Lật lại những 'lùm xùm' kinh doanh trước khi shark Thủy bị bắt

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ông Nguyễn Ngọc Thủy sở hữu hệ sinh thái doanh nghiệp trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm. Tuy nhiên, sau lùm xùm liên quan đến chất lượng dạy học, chậm trả lương, nợ lương giáo viên… đã chìm trong thua lỗ.

Thua lỗ kỷ lục

Ngày 26/3, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an (C03) vừa khởi tố bắt tạm giam đối với Nguyễn Ngọc Thủy (người thường được biết đến là Shark Thủy) - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup, Công ty CP Đầu tư và Phân phối Egame cùng đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Egroup.

Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Ngọc Thủy và Đặng Văn Hiền - Trưởng Ban quan hệ cổ đông Công ty CP Đầu tư và Phân phối Egame.

Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Egroup là công ty mẹ, là doanh nghiệp chủ chốt trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Ngọc Thủy, trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm.

Lật lại những 'lùm xùm' kinh doanh trước khi shark Thủy bị bắt ảnh 1

Ông Nguyễn Ngọc Thủy.

Các công ty con nổi bật của Egroup, gồm Công ty CP Đầu tư Apax Holdings (mã chứng khoán: IBC) - đứng sau chuỗi trung tâm Anh ngữ Apax Leaders, hệ thống mầm non Igarten, trường liên cấp Firbank Australia...

Năm 2022, Apax Holdings đạt doanh thu 1.336 tỷ đồng, tăng 35% so với kết quả 2021 nhưng lỗ trước thuế lên đến 77 tỷ đồng và lỗ ròng 87 tỷ - đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của IBC.

Tại ngày 31/12/2022, nợ phải trả của Apax Holdings là 3.076 tỷ đồng. Trong đó, tổng vay và nợ thuê tài chính là 1.915 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm còn 1.520 tỷ đồng. Tổng tài sản cuối năm 2022 còn 4.596 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại thời điểm cuối năm 2022, lượng tiền mặt của Apax Holdings vẫn khá dồi dào với 737 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, tăng nhẹ so với 697 tỷ đồng thời điểm đầu năm.

Ở thời điểm 31/12/2022, Apax Holdings nắm 66,36% vốn tại Công ty CP Anh ngữ Apax (Apax English hoặc Apax Leaders). Theo giới thiệu, hệ thống này đang có hơn 120 trung tâm trên toàn quốc với thương hiệu Apax Leaders, trải rộng tại hơn 30 tỉnh thành với khoảng hơn 120.000 học viên đang theo học.

Tuy nhiên, giữa 2022, Apax Leaders bắt đầu lùm xùm liên quan đến chất lượng dạy học, chậm trả lương, nợ lương giáo viên… Trước khi lùm xùm diễn ra, năm 2021, Apax English ghi nhận doanh thu năm 2021 của Apax English là 1.534 tỷ đồng, giảm 11% còn lợi nhuận sau thuế chỉ còn 22 tỷ đồng, giảm 65% so với năm 2020.

Hủy bỏ niêm yết bắt buộc

Dính vào lùm xùm, công ty mẹ của Apax Holdings là Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Egroup bị bán giải chấp hơn 739.000 cổ phiếu IBC. Sau giao dịch này, Egroup còn nắm hơn 13,9 triệu cổ phiếu IBC tương ứng tỷ lệ 16,77% vốn.

Tính từ đầu năm 2023 tới nay, lượng sở hữu của tổ chức liên quan tới shark Thủy tại Apax Holdings đã giảm gần 43%, tương ứng gần 36 triệu cổ phiếu. Phần lớn số cổ phiếu này bị bán giải chấp bởi các công ty chứng khoán.

Lật lại những 'lùm xùm' kinh doanh trước khi shark Thủy bị bắt ảnh 2

Năm 2022, Apax Holdings đạt doanh thu 1.336 tỷ đồng, tăng 35% so với kết quả 2021 nhưng lỗ trước thuế lên đến 77 tỷ.

Cuối năm 2022, cổ phiếu IBC đã trải qua giai đoạn giảm sàn 26 phiên liên tiếp, ông Thủy và Egroup cũng thường xuyên bị “call margin” trong giai đoạn này. Hiện nay, cổ phiếu IBC đang giao dịch ở mức giá 1.700 đồng/cổ phiếu.

Tháng 11/2023, Apax Holdings công bố thông tin bất thường về việc nhận được đơn từ nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị của ông Quách Mạnh Hào, Nguyễn Minh Chính và Nguyễn Trọng Quỳnh. Như vậy, dàn lãnh đạo Apax Holdings chỉ còn 2 người là Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Ngọc Thủy và thành viên Hội đồng quản trị Nguyễn Ngọc Khánh.

Động thái này của dàn lãnh đạo Apax Holdings diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp nhận quyết định từ HoSE về việc hủy bỏ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu IBC. Nguyên nhân, cổ phiếu IBC đang nằm trong diện đình chỉ giao dịch, kiểm soát, cảnh báo khi tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 quá 30 ngày so với thời hạn quy định và công ty chưa họp đại hội đồng cổ đông thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Ngày 15/12/2023 là ngày giao dịch đầu tiên của hơn 83 triệu cổ phiếu IBC trên sàn Upcom, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 1.700 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, khi vừa có quyết định chuyển xuống sàn Upcom, HNX cũng công bố quyết định đưa vào diện đình chỉ giao dịch đối với cổ phiếu IBC kể từ ngày 15/12/2023. Lý do vì tổ chức đăng ký giao dịch là công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.

MỚI - NÓNG