Lễ cưới con gái đặc biệt của Binh đoàn

Cháu Dinh ôm ảnh cưới của cha mẹ cùng các em rời nhà cũ
Cháu Dinh ôm ảnh cưới của cha mẹ cùng các em rời nhà cũ
TP - “Trưa chủ nhật tới Trưởng đại diện báo Tiền Phong cùng lãnh đạo Binh đoàn thay mặt họ nhà gái trong lễ cưới cháu Dinh, rồi cùng đưa cháu về nhà chồng, chị nhé!” - Nhận lời mời vui vẻ của đại tá Nguyễn Đình Tường - Chủ nhiệm chính trị Binh đoàn 16 và đại tá Nguyễn Đình Tụ - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 720, tôi ngắm những tấm ảnh cưới của cô dâu Sùng Thị Dinh. Vẻ rạng ngời hạnh phúc trên gương mặt xinh tươi không còn chút dấu vết nào của nỗi đau ngày ấy ...

Buôn nghèo chìm trong rượu

Hơn 4 năm trước, sáng cuối tháng 3/2014, tôi nhận được bài viết ngắn kèm bức ảnh mấy em bé nhem nhuốc trước căn nhà nhỏ hoang tàn. Bài của Phương Thảo lần đầu cộng tác, phản ánh hoàn cảnh ngặt nghèo của 5 trẻ mồ côi ở buôn Mông, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Bố mẹ các cháu tự sát đã gần một năm, để lại đàn con thơ dại, cháu nhỏ lên 8 còn cháu lớn chưa tròn 14 tuổi. Chị cả Sùng Thị Dinh ngày ngày cùng cậu em kế đi bộ lên nương cách nhà gần 10 cây số, mót nhặt những thứ ăn được đem về nuôi 3 em gái. Em trai Sùng A Pá bị sốt rét ác tính, kiệt sức nằm lả giữa nương sâu. Dinh chạy bộ về buôn Mông, van nài chú ruột lấy xe máy vào rừng chở Pá đi nhập viện. Nửa tháng sau, cậu bé hồi phục, chị gái chẳng có đồng nào đóng viện phí...     

Bài viết cảm động, dù câu chữ vụng về, thô mộc. Phương Thảo là tên con gái của thiếu úy Nguyễn Trung Hải, quân nhân thuộc Huyện đội Cư Mgar, tác giả bài viết này. Tôi điện thoại cho bác sĩ Châu Đương - giám đốc bệnh viện huyện. Vừa nghe nhắc họ tên cậu bé bệnh nhân, bác sĩ thở dài. Anh kể khi tận thấy sự đói rét của 5 đứa trẻ mồ côi, lãnh đạo bệnh viện đã vận động cán bộ nhân viên ủng hộ, mua được 150 kg gạo, một số đồ dùng, quần áo, hơn 2 triệu đồng tiền mặt trao cho cháu Dinh, rồi điều xe bệnh viện chở 2 chị em cùng các thứ quyên tặng về tận nhà.

Bài đăng, những tấm lòng vàng gửi tiền nhờ báo Tiền Phong chuyển cho các cháu. Buôn Mông cách thành phố Buôn Ma Thuột trung tâm tỉnh 45km. Tôi vào thăm, nghẹn ngào nhìn đàn trẻ nhỏ côi cút trong gian nhà trống hoác lạnh lẽo, gần như không còn gì ăn, đến nước uống cũng phải ra tận suối xa cả cây số gùi về vì giếng đào trong buôn mùa nắng cạn trơ đáy. Ngoài chị cả Sùng Thị Dinh (SN 2000) và em trai Sùng A Pá (SN 2002) nói được một ít tiếng Kinh, còn 3 bé gái nhỏ khách hỏi gì cũng lí nhí “chi pâu”, nghĩa là “không biết”.

Các cháu vẫn có đầy đủ ông bà nội ngoại, chú bác láng giềng sống xung quanh, nhưng hầu như không ai ngó ngàng, bởi nạn nát rượu tràn khắp buôn này. Không chỉ đàn ông, mà cả phụ nữ cũng nghiện rượu, rồi tảo hôn, đông con. Gánh nặng cơm áo trì níu tâm thế ngật ngưỡng xỉn say sớm tối, khiến chẳng ai quan tâm đến những người xung quanh. Không thể để các cháu sống èo uột như cỏ dại nơi này, tôi liên hệ đề nghị Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh vào đón cả 5 cháu về nuôi, cho các cháu đi học bằng nguồn ngân sách tỉnh cấp, và hẹn các nhà chức trách địa phương một cuộc làm việc tại UBND xã Ea Kiết vào đầu tuần tới.

