Lắp ráp Veloz Cross - Bước đi mới tăng cường nội địa hóa của Toyota Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Chuyển từ nhập khẩu nguyên chiếc sang lắp ráp Veloz Cross và Avanza Premio, không chỉ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng mà còn mang lại lợi ích cho các nhà cung cấp trong nước, qua đó thúc đẩy nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Công nghiệp ô tô là ngành sản xuất có vai trò quan trọng, trong việc thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Chính vì vậy, từ rất sớm Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu để phát triển ngành sản xuất này. Theo thông tin từ Bộ Công Thương, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp. Mục tiêu đề ra là 30 - 40% vào năm 2020, 40 - 45% vào năm 2025 và 50-55% vào năm 2030, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực.

Lắp ráp Veloz Cross - Bước đi mới tăng cường nội địa hóa của Toyota Việt Nam ảnh 1

Dây chuyền sản xuất tại nhà máy Toyota

Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thừa nhận, chuỗi cung ứng ngành ô tô Việt Nam không có nhiều chuyển biến trong suốt thời gian dài vừa qua. Để tham gia vào chuỗi sản xuất ô tô thì doanh nghiệp phải đạt chứng chỉ IATF 16949 (Chứng nhận Hệ thống Quản lý Chất lượng cho ngành Ô tô). Theo thống kê, trên thế giới vào năm 2015 có hơn 60 nghìn chứng chỉ, trong khi đó, đến năm 2021, Việt Nam mới có 21 công ty đạt chứng chỉ IATF 16949. Hiện có rất ít các nhà đầu tư Việt Nam bỏ vốn đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, vẫn có những doanh nghiệp ô tô nỗ lực đẩy mạnh nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Những doanh nghiệp lớn như Toyota Việt Nam có các mẫu xe lắp ráp đạt doanh số cao, được tập trung nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Chiến lược nội địa hóa của các doanh nghiệp được thực hiện theo lộ trình, ưu tiên những linh kiện có sản lượng lớn, kích cỡ lớn, chi phí vận chuyển lớn và có sẵn nguồn nguyên vật liệu trong nước. Bên cạnh đó là các nhóm sản phẩm được Chính phủ ưu tiên, khuyến khích phát triển. Cùng với đó là đẩy mạnh tìm kiếm và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng.

Lắp ráp Veloz Cross - Bước đi mới tăng cường nội địa hóa của Toyota Việt Nam ảnh 2

Toyota không ngừng nỗ lực gia tăng tỷ lệ nội địa hóa

Chẳng hạn như Toyota Việt Nam, đã không ngừng đưa ra các sáng kiến, nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, giải quyết bài toán về linh kiện và từng bước đưa doanh nghiệp Việt trở thành nhà cung cấp. Cụ thể, từ năm 2018, Toyota Việt Nam đã thành lập riêng một bộ phận chuyên trách, hỗ trợ các nhà cung cấp, ưu tiên các doanh nghiệp Việt Nam. Một đội ngũ chuyên gia, được cử đến làm việc với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, để phát triển sản xuất linh kiện, qua đó giúp họ nâng cao hiệu suất làm việc, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm. Với những khoản đầu tư và sự quyết tâm, kiên trì cho mục tiêu này, đến nay, hầu hết các xe của Toyota đều đạt tỷ lệ nội địa hóa 40%, riêng dòng xe chủ lực Vios đạt 43% nếu tính theo công thức giá trị gia tăng của ASEAN.

Lắp ráp Veloz Cross - Bước đi mới tăng cường nội địa hóa của Toyota Việt Nam ảnh 3

Toyota Việt Nam cũng đặt mục tiêu dài hạn là không ngừng tăng thêm số lượng nhà cung cấp, cũng như tăng thêm linh kiện nội địa hóa. Vì vậy, sẽ tiếp tục hỗ trợ nhà cung cấp, tăng cường quản lý chất lượng, hướng tới mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa, đóng góp cho ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ô tô Việt Nam.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Toyota Việt Nam cam kết sẽ tăng thêm những mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước. Tại triển lãm ôtô Việt Nam 2022 vừa diễn ra, Toyota Việt Nam chính thức công bố việc chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp bộ đôi Veloz Cross và Avanza Premio. Việc chuyển đổi từ nhập khẩu sang sản xuất, lắp ráp trong nước, giúp Toyota Việt Nam chủ động hơn trong việc cải thiện nguồn cung, đáp ứng nhu cầu thị trường. Không những thế, có thêm xe lắp ráp trong nước, nhà máy Toyota Việt Nam tăng thêm 7 nhà cung cấp lên con số 58 nhà cung cấp linh phụ kiện, số lượng nhà cung cấp thuần Việt cũng tăng gấp đôi từ 6 lên 12. Tổng số linh kiện nội địa hóa đạt 740 sản phẩm, con số tăng thêm là 16. Vì thế, việc chuyển sang lắp ráp bộ đôi Veloz Cross, Avanza Premio không chỉ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng mà còn mang lại lợi ích cho các nhà cung cấp trong nước và thúc đẩy nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo cơ hội cho các nhà cung cấp trong nước trở thành đối tác của thương hiệu sản xuất ô tô toàn cầu.

Lắp ráp Veloz Cross - Bước đi mới tăng cường nội địa hóa của Toyota Việt Nam ảnh 4

Từ tháng 12/2022, Veloz Cross và Avanza Premio được sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam

Bên cạnh thúc đẩy nội địa hóa, Toyota Việt Nam còn đóng góp không nhỏ cho sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Tháng 6/2022, Toyota Việt Nam và Cục Công Nghiệp (Bộ Công thương) đã tiếp tục ký kết Biên bản ghi nhớ “Dự án Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô” giai đoạn2022 – 2023. Dự án này sẽ kết nối và hỗ trợ các nhà cung cấp tiềm năng về phụ tùng, linh kiện với các nhà sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam, nhằm tăng các nhà cung ứng nội địa và linh kiện sản xuất trong nước. Đây là năm thứ ba Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, kể từ lần ký kết đầu tiên vào năm 2020. Đặc biệt, năm nay, Toyota Việt Nam triển khai hoạt động hỗ trợ tới 4 doanh nghiệp ngoài hệ thống Toyota, bao gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Công nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH Kỹ thuật Nhật Minh, Công ty TNHH MTV Cao su 75, Công ty Cổ phần Công nghiệp Kim Sen.

Theo các chuyên gia kinh tế, ngành công nghiệp ô tô phát triển sẽ tạo ra sự lan tỏa và đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế quốc gia. Thực hiện thành công nội địa hóa giúp cho ngành công nghiệp ô tô vươn lên làm chủ công nghệ, gia tăng hàm lượng sản xuất trong nước và tăng năng lực cạnh tranh. Từ đó, tạo điều kiện để giảm giá thành sản phẩm.

Trong khi đó, đại diện của Toyota Việt Nam cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước đang gặp phải một số thách thức như: kinh nghiệm quản trị, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp hỗ trợ chưa cao và dung lượng thị trường ô tô còn nhỏ. Chúng tôi mong muốn rằng Chính phủ sẽ có các chính sách dài hạn, nhằm đảm bảo sự tăng trưởng ổn định của thị trường ô tô, có chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.