Lao đao vì giá hàng hóa leo thang

0:00 / 0:00
0:00
Giá cả nhiều mặt hàng tại TPHCM “leo thang” sau giãn cách ảnh: U.P
Giá cả nhiều mặt hàng tại TPHCM “leo thang” sau giãn cách ảnh: U.P
TP - Dù các doanh nghiệp (DN), cơ sở kinh doanh đã tìm mọi cách giữ giá, nhưng đến giờ hầu như tất cả các mặt hàng tại thị trường TPHCM đều tăng giá và xác lập mặt bằng giá mới.

Chóng mặt với giá

Chị Thu Hương (quận Phú Nhuận) đã “choáng” khi đi mua thức ăn sáng ở khu vực gần nhà. “Giờ chỉ có ổ bánh mì thịt bình dân là có giá 20.000 đồng, tăng 5.000 đồng, còn lại đều tăng giá gấp đôi. Tiệm bún bò vỉa hè nhưng giá tới 45.000 đồng/tô (trước dịch đã tăng 5.000 đồng, sau dịch vọt thêm 10.000 đồng). Giờ tôi không dám ra ngoài mua hàng nữa”, chị Hương lắc đầu.

Cách đây 2 tuần, chị Châu (quận Bình Thạnh) mua 1 kg mắm ruốc về bán quán ăn chỉ có giá 60.000 đồng, nay mối quen ở chợ Bà Chiểu đã báo giá 70.000 đồng. “Giá nhảy nhanh đến bất ngờ. Không chỉ riêng mắm ruốc mà giờ món gì cũng tăng, từ đường, dầu ăn, mắm muối… Tiểu thương cho biết mối cung cấp tăng nên họ phải tăng theo, mình cần thì phải mua chứ không còn cách nào khác”, chị Châu cho hay.

Bà Tâm, thương nhân chợ đầu mối Thủ Đức thừa nhận, hiện một số loại rau gia vị, rau nêm như hành lá, rau thơm, ngò gai... tăng giá cao, nhập chợ đầu mối đã lên mức 50.000-60.000 đồng/kg. Giá các mặt hàng rau củ, quả ở Đà Lạt cao ngất ngưởng và khan hàng, cụ thể bông cải đứt hàng. Một số mặt hàng nhập từ Trung Quốc cũng tăng hơn trước. “Lo ngại dịch trở lại, nhiều nhà vườn không dám xuống giống; giá phân bón, xăng dầu, chi phí vận chuyển… tăng cao khiến nhà vườn càng khó khăn hơn. Nguồn cung không đủ cầu đã góp phần đẩy giá hàng hóa leo thang”, bà Tâm nhìn nhận.

Giá cả nguyên vật liệu tăng đã khiến các hàng quán vừa mở cửa kinh doanh trở lại thêm lao đao. Ông Nguyễn Hoàng, chủ hệ thống buffet “123K Nướng ngon” mới đây đã phải báo tăng giá thêm 10.000 đồng phiếu ăn trọn gói. Theo ông Hoàng, vừa mở lại, khách chưa bao nhiêu nhưng hàng loạt mối cung cấp nguyên liệu, thực phẩm đã báo giá tăng. Trong đó, cao nhất là rau củ quả, dầu ăn… đều tăng giá 30-100%. Nguyên liệu bột cũng tăng giá hơn 50%, đơn một bịch bột 400gr, tôi mua sỉ chỉ 13.000 đồng/gói, nay đã tăng 18.000-19.000 đồng/gói. Thủy hải sản cũng báo giá nhích từng ngày… “Chúng tôi đã “gồng” hết sức trước khi quyết định tăng giá nhưng không còn cách nào khác. Bởi nếu không tăng, quán sẽ phá sản vì không trụ nổi”, ông Nguyễn Hoàng nói.

Tiến thoái lưỡng nan

“Mặt hàng nào cũng tăng giá, trong đó dầu ăn là phụ liệu tăng cao nhất, khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2020 và dự kiến còn tăng cao hơn nữa”, bà Đặng Thị Phương Ninh - Giám đốc Cty Phát triển kinh tế Duyên Hải - Cofidec nói. Theo bà Ninh, từ đầu năm nay, giá các loại nguyên phụ liệu đã tăng nhưng gần đây giá bắt đầu tăng vọt khiến DN gặp nhiều khó khăn về chi phí. Cty đang tiếp tục tuyển dụng thêm công nhân để kịp đơn hàng cuối năm.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), giai đoạn này DN đều phải điều chỉnh giá nhưng rất khó vì thông thường phía DN và khách hàng đều có hợp đồng niêm yết giá từ trước. “Đơn hàng vẫn rất lớn nhưng điều lo ngại lớn nhất của các đơn vị là chi phí sản xuất tăng quá cao. Thậm chí các đơn hàng mới, nhiều nhà máy cũng rất cẩn thận về chi phí” - ông Phương nhìn nhận.

Đại diện MM Mega Market cho biết, vừa qua đơn vị có nhận được thông báo từ nhà cung cấp về việc tăng giá cho các ngành hàng hóa mỹ phẩm như bột giặt, dầu gội, dầu xả với nguyên nhân chính là chi phí vận chuyển tăng và nguyên vật liệu tăng. “Đối với MM, chúng tôi luôn đưa ra những giải pháp để đồng hành, hỗ trợ người tiêu dùng yên tâm mua sắm cũng như kích cầu nền kinh tế trong nước giai đoạn sau đại dịch” - vị đại diện cho biết.

