Lập nhà lưu trú, cưu mang trò nghèo

Những học trò được thầy Trần Quang Thông cưu mang, giúp đỡ.
Những học trò được thầy Trần Quang Thông cưu mang, giúp đỡ.
TP - Thương học trò vì hoàn cảnh khó khăn phải dở dang việc học, thầy Trần Quang Thông (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã lập nhà lưu trú để cưu mang, cho các em tiếp tục đi học. Trong 205 hoàn cảnh được thầy giúp đỡ, có người đã trưởng thành, quay lại giúp người, giúp đời đúng như ước nguyện gieo thiện của thầy.

Thầy Thông từng là giáo viên dạy trẻ em nghèo, mồ côi tại Mái ấm xanh thuộc Công viên Tao Đàn (thành phố Hồ Chí Minh). Năm 1995, thầy bị bệnh nên quay về Đắk Lắk sinh sống. Thấy mô hình nhà lưu trú sinh viên (dành cho sinh viên nghèo trọ học) ở thành phố mang tên Bác rất hay, ý nghĩa, năm 1997 thầy Thông lập Nhà lưu trú học sinh Đăng Khoa (ở đường Lương Thế Vinh, phường Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột) tiếp tục sự nghiệp trồng người. Đăng Khoa là mong ước của thầy cho các học trò đều giỏi giang, thành đạt.

Ngày mới thành lập, cơ sở vật chất đơn sơ, chỉ là căn nhà rộng 120 m2, trên có gác lửng dành cho học sinh học, phía dưới làm nơi sinh hoạt của thầy trò. Dù khó khăn thiếu thốn, thầy Thông vẫn tâm niệm ngoài số học sinh đóng mức phí vừa phải, mỗi năm thầy sẽ nhận thêm vài học sinh nghèo nuôi dạy miễn phí. Cứ thế, hễ nghe nơi đâu có trò nghèo thầy đều đến tận nơi tìm hiểu, đưa về. Suốt 20 năm qua, thầy đã cưu mang, giúp đỡ 205 em ở nhiều tỉnh thành, độ tuổi khác nhau. Nhiều em có nguyện vọng được thầy cho học tiếp lên đại học, cao đẳng. Em nào muốn lập nghiệp, thầy cũng dành sẵn một số vốn nho nhỏ làm hành trang vào đời.

Em Mai Văn Sang (20 tuổi, sinh viên năm 2 ngành Sinh học Trường Đại học Tây Nguyên) được thầy Thông nhận nuôi từ năm lớp 8 đến nay. Nhà Sang ở huyện Krông Nô (Đắk Nông), bố mẹ làm nông, bản thân em bị phỏng lửa từ nhỏ nên không mạnh khỏe bằng chúng bạn. Qua cầu nối, biết hoàn cảnh của Sang, thầy Thông đã đưa về chăm lo với mong muốn sau này em có công việc phù hợp với thể trạng sức khỏe. Hằng ngày ngoài giờ đi học, Sang hướng dẫn các em nhỏ ôn bài, giúp thầy trồng rau, nuôi gia súc theo hướng sinh học, cung cấp thức ăn cho các thành viên trong trường. Thành viên nhỏ nhất là Phùng Kiếm Phin (học lớp 7, người Dao đỏ, nhà ở Đắk Nông). Nhà Phin cũng nghèo khó, nhờ thầy Thông cưu mang nên việc học không bị dang dở.

Mong muốn dạy cho học trò hiểu được giá trị của lao động, năm 2013 thầy Thông đưa 20 em học sinh, sinh viên đang cưu mang, giúp đỡ về ở hẳn trong khu trang trại rộng 1,7 hecta của gia đình ở khối 5 phường Khánh Xuân. Hằng ngày, ngoài giờ học, các em phụ thầy tăng gia sản xuất như trồng rau, nuôi gà, heo, bò… vừa làm thức ăn vừa bán lấy tiền trang trải việc học. Thầy Thông tâm sự: Thầy muốn các trò cùng bắt tay vào làm để hiểu được ý nghĩa và giá trị của lao động.

Nhắc đến học trò cũ, thầy Thông tự hào: Các em làm đủ thứ nghề, nhưng đều là công dân có ích cho xã hội. Trong các trò, Bùi Quang Bình (quê Bình Phước, đang làm giáo viên dạy nhạc ở thành phố Hồ Chí Minh) là người khiến thầy ấm lòng nhất. Sau giờ đi làm, Bình tham gia từ thiện, anh thường vào các bệnh viện nhân ái (nơi bệnh nhân phần lớn bị bệnh hiểm nghèo) đem tiếng cười giúp họ sống lạc quan những ngày cuối đời.

Tương lai, thầy Thông vẫn sẽ tiếp tục cưu mang trò nghèo. Thầy cũng muốn mở một quán cà phê miễn phí cho nông dân quanh vùng có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn.

MỚI - NÓNG