Lát đá vỉa hè, mua xe triệu đô chống ngập ở TPHCM: Sai lầm!

TPHCM bị ngập nặng cuối năm 2015.
TPHCM bị ngập nặng cuối năm 2015.
TP - Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia tại hội thảo khoa học “Các giải pháp giảm ngập nước, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng” do Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM và Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu phối hợp tổ chức ngày 8/4.

Chi phí cao, hiệu quả thấp

TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học quản lý và công nghệ TPHCM băn khoăn: Mua 63 xe bơm, xe lớn nhất công suất 40m3/phút, xe nhỏ nhất 20m3/phút thì giải quyết sao nổi lượng nước khổng lồ? Nước ngập trên đường sẽ bơm đi đâu? Cái khó hiện nay của TPHCM là nước không có đường thoát, ngập là do hệ thống cống bị tắc nghẽn, khả năng thoát nước kém.

Ngoài ra, công suất xe bơm 40m3/phút, đường kính ống bơm lên tới 60 cm thì đặt ở đâu? Nếu rải ống trên vỉa hè thì cũng phải vắt qua một số giao lộ, các phương tiện làm sao lưu thông.

“Theo khảo sát của chúng tôi, máy bơm công suất 40 m3/phút nặng 4-5 tấn, giá khoảng 30.000 -40.000 USD/cái. Máy phát điện khoảng vài chục nghìn USD. Xe khoảng 50.000 - 60.000 USD/chiếc… thì một chiếc xe bơm đắt lắm cũng chỉ 200.000 USD/chiếc, làm gì đến 1 triệu USD” - ông Phúc cho biết.

GS Nguyễn Tất Đắc (Viện Đổi mới công nghệ thủy lợi Mê Kông) cho rằng xác suất xảy ra các trận mưa lớn, cực đoan không nhiều. Nếu TPHCM bỏ ra 1.400 tỷ đồng mua xe bơm là lãng phí kinh khủng vì ít dùng đến, trong khi phải bảo dưỡng thường xuyên.

Là đơn vị đề xuất mua xe bơm triệu đô để chống ngập, ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm chống ngập thừa nhận TPHCM chưa cần thiết phải mua xe bơm. Sử dụng xe bơm chống ngập là không phù hợp.

“Giải pháp đó chưa cấp thiết phải làm. Mỗi xe cả triệu đô. Bây giờ chỉ cần có những trạm bơm di động thôi. Đó là xe kéo các máy bơm công suất lớn đến các điểm ngập để bơm hút như vừa rồi TPHCM đã làm ở phường An Lạc (quận Bình Tân). Nếu máy bơm công suất không đủ sẽ mua thêm, giá không đắt như xe bơm” - ông Công nói.

Theo GS Nguyễn Tất Đắc, không nên lát toàn bộ vỉa hè trên địa bàn quận 1 bằng đá hoa cương vì độ thấm nước không có. Hiện nay, TPHCM đã bê tông hóa khắp nơi, chỉ còn có vỉa hè là nơi thấm nước để bổ sung nước ngầm, chống lún sụt đất. Vỉa hè là nơi trữ nước tạm thời, nếu không lát đá có thể trữ được một lượng nước mưa khá lớn, giảm áp lực cho hệ thống cống thoát nước.

“Lát đá hoa cương, bê tông hóa vỉa hè sẽ phản tác dụng. Nước không có chỗ thấm, chỗ chứa tràn ra đường phố. Hiện nay, khả năng thoát nước trên đường kém lắm rồi. Các hố ga, cống thoát nước bị tắc nghẽn, nước chỉ chảy trên đường phố gây ngập” - GS Nguyễn Tất Đắc nói.

Sai lầm mang tính hệ thống

Theo PGS. TS Nguyễn Minh Hòa (ĐH Quốc gia TPHCM), cả chính quyền và người dân TPHCM sai lầm lớn khi đồng hóa “đô thị hóa” với “bê tông hóa mặt đất” làm mất khả năng thấm nước. Việc bê tông hóa mặt đất với tỷ lệ rất cao dẫn đến nước mưa, nước triều không thấm được xuống đất mà nằm trên bề mặt khiến nạn ngập úng càng nghiêm trọng hợn. Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu ĐHQG TPHCM tại các quận 6, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Phú chỉ ra những điểm ngập nặng nhất có tỷ lệ phủ bê tông lên tới 96% thậm chí có nơi 100%.

