đời sống tinh thần và những mối quan tâm của bộ phận lớn người sống trong thời đó. Một trong những nghi thức đang gây chú ý vài năm gần đây ở Việt Nam là khai ấn đền Trần diễn ra tại tỉnh Nam Định. Sự quan tâm có phần thái quá này chứng tỏ một xã hội, mội cộng đồng đang mê mải xoay quanh khát vọng thăng quan tiến chức?

> Những đòn đánh đẹp nhất hội chọi trâu Hải Lựu
> Phản ánh mặt bằng dân trí của xã hội Việt Nam
> Cầu ngư cho biển cả thái bình

Làm quan để trăm họ được nhờ thì còn gì bằng. Căn cứ vào những hành vi phổ biến tại lễ hội đó thì đồ rằng động cơ thăng quan của một số người thật mạnh mẽ, thật ráo riết lắm thay.

Ghi nhận của một tờ báo: “Rồi không khác khung cảnh bát nháo bên ngoài những hàng rào là mấy, sát giờ hành lễ, đại biểu, khách mời của ban tổ chức cũng ‘nổi loạn’ với trăm kiểu chen ngang, giành chỗ và chửi bới lẫn nhau. Lực lượng bảo vệ can thiệp cũng khó làm yên các vị khách mời này bởi ai cũng muốn vào sâu bên trong hậu cung xin lộc. Càng sát giờ Tý (23h đêm 23-2), nhiều người càng bị kích động hơn khi loa của ban tổ chức đọc tên tuổi.

BTC kể cũng thâm thúy. Đọc hết cả tên tuổi, chức vị hiện tại của quan khách lên thế để còn... so sánh với năm trước và năm sau xem có sự lên xuống gì giống sàn chứng khoán không. Nhà nghiên cứu nào đó nên làm một khảo sát ghi lại biến động của sàn giao dịch quyền chức này để... tăng thêm uy tín cho lễ hội.

Sự phát triển mang tính đột phá của việc phát ấn trong hội đền Trần đã nảy sinh một từ không hay ho gì: cướp ấn. “Ấn”- một biểu tượng của công quyền, nghiêm cẩn trở thành một thứ có thể “cướp”- tức là đầy khả năng rơi vào tay người rất không xứng đáng.

Đáng ra những người đến hội với động cơ nghiêm túc nên làm đơn kiện ai nghĩ ra và phát tán “hỗn từ” này trên các phương tiện truyền thông. Nếu không chả hóa ra họ ngầm tán thành, và tiếp tục tích cực góp phần tạo nên khung cảnh tranh cướp có một không hai này.

Tiếp tục quan sát hội cướp ấn và cướp những gì có thể cướp được tại đền Trần, có thể thấy sự xáo trộn trong tâm thức người dân. Truyền thống cho rằng muốn thành thần phù hộ, chí ít cần tôn trọng những nơi thờ cúng linh thiêng.

Quan niệm ngày nay đảo ngược 180o: Phải cướp được đồ thờ cúng thì mới gọi là may mắn. Ai không nhanh tay khỏe chân giật được gì thì cũng phải nhảy lên đỉnh đồng, gõ chuông.

Chắc để thông báo với thần linh thổ địa: Tuy không đạt được thành quả nhưng dù sao thì tôi đã có lòng đến đây để “cướp”!?? Được biết là sự đảo ngược ứng xử này mới bắt đầu manh nha từ mùa “hội cướp” năm ngoái, khi tỉnh Nam Định ngừng phát ấn vào đêm mười tư.

Chưa biết chừng rồi đây nó sẽ trở thành một hành vi ứng xử mới tại nơi thờ tự, thay cho truyền thống đã thành ra lạc hậu.

Một trong những yếu tố làm nên sức cuốn hút của lễ hội là sự thăng hoa tập thể trong một không gian đặc biệt. Khi đó, người dự hội có thể không còn là họ của thường ngày nữa. Chẳng hạn ngày thường họ hiền lành, nhẫn nhịn thì vào ngày hội họ sẽ thể hiện điều ngược lại mà không cảm thấy gượng ép chút nào.

Nhưng tất cả những diễn biến này phải thông qua một quá trình tạm gọi là “luật chơi” mang tính ước lệ được cộng đồng thừa nhận. Chẳng hạn đến các lễ hội đả cầu cướp phết ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ, trai tráng được thả sức tranh cướp quả cầu bằng gỗ trong một trò chơi mô phỏng và tưởng nhớ việc chống giặc, luyện quân.

Hết giờ quy định, ai lấy được quả phết đem vào bái lễ trước cửa đền được coi là đã mang lại may mắn cho bản thân và cả xóm. Quả phết trong hội chỉ có một vài, nhưng ấn thì được in ra tới hàng vạn.

Cướp phết là phong tục được cả vùng hưởng ứng, còn cướp ấn là hành động bộc phát nhưng mang tính tập thể cả nước quan tâm. Cùng mang một chữ “cướp” nhưng gần như đối lập. Một bên là trò chơi trong văn hóa, trong tinh thần thượng võ, yêu nước. Một bên là hành động vô thức bị chi phối bởi “trò chơi” quyền chức thế tục.

Trước khi tiếp tục phàn nàn về sự biến tướng của hội khai ấn, hãy hiểu rằng nó đã phản ánh một cách thật... tài tình tâm thế của một lớp người đương thời. Tìm cách quản lý, chấn chỉnh lễ hội chỉ là giải pháp tạm bợ. Làm sao để xã hội phát triển vững mạnh, người dân không còn bị ám ảnh bởi quyền chức, thì lúc đó “kẻ cướp” mới thôi đại náo lễ hội.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG