Tổng cục Khoáng sản đã làm việc với tỉnh Quảng Nam về những vấn đề liên quan đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu. Đề án đóng cửa mỏ được lấy ý kiến bằng văn bản của tỉnh Quảng Nam 2 lần, mới đây cuộc họp thảo luận thêm về một số ý kiến về mặt kỹ thuật, trong đó có việc kinh phí.
Để thực hiện đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu cần gần 20 tỷ đồng, trong khi tiền ký quỹ của Cty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu chỉ có 6,4 tỷ đồng. Do vậy còn thiếu 13 tỷ đồng để đảm bảo đủ kinh phí đóng cửa mỏ vàng
Ông Thanh cho hay, tại cuộc họp, Tổng cục là đề nghị sử dụng ngân sách địa phương để bổ sung thêm khoản còn thiếu để đóng cửa mỏ. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho rằng, theo quy định ngân sách cấp nào là chủ dự án thì cấp đó phải chi. Qua thảo luận, hai bên thống nhất Tổng cục về báo cáo lại Bộ về việc ý kiến tập thể Chính phủ theo hướng đồng ý cho sử dụng nguồn sự nghiệp môi trường của Bộ, bổ sung 13 tỷ đồng để đảm bảo đủ kinh phí để đóng cửa mỏ vàng. Tuy nhiên đến nay chưa có phản hồi từ phía Trung ương.
Về việc sử dụng tiền ngân sách để bổ sung kinh phí thực hiện đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, ông Thanh cho rằng điều này là đúng Luật. Nghị định hướng dẫn thi hành luật có nêu rõ việc sử dụng ngân sách của Nhà nước bổ sung trong trường hợp còn thiếu.
“Luật quy định như thế, có sửa thì sửa Luật thôi. Nguyên tắc, doanh nghiệp (DN) ký quỹ để thực hiện trách nhiệm của DN về việc đóng cửa mỏ. Nếu DN không thực hiện được thì Nhà nước phải dùng quỹ đó để đóng. Tuy nhiên, thời điểm xác định quỹ đối với Cty vàng Bồng Miêu diễn ra cách đây mười mấy năm trước, việc xác định quỹ đó chưa chính xác do Luật quy định chưa rõ. Do đó số tiền ký quỹ ít quá chỉ 6,4 tỷ đồng. Tuy nhiên trên thực tế khi khảo sát để xác định đóng cửa mỏ một cách an toàn bảo vệ môi trường một cách tốt nhất thì lên đến gần 20 tỷ đồng. Trong khi DN thì phá sản rồi, nếu để như vậy thì hủy hoại môi trường, ảnh hưởng an ninh trật tự, người dân vào thì nguy hiểm nên phải đóng” - ông Thanh nói.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, từ việc Cty Bồng Miêu phá sản, đóng cửa gây thiệt hại không nhỏ cho địa phương cho thấy còn nhiều lỗ hổng trong Luật Khoáng sản. Cụ thể, Cty vàng Bồng Miêu đã thực hiện việc khai thác này từ rất lâu, lúc đó Luật có nhiều lỗ hổng trong việc đánh giá thăm dò trữ lượng; thứ hai là quản lý trong quá trình khai thác giữa số lượng quặng khai thác và số lượng vàng qua chế biến. Trước những bất cập này, Chính phủ có chủ trương sửa, hoàn thiện Luật.
Ngoài số nợ tiền thuế hơn 108 tỷ đồng (tính đến tháng 10/2017), Cty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu nợ hơn 800 tỷ đồng (của 100 chủ nợ). Trong khi đó, kết quả kiểm kê cho thấy tài sản tại Cty có giá trị chỉ hơn 34,8 tỷ đồng.