Lây “nước ăn chân” vì đi chung giầy, tất

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Nếu gia đình có người bị “nước ăn chân” cần phải cách ly không để lây nấm sang người khác. Việc đi vớ, đi giày, dép chung với người bệnh có thể làm lây nhiễm căn bệnh khó chịu này.

"Nước ăn chân" là cách gọi dân gian để chỉ bệnh nấm da chân, một bệnh rất hay gặp ở những người làm nghề tiếp xúc thường xuyên với nước, môi trường ẩm ướt, hoặc mang giày, tất bít kín mà không thay giặt thường xuyên, hoặc bị chứng tăng tiết mồ hôi, và bệnh trở nên phổ biến trong những vùng bị lũ lụt, vùng bị ngập nước kéo dài mà nguyên nhân chính là do tiếp xúc thường xuyên nguồn nước bị ô nhiễm.

Biểu hiện của bệnh

Chân bạn thường có hiện tượng có vảy và làm nứt da (đặc biệt là ở kẽ ngón chân) hoặc có nốt phồng trong chứa ít dịch. Trong trường hợp nặng, mụn nước xuất hiện ở những vùng khác của cơ thể, nhất là ở tay. Tổn thương da không chứa nấm nhưng dị ứng với các sản phẩm của nấm. 
Nấm da lây truyền trực tiếp do tiếp xúc với vùng da bị tổn thương, đi chung giày tất của người mắc bệnh hoặc tiếp xúc gián tiếp qua nền nhà, buồng tắm, chiếu, chăn...

Khi mưa gây ngập úng, nước sẽ bị nhiễm khuẩn, nhất là những chỗ bùn lầy. Nếu tiếp xúc nhiều vi khuẩn do lội nước, chỗ có bùn lầy, nấm sẽ bám dính vào da gây bệnh nấm da.

Dân gian gọi bệnh này ở phần chân là nước ăn chân, còn y học gọi bệnh nước ăn chân là nấm kẽ chân, thường chủ yếu do Trichophyton Mentagrophytes và Trichophyton Rubrum hoặc Epidermophyton Floccosum gây nên.

Bệnh có thể biểu hiện bằng hình thức tróc vảy khô, mụn nước hoặc viêm kẽ. Ở các kẽ ngón, thường là ở các kẽ hẹp như kẽ của các ngón chân giữa, ngón chân áp út, lớp da bên trên bị mủn trắng, có kẽ nứt, bên dưới là một nền da đỏ ướt.

Ở lòng bàn chân, gót chân, các cạnh ngoài của bàn chân có thể có mụn nước hoặc mảng da dày màu nâu đỏ, bề mặt phủ vảy nhỏ mịn. Chúng có thể nhỏ, nằm ở vài vùng rải rác trên chân, nhưng cũng có thể tạo một mảng lớn trùm cả bàn chân.

Bệnh gây ngứa ngáy, khó chịu. Trong trường hợp bị bội nhiễm, bệnh nhân có thể sốt, nổi hạch bẹn và đau. Lúc bấy giờ, bàn chân bị sưng tấy lên, có mủ và vẩy da, có thể sốt, nổi hạch bẹn. Người bị mắc bệnh rất ngứa ngáy, khó chịu.

MỚI - NÓNG