Đại diện các hệ thống siêu thị Saigon Co.op, Lotte Mart cũng cho biết, đã nhận thông báo tăng giá của nhiều nhà cung cấp, tập trung ở nhóm hàng mỹ phẩm, gia dụng, thực phẩm khô, thực phẩm đóng gói, với mức tăng giá từ 5-15%. Đại diện Lotte Mart cho biết thêm, một số sản phẩm đang bị đứt hàng, nhà cung cấp không đủ hàng cung ứng và siêu thị cũng không có sản phẩm từ nhà cung cấp khác nên khi họ đề nghị tăng giá với lý do hợp lý, siêu thị phải chấp nhận và đàm phán để tăng ưu đãi, khuyến mãi bù cho khách.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho biết, những tháng cao điểm dịch COVID-19 tại TPHCM, các DN trong ngành đều nỗ lực cung ứng đầy đủ hàng hóa, nhưng giá bán vẫn giữ nguyên dù chịu nhiều sức ép do chi phí đầu vào tăng mạnh. Trong đó, giá nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất tăng hơn 20%. Song với nguồn hàng dự trữ từ trước các DN vẫn có thể gồng gánh được. Đến nay nguồn nguyên liệu dự trữ hết, DN lại bước vào giai đoạn sản xuất cho mùa cuối năm nên phải nhập nguyên liệu. Nhưng giá nguyên phụ liệu chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Đơn cử, bột mì nhập khẩu tăng khoảng 20%, các hương liệu khác cũng tăng giá. Chưa kể giá xăng liên tục tăng sẽ đẩy giá vận chuyển cũng như nhiều chi phí khác sẽ tăng theo. Trước đà tăng giá mạnh như vậy các DN trong ngành khó gồng gánh tiếp được. Có thể giá các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu sẽ tăng khoảng 10%. “Hiện các DN bình ổn đều có hướng đề nghị tăng giá, cho nên mức độ tăng bao nhiêu tùy thị trường để đề xuất, nhưng chắc chắn rằng không thể giữ được mặt bằng giá cũ”, bà Chi cho hay.

Chiều ngày 18/11, trả lời báo Tiền Phong về nhiều mặt hàng tăng giá, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó giám đốc Sở Công Thương thành phố cho biết, hiện các mặt hàng lương thực thực phẩm, hàng tươi sống tại siêu thị ổn định nhưng cũng có nhiều mặt hàng tăng giá. Ngoài nguyên nhân ảnh hưởng biến động giá trên thế giới, còn có phần do chi phí phòng chống dịch của các DN, chi phí vận chuyển tăng đã đẩy giá thành nhiều mặt hàng tăng theo. “Để bình ổn giá và thực hiện các giải pháp trong các giai đoạn tới, Sở đang triển khai các chương trình khuyến mại, kết nối hàng hóa với các tỉnh thành các DN đã khôi phục sản xuất… hy vọng sẽ cung cấp nhiều hàng hóa ra thị trường giúp ổn định giá cả… Sở Công Thương cũng sẽ kiến nghị Bộ Công Thương sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu để kéo mặt bằng giá trở lại trong điều kiện “bình thường mới”- bà Ngọc cho biết.

Tại một số chợ dân sinh trên địa bàn thành phố trong ngày 18/11, giá thịt heo dao động từ 90.000-180.000 đồng/kg. Các cửa hàng tiện lợi, thịt sạch từ 95.000-260.000 đồng/kg. Trong đó, các loại thịt đùi, vai, xay, cốt lết đồng giá 115.000 đồng/kg, sườn non 260.000 đồng/kg, ba rọi 180.000 đồng/kg, sườn già 160.000 đồng/kg... Tại một siêu thị tiện lợi trên đường Hai Bà Trưng (quận 1), các loại rau đều có giá cao như súp lơ 66.000 đồng/kg, hành lá 84.600 đồng/kg, đậu cô-ve 42.000 đồng/kg, nấm rơm 160.000 đồng/kg… Tại hệ thống Bách hóa Xanh, trước thường có chương trình giảm giá 50% các loại rau xanh nhưng từ đầu tháng 11 tới nay, hầu như không còn nữa.

Hàng về chợ đầu mối ở mức thấp

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Công ty Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, số lượng thương nhân trở lại chợ buôn bán đã đạt khoảng 80%, nhưng lượng hàng hóa nhập chợ vẫn ở mức thấp, dao động 1.500-1.600 tấn/đêm, tương ứng khoảng 60% so với những ngày bình thường. Trong khi đó, đại diện Cty Quản lý chợ đầu mối Bình Điền cho biết, sau nửa tháng mở cửa bán hàng trở lại trong trạng thái “bình thường mới” với công suất 30% số sạp, nhưng đến nay chỉ đạt khoảng 15%. Mỗi ngày hàng hóa nhập chợ mới đạt khoảng 300 tấn, trong khi ngày bình thường đạt trên 2.000 tấn.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.