Kỳ thi THPT Quốc gia 2019:

Lấp lỗ hổng công nghệ, chấm thi theo cụm

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Như Ý
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Như Ý
TP - Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ÐT cho biết: Kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ chấm thi theo cụm, với nguyên tắc cán bộ chấm thi không chấm thi cho học sinh tỉnh mình. 

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ÐT cho biết: Kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ chấm thi theo cụm, với nguyên tắc cán bộ chấm thi không chấm thi cho học sinh tỉnh mình. Mục đích của kỳ thi nhằm đo lường, đánh giá được kết quả học tập ở mức độ phổ thông của học sinh sau 12 năm học tập. Ðối với các trường ÐH, kết quả thi này chỉ là căn cứ sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ được quy định trong Luật Giáo dục ÐH.

Hoàn thiện phần mềm chấm thi

Theo ông Mai Văn Trinh, kỳ thi năm 2019 tổ chức phương thức thi như năm 2017, 2018 với điều chỉnh cụ thể để xã hội tin cậy hơn. Rà soát lại toàn bộ quy trình, quy chế. Điều chỉnh cụ thể  hơn, trách nhiệm của các bên liên quan cũng như hướng dẫn kỹ thuật khác. Nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi, trên cơ sở đó xây dựng đề thi chính thức phù hợp với đề thi THPT quốc gia và phù hợp với thời gian làm bài của thí sinh. Tiếp tục hoàn thiện các công nghệ thi, đặc biệt hoàn thiện phần mềm chấm thi theo hướng tăng cường bảo mật, phòng ngừa sai phạm và nếu có sai phạm thì dễ phát hiện, xử lý. Đặc biệt, ông Trinh cho rằng công tác thanh tra, giám sát phải đi vào thực chất và hiệu quả hơn.  Đối với chấm thi, năm 2019, Bộ sẽ tổ chức chấm thi theo cụm, với nguyên tắc cán bộ chấm thi không chấm thi cho học sinh tỉnh mình. 

“Tôi tin rằng, nếu kết quả kỳ thi THPT quốc gia không đáp ứng nhu cầu của các trường ÐH thì họ sẽ không lấy kết quả này để làm căn cứ tuyển sinh. Chắc chắn không thể có một quy định nào buộc các trường phải dùng kết quả này”.

 Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh

Những sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay là do sự can thiệp của con người, trực tiếp là sự can thiệp của chính cán bộ công tác chấm thi. Vì vậy, ông Mai Văn Trinh khẳng định việc ứng dụng CNTT trong kỳ thi THPT quốc gia là rất quan trọng. Qua sự việc năm nay, Bộ GD&ĐT nhận thấy cần hoàn thiện hơn nữa trong việc ứng dụng CNTT, đặc biệt là hỗ trợ công tác chấm thi.  “Ví dụ, với bài thi tự luận là môn Văn thì CNTT cũng hỗ trợ tốt trong việc làm phách bài thi, chấm thi. Đối với bài thi trắc nghiệm, sẽ điều chỉnh theo hướng tăng cường tính bảo mật, mã hoá dữ liệu chấm thi” - ông Mai Văn Trinh nói.  Về tổ chức thi, theo ông Mai Văn Trinh, ngoài việc giao quyền tự chủ cho các địa phương, Bộ sẽ có các giải pháp về mặt quản lý, giải pháp về mặt kỹ thuật để làm sao quyền của địa phương được xác định rõ và được thực hiện một cách nghiêm túc trong khuôn khổ của quy định, quy chế và sự giám sát và tất nhiên có sự vận dụng của CNTT, đồng thời có sự giám sát của các thanh tra.

Không phải là kỳ thi 1 + 1= 2

Những năm vừa qua, các trường ĐH đều dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh. Chính vì vậy, nên kỳ thi được mặc nhiên công nhận là  1 kỳ thi 2 mục đích. Cũng vì đó việc ra đề đã trở thành áp lực đối với Bộ GD&ĐT, dẫn đến chuyện năm mưa điểm 10 (2017), năm “bói” không ra điểm 10 (2018). Trả lời về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh khẳng định bản chất của kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức trên cơ sở Luật GD và Luật GD ĐH, đặc biệt là sự hướng dẫn của Nghị quyết 29 và 44 của Chính phủ.  Theo đó, chúng ta đổi mới phương thức theo hướng giảm áp lực, giảm tốn kém, có độ tin cậy cao và tiến tới tổ chức kỳ thi chung. Như vậy, kết thúc 12 năm học ở bậc phổ thông, chúng ta tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nhằm đo lường, đánh giá được kết quả học tập ở mức độ phổ thông của học sinh. Đó là mục đích của kỳ thi THPT quốc gia. Cũng chính vì thế, trong thiết kế của đề thi THPT quốc gia phần lớn các câu hỏi nằm ở học vấn phổ thông chiếm 60-70%.

Đối với các trường ĐH, kết quả thi THPT quốc gia chỉ là một trong các căn cứ được sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ được quy định trong Luật GD ĐH.  Do đó, mức độ sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia phụ thuộc vào nhu cầu của từng trường. “Tôi tin rằng, nếu kết quả kỳ thi THPT quốc gia không đáp ứng nhu cầu của các trường ĐH thì họ sẽ không lấy kết quả này để làm căn cứ tuyển sinh. Chắc chắn không thể có một quy định nào buộc các trường phải dùng kết quả này” - ông Trinh chia sẻ. 

Cũng theo ông Mai Văn Trinh, nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT là tổ chức kỳ thi THPT quốc gia chuẩn chỉnh, kết quả tin cậy, đánh giá đúng năng lực của học sinh để đạt mục tiêu đề ra. Quan trọng hơn, kết quả kỳ thi THPT quốc gia để phân tích đánh giá, điều chỉnh quá trình dạy học trong các nhà trường phổ thông, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học. 

Năm 2019, kỳ thi này tiếp tục tổ chức ở địa phương. Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường vai trò của các trường ĐH trong các khâu, kể cả khâu coi thi. Trong đó, có thể các trường ĐH sẽ không tham gia coi thi trên địa bàn trường đóng. Trước ý kiến đề xuất, đề thi nên chia thành 2 phần riêng biệt là tốt nghiệp và xét tuyển sinh ĐH, ông Mai Văn Trinh cho rằng:  Nếu tổ chức 2 đề thi như vậy sẽ nảy sinh 2 vấn đề bất cập. Thứ nhất, không phản ánh đầy đủ bản chất của kỳ thi THPT quốc gia, vì kỳ thi này không thể là 1 +1 = 2. Thứ hai, sẽ gây khó khăn trong việc tổ chức kỳ thi. Đó còn chưa kể đến chuyện đề thi thiết kế như thế sẽ dẫn đến tình trạng thí sinh sử dụng thời gian của phần này để làm phần khác tạo ra sự không công bằng, gây phức tạp.

MỚI - NÓNG