Lễ cưới con gái đặc biệt của Binh đoàn ảnh 1 Đại diện báo Tiền Phong (trái) cùng Thiếu tướng Lê Đức Thọ (giữa) trong lễ trao nhà cho 5 cháu mồ côi

Như một giấc mơ

Trưa chủ nhật, điện thoại rung. Người gọi là Thiếu tướng Lê Đức Thọ- Tư lệnh Binh đoàn 16, trụ sở đóng tại huyện Đồng Phú tỉnh Bình Phước. Ông đề nghị tôi làm cầu nối, giúp Binh đoàn nhận nuôi cả 5 cháu mồ côi.

- Các anh là bộ đội, nuôi trẻ cách sao? Các cháu còn nhỏ lắm, Trung tâm Bảo trợ Xã hội Đắk Lắk đã đồng ý tiếp nhận .

Thiếu tướng Thọ giải thích: Binh đoàn 16 có vùng dự án ổn định cuộc sống cho mấy trăm hộ đồng bào Mông di cư tự do, Trung đoàn 720 đã triển khai ở xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông từ năm 2010. Đọc bài đăng trên báo Tiền Phong về 5 cháu mồ côi ở buôn Mông, ông biết các cháu nhỏ không sõi tiếng Kinh, vào Trung tâm BTXH sẽ lạc lõng. Về Đắk Ngo, Binh đoàn sẽ xây tặng các cháu một căn nhà đầy đủ tiện nghi, bảo bọc và tạo điều kiện cho cả 5 cháu vui sống giữa cộng đồng người Mông, được học hành tới lúc trưởng thành. Từ sau 18 tuổi, cháu nào có nguyện vọng sẽ được tiếp nhận làm công nhân nông trường và định cư luôn tại đó.

Đây quả là phương án bảo trợ các cháu tốt nhất trong các lời đề nghị giúp đỡ. Tôi đề nghị nếu đã quyết tâm, thì mời lãnh đạo Binh đoàn nhanh chóng lên Đắk Lắk, để “3-4 mặt một lời” ngay tại cuộc hẹn tôi đã chốt lịch làm việc vào sáng mai với các bên
liên quan.

Đúng 6h30’ sáng thứ hai, ngày 3/4/2014, hai ô tô biển số đỏ của Binh đoàn 16 đỗ trước cổng Ban đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên, cách trụ sở Binh đoàn hơn 240km. Trưởng ban Dân vận Binh đoàn, đại tá Thái Trung Hiếu kể: Chuyện Binh đoàn nhận nuôi trẻ mồ côi chưa từng có tiền lệ, nên ngay sau khi tập thể Đảng ủy Binh đoàn nhanh chóng nhất trí, chiều cùng ngày lãnh đạo Binh đoàn đã cử đoàn cán bộ sang Đắk Ngo bàn kế hoạch chi tiết với Trung đoàn 720.

Tại UBND xã Ea Kiết, lúc 10h sáng ngày 3/4/2014, một biên bản ghi nhớ được lập rõ ràng giữa 6 bên liên quan: Đại diện Binh đoàn 16 có đại tá Hà Huy Tân - Phó chính ủy Binh đoàn, đại tá Lê Văn Lâm - Chính ủy Trung đoàn 720; Đại diện báo Tiền Phong; Đại diện chính quyền địa phương; Đại diện Công ty TNHH MTV Buôn Ja Wầm (nơi triển khai dự án định cư buôn Mông); Đại diện nhà tài trợ có Thầy thuốc Khăm Phết Lào; Đại diện gia đình 5 cháu bé mồ côi có ông nội các cháu là Sùng Văn Tu. Vì không biết chữ, cả ông Tu và cháu Dinh cùng lăn tay, điểm chỉ vào biên bản.

Nhìn ông Tu hom hem như quá ngưỡng “cổ lai hy”, khó ngờ ông mới 52 tuổi. Ông Tu cho biết vợ chồng ông có tới 9 người con, ai cũng nghèo lại nghiện rượu. Bố mẹ các cháu năm ngoái cũng chỉ vì say rượu cãi nhau mà nghĩ quẩn. Con dâu treo cổ chết trước, 3 tháng sau con trai ông chẳng biết lấy gì nuôi 5 đứa con cũng treo cổ chết theo. Vì gia đình các cháu không có hộ khẩu và giấy tờ tùy thân, địa phương chưa làm chế độ nhà nước bảo trợ cho các cháu được. Lâu nay các cháu phải tự vào rừng làm nương kiếm sống, ông không giúp nổi.

