Lấy ý kiến phản biện dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên: Đảm bảo minh bạch, nhân văn, giáo dục và răn đe

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phát biểu tại Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, anh Nguyễn Tường Lâm – Bí thư T.Ư Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực UBQG về Thanh niên Việt Nam cho biết, đây là một văn bản luật rất khó, tổng hợp nhiều văn bản luật có liên quan. Quá trình thực hiện vừa phải minh bạch, rõ ràng, vừa thể hiện tính nhân văn, giáo dục, vừa đảm bảo tính răn đe.

Ngày 9/8, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Chủ trì hội nghị có anh Nguyễn Tường Lâm - Bí thư T.Ư Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực UBQG về Thanh niên Việt Nam; GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Uỷ ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Lấy ý kiến phản biện dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên: Đảm bảo minh bạch, nhân văn, giáo dục và răn đe ảnh 1

Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Hoàn thiện pháp luật tư pháp

Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên do Tòa án Nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan soạn thảo. Dự án có 7 mục tiêu cơ bản.

Cụ thể, hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội. Tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi thông qua xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội.

Xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên. Bảo đảm các quyền cơ bản của người chưa thành niên trong xử lý chuyển hướng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng.

Thu hút, huy động nguồn nhân lực có chuyên môn về công tác xã hội; tăng cường trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức hữu quan hỗ trợ, giám sát, giáo dục người chưa thành niên. Thiết lập cơ sở giam giữ phù hợp với mục đích phục hồi, giáo dục và sự phát triển của người chưa thành niên. Tăng cường cơ hội tái hòa nhập cộng đồng; xây dựng cơ chế giám sát, giáo dục, phục hồi hiệu quả, chuyên nghiệp, phù hợp với người chưa thành niên.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Tòa án Nhân dân tối cao đã trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật; đang tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, phản biện về phạm vi điều chỉnh và nhiệm vụ của Luật; điều phối về tư pháp người chưa thành niên; trách nhiệm của người làm công tác xã hội; các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên.

Đồng thời, phản biện về hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên; biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người chưa thành niên; thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên. Bình đẳng giới trong dự thảo Luật; vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên tham gia hoạt động tố tụng và tái hòa nhập cộng đồng đối người chưa thành niên.

Cân nhắc cơ chế phối hợp hoặc cơ chế biệt phái

Góp ý tại Hội nghị, GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng, vai trò của của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên chỉ quy định trong vấn đề tái hòa nhập cộng đồng là chưa đủ.

MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên không chỉ có trách nhiệm trong giai đoạn cuối, là giai đoạn tái hòa nhập cộng đồng của người chưa thành niên, mà còn có trách nhiệm chính trị như giám sát việc tổ chức thực hiện; phản biện xã hội đối với dự án luật này và các luật có liên quan; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện luật; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên khi bị xâm hại.

Lấy ý kiến phản biện dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên: Đảm bảo minh bạch, nhân văn, giáo dục và răn đe ảnh 2
GS.TS Trần Ngọc Đường phát biểu tại hội nghị.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, dự án Luật tư pháp người chưa thành niên là một nội dung quan trọng để hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em tại Việt Nam.

Theo ông Nam, công tác xã hội thực sự rất quan trọng trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên. Do thiếu hụt nhân lực công tác xã hội nên việc phòng ngừa người chưa thành niên, trẻ em vi phạm pháp luật, phòng ngừa xâm hại, bóc lột sức lao động trẻ em… còn hạn chế.

Ông Nam đề nghị, quy định chi tiết, rõ ràng về vị trí, vai trò người làm công tác xã hội trong Luật Tư pháp người chưa thành niên. Thống nhất với quy định về người làm công tác xã hội và làm công tác bảo vệ trẻ em trong Luật Trẻ em. Người làm công tác xã hội có vai trò bình đẳng tham gia vào quá trình ra quyết định tư pháp; cân nhắc cơ chế phối hợp hoặc cơ chế biệt phái đối với người làm công tác xã hội.

Bên cạnh đó, có thể quy định mở rộng hơn, như việc cán bộ các tổ chức chính trị xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội LHPN có chứng chỉ đào tạo công tác xã hội có thể được tham gia giải quyết các vấn đề về bảo vệ trẻ em, tư pháp người chưa thành niên.

Lấy ý kiến phản biện dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên: Đảm bảo minh bạch, nhân văn, giáo dục và răn đe ảnh 3

Anh Nguyễn Tường Lâm phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, anh Nguyễn Tường Lâm – Bí thư T.Ư Đoàn cảm ơn 12 ý kiến đóng góp bằng văn bản và 9 ý kiến đóng góp trực tiếp tại hội nghị. Anh Lâm ghi nhận các ý kiến đóng góp tại hội nghị rất có giá trị, sẽ được tổng hợp đầy đủ, gửi cho cơ quan soạn thảo.

Theo anh Lâm, đây là một văn bản luật rất khó, tổng hợp nhiều văn bản luật có liên quan. Quá trình thực hiện vừa phải minh bạch, rõ ràng, vừa thể hiện tính nhân văn giáo dục, vừa đảm bảo tính răn đe.

Anh Lâm mong muốn, trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học để giúp cho UBQG về thanh niên Việt Nam sẽ tổ chức giám sát, phản biện tốt hơn.

MỚI - NÓNG
Hà Nội cuối tuần se lạnh, ban ngày nắng đẹp
Hà Nội cuối tuần se lạnh, ban ngày nắng đẹp
TPO - Thông tin dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong 24  đến 48 giờ tới khu vực miền Bắc, Thủ đô Hà Nội có hình thái thời tiết tương đối hanh khô, mát mẻ. Đêm không mưa, ban ngày có thời gian hửng nắng thuận lợi cho các hoạt động ngoài trời.