Ăn chặn cả cùng đinh - Bài cuối:

Lật tẩy những chiêu lừa đảo

 Nhiều sinh viên và người lao động bị lừa bởi các tờ rơi bốc xếp kiếm 300-400 ngàn/ngày
Nhiều sinh viên và người lao động bị lừa bởi các tờ rơi bốc xếp kiếm 300-400 ngàn/ngày
TP - Tại Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội quận 12, TPHCM, một thanh niên chân mang dép tổ ong, mặt khắc khổ, rưng rưng nước mắt trình bày việc bị lừa làm bốc xếp.

Đó là T. (quê Hà Tĩnh), vừa mới tốt nghiệp một trường đại học ở TPHCM. Đi theo T. còn hai sinh viên khác cùng quê, cũng mếu máo kể lại sự việc với cơ quan chức năng. Cả ba được một bác xe ôm tốt bụng đèo đến trình báo sự việc chiều 15/1.

Đủ kiểu trấn lột

Sau khi qua khâu làm hợp đồng, người lao động tiếp tục bước sang khâu mới với những thiệt thòi mà đầu tiên là bị trấn lột vô lý.

D. quê ở miền Tây, sinh viên ĐHQG TPHCM là người bị nặng nhất. Theo D. sau khi gọi đến số điện thoại mà nhân viên làm hợp đồng đưa cho và được người của đội bốc xếp đón vào tổng kho Sacombank chưa đầy 2 km nhưng bị đòi 180 ngàn đồng… phí dẫn đường. D. không có tiền, người này yêu cầu D. giao lại giấy CMND và giấy phép lái xe đến khi nào có tiền thì trả lại. “Lúc đó trong người chỉ còn có mấy chục ngàn mà nó đòi 180 ngàn tiền phí dẫn đường. Do lỡ đóng tiền hồ sơ 300 ngàn nên giờ đành chấp nhận, mình phải để lại giấy CMND và giấy phép lái xe để đi bốc hàng, sau đó về nhà để mượn tiền đến xin lại giấy tờ sau”, D. nói.

Lật tẩy những chiêu lừa đảo ảnh 1

Bản hợp đồng của Cty TNHH Phương Dung

Còn V. một sinh viên khác cũng bị “lột”. Theo V. người đón em ở trạm xe buýt Sóng Thần đến kho hàng Sacombank đòi 30 ngàn tiền xe. Tiếp đó, tổ trưởng yêu cầu nộp lại hợp đồng làm việc và giấy CMND gốc để làm thẻ ra vào Cty với mức phí 50 ngàn đồng.

“Cầm bản hợp đồng trên tay, tổ trưởng xé ngay trước mặt rồi bảo vào trong kho bốc xếp đi”, V. nói.

Bản thân tôi (PV) cũng không ngoại lệ. Sau khi bị thu giữ hợp đồng lao động và giấy CMND để làm thẻ ra vào với giá 50 ngàn đồng, tổ trưởng đốt luôn bản hợp đồng.

“Hàng ngàn người như thế này rồi”

Theo như quan sát của PV sau mấy ngày làm công nhân bốc xếp tại tổng kho Sacombank, KCN Sóng Thần, Bình Dương có khoảng 4- 5 tổ bốc xếp với hơn chục cai và dẫn đường. Trung bình mỗi tổ từ 10- 20 người, lượng công nhân này hầu như không thay đổi dù ngày nào cũng có hơn chục công nhân bỏ việc, nhưng bù lại, sẽ có những người mới nhảy vào thế chỗ.

“Thời gian qua, Phòng LĐ- TB&XH nhận được khá nhiều thông tin về tình trạng lừa đảo kiểu bốc xếp với lương thu nhập từ 300- 400 ngàn đồng/ngày. Tuy nhiên, đa số người lao động đến đây đều không có giấy tờ hay chứng cứ gì bởi bản hợp đồng của công nhân đều bị Cty hoặc đội bốc xếp thu giữ nên rất khó giải quyết được”.

