SGK gây khó khăn ban đầu cho giáo viên lớp 1
Theo Bộ GD&ĐT, năm học 2020 -2021 toàn quốc có 14.786 cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình GDPT cấp tiểu học với 16.323 điểm trường. Các địa phương đã sắp xếp lại mạng lưới, quy mô trường, lớp để mở rộng số lượng lớp học và bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố và giảm số phòng học tạm. Trung bình toàn quốc tỷ lệ phòng học/lớp là 0.98 ; trong đó phòng học kiên cố đạt 79.5%; phòng học bán kiên cố đạt 18.5%; phòng học tạm, mượn chiếm 2%.
Năm nay, toàn quốc tăng 152.301 học sinh so với năm học trước nhưng các địa phương đã đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên để thực hiện tổ chức dạy học đúng quy định của chương trình, đảm bảo số lượng học sinh/lớp. Vẫn còn các địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp cao như: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai… và một số thành phố, trung tâm của các tỉnh.
Ngay từ đầu năm học, Bộ GD&ĐT đã tiến hành các đoàn kiểm tra, khảo sát, nắm tình hình triển khai chương trình ở một số địa phương, qua đó cho thấy, các nhà trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình lớp 1 phù hợp. Bộ cũng nhận được một số ý kiến về việc chương trình, SGK môn Tiếng Việt lớp 1 còn gặp khó khăn trong quá trình tổ chức dạy và học, đặc biệt các nội dung liên quan đến sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1, có một số nội dung chưa phù hợp và đã có chỉ đạo điều chỉnh, phủ hợp.
Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận ngành đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt một số nội dung liên quan SGK môn Tiếng Việt lớp 1 chưa phù hợp, giáo viên gặp khó khăn ban đầu trong quá trình tổ chức dạy và học. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời. Chất lượng giáo dục vẫn còn khoảng cách giữa các vùng thuận lợi và vùng khó khăn. Một số đơn vị có tỷ lệ học sinh được học ngoại ngữ (Tiếng Anh) và Tin học còn thấp do thiếu GV (nếu có, đa số chỉ là GV hợp đồng). Số học sinh trên lớp ở một số nơi sĩ số cao ảnh hưởng chất lượng dạy học.
Chuẩn bị thực hiện SGK mới lớp 2, lớp 6
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá, năm học 2020- cả nước triển khai đại trà chương trình GDPT 2018, bắt đầu với lớp 1.
Trước đó, Bộ có một buổi họp với tất cả các Sở GD&ĐT, đặt mục tiêu là cả nước sẽ dành những gì tốt đẹp nhất cho học sinh lớp 1, giáo viên tốt nhất, điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất để thực hiện chương trình thành công. Bộ đánh giá các địa phương đều đã ưu tiên dành những giáo viên tốt nhất, có tâm huyết, có trình độ năng lực, trách nhiệm được tập huấn để tổ chức dạy lớp 1. Thứ hai là tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện kỹ thuật, ưu tiên để các em học sinh được học ở lớp 1 với sĩ số phù hợp.
Đánh giá ban đầu sau 1 học kỳ triển khai, ông Độ khẳng định đã có sự chuyển biến tích cực từ cả học sinh và giáo viên. “Học sinh đã có thể đọc trơn một cách thuận lợi, một số em còn có thể đọc văn bản thành thạo. Các học sinh đặc biệt tự tin hơn, chủ động và có nhiều ý kiến được đưa ra phản biện. Sự đổi mới phương pháp dạy học đã phát huy được tính tự chủ, sáng tạo cho các em. Báo cáo của các địa phương đã cho thấy kiểm tra định kỳ 2 môn Toán, Tiếng Việt học sinh đạt kết quả khá cao”, ông Độ nói.
Ông Độ cũng cho rằng, khi thực hiện chương trình mới đã thấy rõ sự quan tâm tới học sinh lớp 1 của các địa phương. Từ việc còn nhiều tỉnh thành phố bố trí dạy 25 tiết/tuần đến nay không còn tỉnh nào để học sinh lớp 1 học 25 tiết/tuần mà đều học 2 buổi/ngày. Chúng ta tiếp tục chèo chống để thực hiện với lớp 2 và tiếp tục triển khai đối với lớp 3, 4 để học 2 buổi/ngày.
Thứ trưởng cũng đề nghị, một số tỉnh còn bố trí học sinh học ở điểm lẻ, cần quan tâm để hạn chế lớp ghép tiểu học, dành những gì tốt nhất cho học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1. Sĩ số trung bình học sinh/ lớp cả nước có 31,5 học sinh tiểu học/lớp nhưng một số địa phương như các TP lớn, tập trung khu công nghiệp, thì số lượng học sinh/lớp đông hơn, khiến chất lượng ảnh hưởng. Điều này rất cần các địa phương tiếp tục khắc phục trong thời gian tới.
Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm thực hiện chương trình mới năm tiếp theo từ lớp 2, lớp 6. Các địa phương phải tập huấn kỹ SGK và chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho giáo viên lớp 2. kế hoạch của SGK lớp 2 trước ngày 15/3 phải giới thiệu sách xong, trước 31/7 phải tập huấn xong để phát hành. Hai mốc thời gian này đề nghị các Sở, NXB phối hợp thực hiện tốt. Bộ sẽ có kế hoạch kiểm tra, giám sát, chỉ đạo phù hợp.
Bộ GD&ĐT cho biết, thẩm quyền quyết định lựa chọn SGK năm tới sẽ thuộc về UBND tỉnh, thay vì Thông tư 01 có thẩm quyền lựa chọn là các nhà trường. Địa phương nào có nhu cầu lựa chọn lại SGK lớp 1 thì gửi đề nghị lên UBND tỉnh để lựa chọn lại theo quy định của Thông tư 25.