Nội dung Biên bản ghi rõ: Ông nội các cháu nhất trí nhờ Binh đoàn 16 chăm lo cho các cháu lâu dài. Chính quyền địa phương có trách nhiệm xác nhận và hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan. Binh đoàn sẽ xây nhà cho các cháu tại Đắk Ngo. Trong vòng 2 tháng, mọi việc hoàn tất, báo Tiền Phong chốt lịch hẹn lần thứ 2 để địa phương tổ chức Lễ bàn giao các cháu cho Binh đoàn.

Lễ cưới con gái đặc biệt của Binh đoàn ảnh 2 Ảnh cưới của Sùng Thị Dinh - Nguyễn Văn Điệp

Trang đời rộng mở

Chưa đầy 2 tháng sau, Thiếu tướng Lê Đức Thọ đã điện thoại báo tin căn nhà xây cho 5 chị em cháu Dinh vừa hoàn tất. Ngày 31/5, tại UBND xã Ea Kiết, buổi lễ bàn giao 5 cháu bé mồ côi của buôn Mông về vùng Dự án của Trung đoàn 720-Binh đoàn 16 diễn ra, bùi ngùi, nghiêm trang. Lãnh đạo huyện và xã bàn giao chu đáo hồ sơ, gửi gắm, trao quà cho các cháu trước khi các cháu rời địa bàn, theo Binh đoàn về nơi ở mới.

Để các cháu yên tâm, tôi đã trò chuyện cặn kẽ cho cô bé Sùng Thị Dinh hiểu Binh đoàn sẽ chăm lo an toàn, chu đáo cho tương lai 5 chị em. Nhìn gian nhà cũ nát lần cuối, cháu Dinh gạt nước mắt ôm bức ảnh cưới của cha mẹ lùa đàn em côi cút lên xe. Bà nội (trùng cả họ tên với cháu) đi theo, để biết chỗ ở mới của các cháu thế nào rồi sẽ quay về. Binh đoàn điều theo một xe cứu thương, phòng khi có ai yếu mệt, vì đường toàn đèo dốc gập ghềnh, xa hơn 250 cây số...

Trưa ngày 1/6, tới nơi, chúng tôi sững sờ nhìn căn nhà rộng 112m2, khang trang, có cả giếng khoan, sân, vườn, đẹp hơn mọi hình dung trước đó. Lễ trao nhà cho chị em cháu Dinh được tiến hành trước sự chứng kiến của đông đảo cán bộ, chiến sĩ, công nhân và đồng bào. Tại lễ giao - nhận, đại tá Nguyễn Đình Tường phó Chủ nhiệm Chính trị cam kết Binh đoàn sẽ cùng cộng đồng làng Mông bảo bọc, chăm lo cho các cháu tới lúc trưởng thành. Già làng Giàng A Lừ cũng khẳng định đồng bào bản Giang Châu sẽ trông nom, thương yêu 5 bé mồ côi như đối với con cháu ruột thịt của mình. Trong nhà, mọi tiện nghi được trang bị đầy đủ, chẳng thiếu thứ gì. Thiếu tướng Thọ ân cần dắt cháu Dinh vào bếp, chỉ cho cháu cách sử dụng bếp ga. Cháu Dinh nắm chặt tay tôi, thì thầm: Cô ơi, bác Thọ hiền như ông tiên! 

Từ đó tới nay đã hơn 4 năm trôi qua. Tại nơi ở mới, cả 5 chị em cháu Dinh cùng được cắp sách tới trường. Trung đoàn 720 đều đặn cấp sinh hoạt phí mỗi tháng hơn 6 triệu đồng, cử đại diện Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên thường xuyên qua lại chăm sóc, giúp đỡ các cháu. Học xong lớp 5 bổ túc, Sùng Thị Dinh xin nghỉ vì... cô bé ngày nào đã trở thành một thiếu nữ biết yêu. Người yêu của Dinh là một thanh niên người Kinh, công nhân của Trung đoàn. Đại tá Tụ cho biết: Đôi trẻ quấn quýt với nhau đã hơn 2 năm. Nhưng phải chờ Dinh tròn 18 tuổi mới đăng ký kết hôn được. Trưa chủ nhật ngày 2/12/2018, lễ cưới của đôi bạn trẻ Sùng Thị Dinh-Nguyễn Văn Điệp được Binh đoàn 16 tổ chức long trọng, đầm ấm tại bản Giang Châu.

MỚI - NÓNG
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
TPO - Tại tòa, bị cáo thuộc đơn vị tư vấn khai quá trình thi công cho đến trước ngày diễn ra sạt trượt, đơn vị tư vấn không nhận được bất cứ phản ánh nào liên quan đến hồ sơ thiết kế. 'Nước ngầm' mà cáo trạng đề cập là do thấm từ trên xuống, lỗi này do đơn vị thi công sử dụng đất đắp không đạt yêu cầu.