Anh Trần Văn Thọ, Phòng LĐ-TB&XH quận 12

Được coi là người kiên trì và làm lâu nhất, 14 ngày, D. biết hết mọi bài bản lừa đảo ở đây. Theo D. mỗi ngày trung bình có khoảng 20- 30 người bỏ việc và chấp nhận mất tiền hợp đồng lẫn mấy ngày công bốc vác.

“Ai vào đây làm tôi cũng khuyên can, bảo nghỉ việc hết, riêng tôi vẫn phải gắng gượng làm vì bọn nó nợ công quá nhiều. Làm chừng đó ngày mà chỉ mới nhận được có 400 ngàn đồng tiền lương, trong khi tiền hợp đồng và phí bị trấn lột là 480 ngàn đồng rồi”, D. nói.

Anh Hồ, quê ở An Giang, vào đời từ năm 15 tuổi với nghề bốc xếp từ TPHCM đến Bình Dương, Đồng Nai, là tân binh của đội bốc xếp ngày 13/1 tại tổng kho Sacombank. Tuy không cao to nhưng khá lì lợm, mặt mày đen xì, Hồ khiến ai nhìn thấy cũng phải dè chừng.

“Cuộc đời tau đi làm bốc xếp bao nhiêu năm, lăn lộn khắp nơi mà hôm nay lại bị bọn này lừa một quả quá đau, giờ hợp đồng cũng không còn, không cách nào nói chuyện lý lẽ với bọn này được mà phải dùng nắm đấm thôi”, Hồ nói.

Thảm nhất là anh Thiệu, quê ở Nghệ An, làm được 5 ngày, nhưng khi đến nhận lương, phải kỳ kèo mãi chúng mới giải quyết cho hai ngày. Tại phòng làm việc, sau một hồi tính toán, anh Thiệu cầm 50 ngàn đồng là thành quả sau một chuỗi ngày bốc xếp rồi ra về mà không dám nói một tiếng nào.

“Cuối năm nên định làm ít bữa kiếm tiền về quê, ai ngờ tiền hợp đồng mất, làm 5 ngày mà chúng trả cho 50 ngàn, không biết lấy gì mà ăn nữa chứ đừng nói gì đến về quê”, anh Thiệu rưng rưng nước mắt nói.

Theo một bảo vệ tại đây, đến rồi đi liên tục, tính đến giờ cũng phải cả ngàn người rồi, hầu như ai cũng bỏ của chạy lấy người.

Lật tẩy Cty môi giới việc làm

Sau khi tiếp nhận thông tin từ các nạn nhân, cán bộ của Phòng LĐ-TB&XH quận 12 đã xuống kiểm tra, phát hiện Cty Phương Long hoạt động trong lĩnh vực môi giới việc làm là không hợp lệ nên lập biên bản đình chỉ hoạt động đồng thời yêu cầu trả lại tiền ba sinh viên đến tìm việc.

Trong số ba sinh viên này chỉ có duy nhất mình T. là còn hợp đồng bởi nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo nên T. chỉ nộp bản photo cho tổ trưởng ở đội bốc xếp. “Hai bạn kia sau khi đưa hợp đồng cho tổ trưởng, họ xé ngay tại chỗ, may là em còn giữ lại bản gốc chứ không thì hết chứng cứ rồi, lấy đâu mà đòi lại tiền được”, T. nói.

Một tài xế xe ôm gần Cty Phương Long cho biết, trung bình mỗi ngày có gần 50 người đến đây xin việc. “Cách đây mấy ngày, một thanh niên bị lừa đến đòi lại tiền thì bị đánh bò ra đường, toét đầu chảy máu nhưng vẫn không thấy cơ quan chức năng địa phương đến can thiệp”, tài xế xe ôm nói.

Anh Trần Thanh Thọ, chuyên viên Phòng LĐ-TB& XH quận 12 cho biết, tại quận hiện có 13- 14 cơ sở giới thiệu việc làm không phép, hoạt động không đúng chức năng. Quận cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra tình hình hoạt động của các cơ sở này, đồng thời phát loa trên toàn địa bàn quận để người dân được biết và

đề phòng.

MỚI - NÓNG