Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky trong một cuộc gặp. (Ảnh: Reuters) |
Ông Stoltenberg nói rằng Ukraine có quyền tự quyết định khi nào họ muốn đàm phán hòa bình với Nga. Phát biểu được đưa ra sau khi trợ lý của ông nói rằng Ukraine có thể phải chấp nhận nhượng đất cho Nga để gia nhập NATO.
“Chỉ Ukraine có thể quyết định khi nào đủ điều kiện tiên quyết để ngồi vào bàn đàm phán. Và chỉ họ có thể quyết định trên bàn đàm phán rằng đâu là một giải pháp chấp nhận được. Nhiệm vụ của chúng tôi là hỗ trợ họ”, ông Stoltenberg nói.
Đây là nỗ lực lần thứ ba trong vòng ba ngày để xoa dịu cơn giận của Ukraine vì phát biểu của chánh văn phòng tổng thư ký NATO Stian Jenssen. Liên minh này đã ra tuyên bố khẳng định chính sách ủng hộ Ukraine không thay đổi. Ông Jenssen cũng đã xin lỗi và thừa nhận phạm sai lầm.
Ukraine và Nga không thể hiện dấu hiệu nào cho thấy họ sẵn sàng đàm phán sau 18 tháng giao tranh. Kiev vẫn tiếp tục cố gắng phản công, còn Mátxcơva tập trung giữ những gì họ đang kiểm soát.
Tuy nhiên, tiến triển chậm chạp của chiến dịch phản công đặt ra câu hỏi rằng cuộc xung đột này sẽ kéo dài bao lâu, liệu cuối cùng có thể tìm thấy một giải pháp ngoại giao hay không.
Ngày 17/8, cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak chỉ trích ý tưởng nhượng đất.
“Crimea và Donbas là những vùng đất không thể tách rời của Ukraine, vì thế cách duy nhất để chấm dứt chiến tranh là quay lại với luật quốc tế về lãnh thổ”, ông nói.
Ông Podolyak trước đó chỉ trích phát biểu của ông Jenssen là “lố bịch”, đồng thời chỉ trích phát biểu của cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Le Figaro gần đây, ông Sarkozy cho rằng cần “ngoại giao, bàn bạc và đối thoại” để chấm dứt chiến sự.
Ông Sarkozy cho rằng có nguy cơ sẽ leo thang quân sự nếu giao tranh tiếp diễn. “Nếu không thỏa hiệp, sẽ không đạt được bất kỳ điều gì và chúng ta đối mặt với nguy cơ tình hình sẽ suy thoái bất kỳ lúc nào. Thùng thuốc súng này có thể gây ra những hậu quả đáng sợ”, ông Sarkozy nói.
Các thành viên NATO gạt bỏ những lo ngại về nguy cơ leo thang và tiếp tục tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine, bao gồm pháo, tên lửa tầm xa và xe tăng hiện đại.