“Đá hoa cương đắt nhất trong các loại đá và rất cứng, gia công tốn kém nên chỉ dùng làm công trình vĩnh cửu hoặc đặc biệt quan trọng. Làm vỉa hè lâu lâu phải đào lên lắp ống nước, cống, cáp điện; đường có thể nới rộng, thu hẹp, đem đá hoa cương lát vỉa hè là sai lầm và lãng phí”.

TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học quản lý và công nghệ TPHCM

Theo ông Hòa, năm 1862, khi bắt đầu quy hoạch thành phố Sài Gòn, nhà quy hoạch Coffuyn (Pháp) đề nghị không phát triển về phía Nam vì đây là vùng trũng, là túi chứa nước khổng lồ. Khi mưa lớn, nước sông dâng cao, nước dồn về vùng trũng giúp thành phố không bị ngập. Từ năm 1990, chính quyền TPHCM lại làm ngược lại. Việc phát triển khu Nam Sài Gòn thiếu kiểm soát làm mất hoàn toàn túi nước, dẫn đến khu vực nội ô và cả vùng lõi TPHCM bị ngập sâu dù trước kia chưa từng xảy ra.

Một số chuyên gia cho rằng những sai lầm trong công tác quy hoạch (chứ không phải biến đổi khí hậu) khiến đỉnh triều cao gấp 3 lần so với mực nước biển dâng (chỉ tăng thêm 0,5 cm trong 50 năm qua).

Đó là việc san lấp mặt bằng ven các con sông để phát triển đô thị, khu công nghiệp… xóa sổ nhiều triền sông, khu vực trũng, dẫn đến việc điều tiết triều các con sông thay đổi. Toàn bộ nước dồn vào dòng chính xâm nhập sâu và cao hơn vào nội đồng.  

Theo TS Bùi Việt Hưng (trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM), qua tính toán, cứ 1.000 ha ven sông Soài Rạp bị san lấp thì triều cường tại Trạm Phú An (sông Sài Gòn) sẽ tăng 1 cm.

Nguy hiểm hơn, theo ông Lê Thành Công, Giám đốc Công ty tư vấn thiết kế xây dựng D&C (một trong 5 đơn vị nghiên cứu quy hoạch thoát nước TPHCM), các giải pháp chống ngập hiện nay tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng không hiệu quả do những sai sót mang tính hệ thống.

Cụ thể: Các dự án chống ngập đã và đang triển khai ở TPHCM đã tính sai lượng mưa và mực nước triều. Sai sót này không phải do các đơn vị làm dự án chống ngập mà là do căn cứ vào Quyết định 752 của Chính phủ không còn phù hợp. Trớ trêu hơn, các đơn vị làm dự án và cơ quan phê duyệt dù biết rõ điều này nhưng phải răm rắp tuân thủ.

“Từ năm 2000 đến nay, chúng tôi làm rất nhiều dự án chống ngập ở TPHCM. Khi tính toán mưa theo cách tính riêng, chúng tôi chọn tần suất 2 năm xảy ra một trận mưa vũ lượng 120 mm và trong 5 năm sẽ xuất hiện cơn mưa 150 mm. Thực tế đã chứng minh chúng tôi đúng nhưng QĐ 752 lại xác định hai con số này là 83 mm và 95 mm. Khi chúng tôi trình hồ sơ lên Sở Giao thông Vận tải lấy theo con số khảo sát thực tế thì hồ sơ bị gác vì không dựa vào QĐ 752. Lãnh đạo sở biết chúng tôi tính đúng nhưng không duyệt vì căn cứ pháp lý là QĐ 752. Toàn bộ các dự án thoát nước (trừ dự án vốn ODA) đều bị như thế” - ông Công nói.

MỚI - NÓNG