Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM vừa gửi văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước công khai hồ sơ dự án vay ngân hàng của các công ty kinh doanh bất động sản; đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, tham mưu Chính phủ quy định chặt chẽ, có biện pháp chế tài, công khai hồ sơ dự án vay ngân hàng của các chủ đầu tư.
Theo Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, hiện nay nở rộ tình trạng chủ đầu tư đã thế chấp khu đất xây chung cư cho ngân hàng nhưng vẫn tổ chức bán căn hộ theo hình thức hợp đồng đầu tư góp vốn. Đến khi hoàn thiện bàn giao căn hộ thì không bàn giao được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) cho cư dân.
Trong khi đó, người dân không thể biết được các dự án đã thế chấp hoặc chủ đầu tư cố tình giấu, ảnh hưởng quyền lợi của người dân mua chung cư.
Hàng loạt dự án ở TPHCM đang thế chấp cho ngân hàng nhưng liên tục mở bán dưới hình thức hợp đồng đặt cọc hoặc hợp đồng góp vốn. |
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, quy định tại Luật nhà ở và các Nghị định có liên quan của Chính phủ đã quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải công khai thông tin về việc thế chấp nhà, công trình xây dựng, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh (nếu có).
Quy định trách nhiệm của chủ đầu tư trong trường hợp bán nhà ở mà dự án nhà ở đó đã được thế chấp và trách nhiệm của Sở Xây dựng trong việc xác nhận nhà ở đủ điều kiện được bán.
Trường hợp chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản vi phạm các quy định thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm b Khoản 1 và Điểm a Khoản 3 Điều 58 Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 về xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Do đó, người mua nhà ở có thể liên hệ với Sở Xây dựng nơi có dự án nhà ở để phản ánh về các vi phạm này (nếu có) của chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản.
Đề cập về trách nhiệm của Sở Xây dựng, chủ đầu tư dự án nhà ở và tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, Sở Xây dựng phải chịu trách nhiệm về việc thông báo hoặc không có văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua sau khi nhận được hồ sơ đề nghị của chủ đầu tư (Điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở).
Chủ đầu tư đã thế chấp nhà ở mà có nhu cầu huy động vốn góp để phân chia nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc có nhu cầu bán, cho thuê mua nhà ở đó thì phải giải chấp nhà ở này trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng (Khoản 1 Điều 147 Luật Nhà ở 2014).
Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, tại trụ sở Ban Quản lý dự án (đối với các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản), tại sàn giao dịch bất động sản (đối với trường hợp kinh doanh qua sàn giao dịch bất động sản)... thông tin về việc thế chấp nhà, công trình xây dựng, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh (Khoản 1 Điều 4 Nghị định 02/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản).
Người dân có quyền yêu cầu chủ đầu tư, cơ quan chức năng công khai danh sách dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng. |
Đối với các quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thông tin về biện pháp bảo đảm đã đăng ký được lưu giữ trong sổ đăng ký cơ sở dữ liệu và Hệ thống dữ liệu quốc gia về biện pháp bảo đảm. Cơ quan đăng ký có trách nhiệm cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm đã đăng ký theo yêu cầu của cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình (Khoản 3 Điều 7 Nghị định 102/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 về biện pháp đăng ký bảo đảm).
“Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên Môi trường có thẩm quyền cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Như vậy, người dân cũng có thể yêu cầu cơ quan đăng ký cung cấp các thông tin về việc dự án nhà ở có đang được thế chấp hay không”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin.