> Hình ảnh xúc động trong ngày viếng Đại tướng
> Hình ảnh xúc động bên ngoài Nhà tang lễ
Trong góc khuất của căn phòng ghi sổ tang, trung tướng Võ Viết Thanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM lặng lẽ chùi mắt. Bà Ngô Thị Huệ (95 tuổi), phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ngồi xe lăn, được người nhà dìu đến viếng từ sớm.
Nhắc đến Đại tướng, nước mắt bà lăn dài: Tôi với ảnh cùng là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa IV, mỗi lần ra Hà Nội họp, tôi đều ghé nhà ảnh. Tôi cũng biết chị Quang Thái. Lúc tôi và chị Nguyễn Thị Minh Khai bị địch giam cầm tại nhà tù Phú Mỹ, chị Quang Thái có ghé thăm. Nghe tin anh mất, tôi vô cùng xúc động.
GS Phan Lương Cầm, phu nhân Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhớ lại hình ảnh giản dị của Đại tướng với bộ quân phục bạc màu khi đến thăm trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Bà khẳng định: “Người dân yêu quý Đại tướng chỉ sau Bác Hồ. Cùng học trường đại học Lomonosov (Nga) với chị Võ Hồng Anh, tôi biết Đại tướng rất yêu quý người con gái đầu. Khi chị mất, sức khỏe Đại tướng đã rất yếu nên ai cũng giấu vậy mà cụ vẫn biết và rất buồn”.
Trong sổ tang, bà Cầm viết: “Bác là người cha, người chồng, người ông mẫu mực. Mong bác sớm gặp đàn em của bác – anh Sáu Dân (cố thủ tướng Võ Văn Kiệt) và lớp lãnh đạo vàng của đất nước”.
Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Thương mại, nghẹn ngào: Đại tướng được bộ đội Trường Sơn tặng mấy giò lan rừng. Ông rất quý vậy mà vẫn chọn giò đẹp nhất tặng tôi.
Ông Nguyễn Kỳ Cẩm (85 tuổi), nguyên Tổng Thanh tra nhà nước, Bộ trưởng thường trực Phòng chống tham nhũng Trung ương, xúc động: Tôi may mắn được làm việc trực tiếp với Đại tướng nhiều năm, có nhiều kỷ niệm từ chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng tôi nhớ nhất là năm 1987, bác Giáp về thăm quê, khi đó còn là tỉnh Bình Trị Thiên. Gặp nhau ở đèo Ngang, bác ôm lấy tôi, nói “nhà choa đây rồi”. Bác là một lãnh đạo sống hết sức gần gũi, bình dị.
Đại tá Phan Như Hùng (84 tuổi), nguyên cán bộ Cục Quân báo (Cục 2) Bộ Quốc phòng nhớ lại: Đại tướng là người biết quý từng giọt máu của chiến sỹ. Trong chiến dịch Biên giới, ta đóng quân ở Đông Khê, bao vây Cao Bằng khiến giặc Pháp rất hoảng sợ.
Chúng điều một binh đoàn ở Thất Khê lên ứng cứu và định bất ngờ tấn công chiếm một cao điểm để khống chế toàn khu vực. Cục Quân báo giải mã được nội dung điện đài của địch nên báo cáo ngay với Đại tướng. Đại tướng hỏi “Nó chiếm được chưa?” khiến anh em lúng túng. Lập tức, Đại tướng ra lệnh cho trinh sát, nếu giặc chưa đến thì chiếm cao điểm. Nhờ vậy, địch bị phân tán lực lượng, ta giành thắng lợi mà không tốn nhiều xương máu cán bộ, chiến sỹ.
Nhiều người dân ở phương Nam chưa có cơ hội gặp, làm việc với Đại tướng song vẫn dành những tình cảm hết sức đặc biệt. Trong những cuốn sổ tang mà người dân phải xếp hàng chờ đến lượt ghi lời tri ân, nhiều chữ viết đã nhòe đi vì thấm nước mắt, xúc động.
Bạn Nguyễn Thị Thùy Trang (21 tuổi, sinh viên trường Đại học Tài chính Merketting) quên cả ăn sáng đến viếng Đại tướng rồi kiệt sức, ngã quỵ vì chờ quá lâu. Đến lúc sức khỏe hồi phục, Trang lại quyết tiếp tục xếp hàng chờ, vào viếng cho bằng được.
Anh Hồ Đoàn Viết Thông (24 tuổi), người đi cùng Trang cho biết nhóm có 10 người, đón xe buýt từ rất sớm, không kịp ăn sáng. Tuy nhiên, do người đi viếng quá đông nên mãi đến 7 giờ 30 cả nhóm mới đến nơi. Trang đã chờ gần bốn tiếng.
Lực lượng thanh niên tình nguyện đã khẩn trương đưa cô gái vào bên trong chăm sóc y tế. Theo kết quả chẩn đoán của các bác sỹ trực cấp cứu, Trang bị kiệt sức, huyết áp giảm còn 110. Cô được các bác sỹ tận tình chăm sóc, cho truyền dịch hồi sức.
Dù được khuyến cáo sức khỏe không đảm bảo nhưng sau khi tỉnh lại, Trang nằng nặc đòi xếp hàng để vào viếng Đại tướng. Cô xúc động: Thấy bà con ở Hà Nội đến nhà riêng thắp hương tưởng niệm Đại tướng, em rất nôn nao.
“Ước gì em được ra Quảng Bình để tiễn Đại tướng về nơi yên nghỉ cuối cùng. Tiếc là cuộc sống sinh viên còn nhiều khó khăn…” – Trang nói.
Còn anh Nguyễn Đình Phương (26 tuổi, Ninh Hòa, Khánh Hòa) thì đầu chít khăn tang, tất tả ôm di ảnh của Đại tướng ra ga để kịp chuyến tàu về quê làm lễ phát tang và thờ Đại tướng như người thân trong gia đình.
Rất nhiều sinh viên, học sinh miền Nam chỉ biết thân thế, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua tài liệu, sách vở nhưng vẫn kiên nhẫn xếp hàng suốt nhiều giờ để được vào vĩnh biệt vì tài năng, nhân cách, đạo đức của Đại tướng nhân dân đã đi vào sâu thẳm trái tim của hàng triệu người dân. Theo ước tính của đại diện Ban tổ chức lễ tưởng niệm tại TPHCM, số người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tính đến 16 giờ chiều đã lên tới gần 100.000 người.
Trong dòng người đau buồn đến vĩnh biệt đại tướng, có cả những người từng cầm súng bên kia chiến tuyến. Ông Nguyễn Hoàng Phước (71 tuổi, ngụ quận Tân Bình, nguyên trung úy Sư đoàn 25 chế độ Sài Gòn) cho biết năm 1972, khi Mỹ đánh bom Hà Nội rồi phao tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp trúng bom B52, đã có không ít sỹ quan, lính cộng hòa cầu nguyện cho Đại tướng “Việt Cộng” tai qua, nạn khỏi.
“Chúng tôi đã rất buồn, thương tiếc. Không cùng chiến hào nhưng tài năng kiệt xuất của Đại tướng trong chiến thắng Điện Biên Phủ đã hoàn toàn chinh phục nhiều sỹ quan, binh lính chế độ miền Nam” - ông Phước nhớ lại.