Lật tẩy chiêu ‘móc túi’ của tài xế taxi
> Đuổi việc tài xế taxi 'chém' khách nước ngoài
> Lập đường dây nóng phản ánh taxi chặt chém
> Kiểm tra toàn diện hãng taxi Trung Việt
Để ăn gian tiền cước của khách đi xe, lái xe taxi đã gắn chíp vào đồng hồ tính cước rồi sử dụng điện thoại để điều khiển.... - ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội nhận định.
Chiếc xe taxi của hãng Thanh Nga có hành vi "chặt chém" tiền cước của du khách nước ngoài. |
Dùng điện thoại để điều khiển tiền cước taxi
Thời gian vừa qua, tại Hà Nội liên tiếp xảy ra tình trạng tài xế taxi “chặt chém” tiền cước đối với khách nước ngoài đến Hà Nội du lịch. Cụ thể, vào các ngày 28/4 và 10/5, tài xế hãng taxi Trung Việt và Thanh Nga đã có hành vi “chặt chém” các du khách nước ngoài sử dụng taxi. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng đã phải xin lỗi du khách và yêu cầu các doanh nghiệp cần có những biện pháp ngăn chặn, răn đe tài xế.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân kiểm tra, xử lý các sai phạm liên quan đến lái xe, đơn vị kinh doanh taxi nhưng dường như không thể cải thiện được hình ảnh khi quá nhiều tổ chức, cá nhân xin kinh doanh taxi. Thống kê của Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, trên toàn địa bàn thủ đô có 117 doanh nghiệp được cấp phép và đang hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, với khoảng 17.000 phương tiện và 2.000 lái xe.
Phó Chánh Thanh tra Hoàng Văn Mạnh cho biết, qua các cuộc thanh, kiểm tra lái xe và hãng taxi trên địa bàn thành phố cho thấy, trong số 117 đơn vị kinh doanh vận tải bằng taxi thì còn có quá ít hãng chấp hành quy định. Nhiều hãng không chú trọng xây dựng thương hiệu và nâng cao phục vụ hành khách.
Ông Hoàng Văn Mạnh cho hay: “Lực lượng Thanh tra Sở GTVT đã phát hiện hàng loạt những “thủ thuật” gắn chíp điều chỉnh đồng hồ tính cước để “móc túi” hành khách đi xe”.
Chứng minh về mánh khóe "móc túi" này, ông Mạnh đưa ra dẫn chứng cụ thể: “Trong đợt kiểm tra ngày 8/5/2013, lực lượng Thanh tra Sở GTVT đã lập biên bản 5 trường hợp lái xe taxi có hành vi gian lận tiền cước, gồm: Hãng taxi Ngọc Linh, Hương Lam, Sông Hồng, Trung Việt”.
Ông Mạnh cho biết thêm: "Các trường hợp bị phát hiện đều gắn chip vào đồng hồ tính cước, sau đó lái xe sử dụng điện thoại điều khiển đồng hồ cước hay dùng khóa mở hộp kính để điều khiển chíp được gắn trong đồng hồ…
Để chấn chỉnh và xây dựng một hình ảnh đẹp về loại hình vận tải taxi trong mắt du khách đến với Thủ đô, lực lượng thanh tra quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên bằng cách tạm giữ phương tiện rồi mời lãnh đạo các hãng taxi lên làm việc. Ngoài ra, trong thời gian tới, lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội tiếp tục lập các đoàn kiểm tra các đơn vị taxi, nhằm chấn chỉnh hoạt động. Với những doanh nghiệp có vi phạm, cơ quan chức năng sẽ bắt buộc khắc phục tồn tại và sẽ đình chỉ hoặc rút giấy phép kinh doanh khi tái phạm”.
Tính cước gian lận, hãng taxi Trung Việt phải xin lỗi và trả lại tiền cho du khách. |
Taxi nhiều nhưng quản lý kém
Mặc dù cơ quan chức năng quyết mạnh tay đối với các hãng taxi vi phạm nhưng ông Mạnh cho rằng, taxi trên địa bàn Hà Nội phát triển quá nhanh về số lượng phương tiện và phân bố không đồng đều đã làm nảy sinh những bất cập. Tuy nhiên, nói là nhiều nhưng đều làm ăn theo kiểu manh mún, “chộp giật”. Các hãng taxi không quan tâm tới quản lý hoạt động của hãng cũng như lái xe. Ngoài ra, việc cấp phép kinh doanh, hệ thống văn bản pháp luật của cơ quan Nhà nước vẫn còn nhiều “lỗ hổng” nên doanh nghiệp vẫn tìm được chiêu để lách luật.
Dẫn chứng về sự gia tăng quá nhanh của taxi, ông Mạnh cho rằng: Tại TP HCM có 31 hãng taxi với tổng số 15.000 xe, song ở Hà Nội có tới 117 hãng taxi nhưng chỉ có khoảng 17.000 xe. Tính ra, mỗi hãng ở TP HCM tối thiểu cũng có vài trăm xe, trong khi đó ở Hà Nội chỉ có 5-10 xe.
Trước sự xuất hiện tràn lan các hãng taxi, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho rằng: “Thành phố nên gộp các hãng taxi nhỏ lại với nhau, giảm số lượng các hãng xuống còn 50-60 hãng là hợp lý. Có như vậy, việc quản lý sẽ thuận tiện và chặt chẽ hơn. Còn như hiện nay, các đơn vị kinh doanh taxi quá đông, khó quản lý”.
Liên quan đến việc tài xế taxi “chặt chém” tiền cước của du khách, ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT cũng cho rằng: Sau mỗi đợt ra quân kiểm tra xe taxi, lực lượng thanh tra đã phát hiện rất nhiều vi phạm. Mặc dù vậy, các cơ quan chức năng vẫn không thể nào đưa taxi vào hoạt động khuôn khổ hơn vì nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng loại hình taxi có nhiều “mánh” để lách luật.
Dẫn chứng cho vấn đề này, ông Sỹ cho hay: Khi đi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp có thống kê số lượng phương tiện, nhưng nhiều hãng có vài ba chiếc đi gom góp, thuê phương tiện đeo thương hiệu cũng xin thành lập hãng. Mỗi xe mua thương hiệu chỉ cần đóng tiền thuế hàng tháng cho hãng, ăn chia phần trăm… vì vậy mà nhiều doanh nghiệp không thống kê hết số xe. Điều này tạo điều kiện cho hãng kiếm lợi nhuận và trốn thuế.
Ngoài ra, qua các đợt thanh kiểm tra gần đây, lực lượng chức năng đã phát hiện một số lái xe taxi không có chứng chỉ hành nghề, nhưng không xử phạt được vì không có chế tài. Thậm chí, một số hãng có tình trạng thuê lái xe hoặc cho thuê lại xe taxi theo giờ. Bên cạnh đó, công tác quản lý, sát hạch đầu vào và kinh doanh của doanh nghiệp đối với người lao động vẫn còn lỏng lẻo, từ đó dẫn tới ý thức chấp hành Luật Doanh nghiệp không được tốt, ảnh hưởng đến hình ảnh taxi của Thủ đô.
Theo T.Minh
Petrotimes