Chính vì thế, những người lao động trí óc cần có chế độ ăn đặc biệt để duy trì tốt hoạt động của hệ thần kinh, của não bộ.
Nguyên tắc chính của dinh dưỡng đối với lao động trí óc là duy trì năng lượng của khẩu phần bằng với năng lượng tiêu hao, hạn chế glucid và lipid, không nên cung cấp dư thừa năng lượng vì dễ dẫn đến tích mỡ trong cơ thể. Đối với người trưởng thành, trung bình cần khoảng 2.200-2.400 kcal/ngày (trong đó lượng protid chiếm 15-17% , lipid: 20% , glucid: 60-65%) và nên phân bố như sau: sáng 12-25%, trưa 25-30%, chiều 25-30% và tối 10-15%.
Qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học đã kết luận, 4 nhóm dưỡng chất sau đây rất cần thiết cho hoạt động của não:
Ðường glucose
Đây là nguồn năng lượng chính cho hoạt động của não (não tiêu thụ 40% lượng glucose của cơ thể). Thiếu glucose não sẽ hoạt động không tốt, nhưng nếu thừa glucose lại không có lợi, vì thế chúng ta nên chọn thực phẩm có lượng đường ở mức thấp hoặc trung bình như khoai, ngũ cốc nguyên cám, gạo lức, các loại đậu, rau và trái cây thích hợp với những người lao động trí óc hơn cả. Nên hạn chế sử dụng đường mía tẩy trắng, đường sữa (lactose).
Chất béo
Tổ chức não được cấu tạo bởi 60% chất béo. Các chất béo thiết yếu như omega-3 (có trong bí ngô, hạt, dầu cải), EPA và DHA (có trong cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi, cá trổng, tảo, rong biển, trứng), omega-6 (có trong ngô, hạt hướng dương, vừng), AA (có trong thịt, sữa, trứng, mực)… là nguyên liệu không thể thiếu trong cấu tạo các tế bào thần kinh, vì vậy, để giúp cho não hoạt động tốt, nên có ít nhất 3 bữa cá biển trong tuần hoặc thay thế bằng các loại đậu hoặc các hạt cá nhiều dầu.
Acid amin
Là nguồn nguyên liệu tổng hợp ARN, ADN và protein. Protein chiếm khoảng 35% khối lượng của các tế bào thần kinh, là chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện chức năng tư duy, lưu trữ và tái hiện thông tin của não. Các acid amin cần thiết cho hoạt động của não là tryptophan, lysin, methonin, phenylalanin, taurin. Các thực phẩm như đậu nành, ngô, hạt hướng dương, hạt điều, các loại đậu, nấm, gạo lức, bí ngô, cá ngừ, cá hồi, cá mòi, gà, trứng, sữa chua, bơ động vật, thịt… rất giàu đạm và các acid amin.
Vitamin và khoáng chất
Vitamin nhóm B có vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động của hệ thần kinh qua cơ chế thúc đẩy quá trình chuyển hóa năng lượng và các chất dinh dưỡng, vì thế chúng ta cần bổ sung nhóm vitamin này khi hoạt động trí óc. Thực phẩm giàu vitamin B là ngũ cốc nguyên hạt, sữa, trứng, súp lơ xanh, nấm, thịt, thịt gà, đậu, cà rốt, sữa bò, gan… Các khoáng chất là thành phần cấu tạo cơ thể, tham gia vào các phản ứng sinh học, giữ cân bằng nước và điện giải, đặc biệt là truyền các xung động thần kinh. Thực phẩm giàu khoáng chất là hàu, thịt bò, thịt cóc, cá, trứng, củ cải, ổi, rong biển, cá biển, rau xanh…
Người ta cũng chia các chất dinh dưỡng có ích cho não thành 5 nhóm. Nhóm 1 là các chất dinh dưỡng giúp thông minh gồm: vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C, acid folic, biotin, kẽm, mangan, iod, canxi, sắt, đồng, selen. Nhóm 2 là các chất chống mệt mỏi làm giảm stress gồm: canxi, mangan, kẽm, vitamin nhóm B, vitamin C và coenzym Q10. Nhóm 3: chống trầm cảm phục hồi màng tế bào não gồm: DHA, acid arachidonic. Nhóm 4: thực phẩm làm tăng trí nhớ gồm: choline, boron, selen, lycopene… Nhóm 5 gồm các chất chống ôxy hóa, ngăn chặn quá trình lão hóa tế bào: vitamin E, C, betacaroten, selen, kẽm, lycopene, coenzym Q10, lipoic acid, anthocyanidin.
BS. Cẩm Nga
www.suckhoedoisong.vn