Lãnh đạo Bộ GD&ĐT sẽ về thăm em Trâm

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT sẽ về thăm em Trâm
TPO - “Giáo dục là biến đứa trẻ hư hỏng trở thành tốt, chứ làm đứa trẻ bình thường thành tật nguyền là điều vô cùng đau xót… Nhà giáo chân chính sẽ không tha thứ cho hành vi như vậy. Tôi sẽ về Đồng Tháp để giúp đỡ em Trâm”, Thứ trưởng GD&ĐT Đặng Huỳnh Mai nói.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT sẽ về thăm em Trâm ảnh 1
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Đặng Huỳnh Mai: "Tôi sẽ vào Đồng Tháp thăm em Trâm".

Bên lề hội thảo về điều lệ trường tiểu học do Bộ GD&ĐT tổ chức cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Đặng Huỳnh Mai đã có cuộc trao đổi nhanh với báo chí xung quanh những vụ giáo viên có hành động bạo lực với học sinh.

Riêng với trường hợp của em Trâm, Thứ trưởng Mai cho biết, thứ Hai(16/4), bà sẽ vào Đồng Tháp để thăm hỏi em Trâm.

Văn hóa ứng xử kém

Thưa thứ trưởng, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã có những động thái gì sau khi báo chí đưa tin về trường hợp em Huỳnh Thị Ngọc Trâm, học sinh lớp 5/1, Trường Tiểu học An Hiệp 2 (Châu Thành - Đồng Tháp), bị hiệu trưởng yêu cầu đưa đến công an xã “hỏi cung” vì nghi em lấy cắp 47.8000 đồng?

Tôi rất buồn khi biết được việc này. Ngay khi được thông báo bởi các phương tiện thông tin đại chúng, tôi đã giao ngay cho Vụ tiểu học (Bộ GD&ĐT) điện cho lãnh đạo Sở GD&ĐT Đồng Tháp. Sau đó, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh này đã xuống thăm và hỗ trợ cho gia đình em Trâm 5 triệu đồng.

Thật ra về phía ngành thì rất cố gắng…Tuy nhiên, đôi khi cuộc sống lại xảy ra những điều không ai muốn. Như trường hợp này, ứng xử của thầy giáo là chưa tốt.

Làm về giáo dục khuyết tật, tôi rất chú ý tạo điều kiện cho các em được hoà nhập, phát triển. Ví dụ như đợt tôi lên Phú Thọ công tác, gặp những em bị thiểu năng trí tuệ, thì phải tặng quà riêng, tìm người giúp đỡ về tâm lý. Một sinh mạng cũng là một con người. Cho nên, nhà giáo dục chân chính chắc chắn sẽ không tha thứ cho những hành vi như vậy.

Theo bà, vì sao hiệu trưởng trường Tiểu học An Hiệp 2 lại có hành động phi giáo dục như thế?

Theo tôi, trong tình huống đó, mục tiêu ban đầu thì không ai muốn hại đưa trẻ, nhưng do xử lý tình huống. Tôi nghĩ, cái tâm của thầy hiệu trưởng không có vấn đề gì, vì cả cuộc đời làm thầy giáo, ông sẽ không mang ra bán rẻ như vậy. Không ai bán rẻ cả cuộc đời mình chỉ vì một việc như thế để rồi bị mất việc. Ông công an cũng vậy. Rõ ràng, đó là là sự yếu kém của văn hoá ứng xử, cũng như yếu kém trong quản lý.

Đáng ra, trong tình huống đó, có thể tham khảo ý kiến nhiều người, tham khảo ý kiến của phụ huynh học sinh để cùng giải quyết. Người làm giáo dục là phải biến đứa trẻ hư hỏng trở thành tốt, chứ bây giờ lại làm một đứa trẻ bình thường bị tật nguyền là điều vô cùng đau xót.

Không chỉ riêng trường hợp của em Trâm, vừa qua, một số thầy, cô giáo cũng có những hành vi bạo lực với học sinh ngay trong trường học, vậy Bộ GD&ĐT sẽ có biện pháp gì để ngăn chặn hiện tượng trên, thưa Thứ trưởng?

Bây giờ, giáo viên ứng xử tốt và có kỹ năng sư phạm hơn ngày xưa rất nhiều. Học sinh ngày này cũng thế, có điều kiện hơn, phát triển hơn, năng động hơn.

Thời tôi đi học, cũng có trường hợp thầy giáo ném thước lim làm toạc cả đầu học sinh nhưng đâu có có dám nói. Hỏi thầy cô có thương học trò không? Có thương chứ.

Về phía Bộ GD&ĐT, sắp tới Bộ sẽ ra chuẩn về giáo viên và phát động phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Riêng đối với trường hợp của em Trâm, tôi phải vào Đồng Tháp để xem như thế nào. Thật ra, khi sai người ta ân hận lắm. Tuy nhiên, mình cần góp tiếng nói với đội ngũ nhà trường, với hiệu trưởng để thấy được cái sai và điều quan trọng số 1 là tìm cách cứu đứa trẻ.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Xuân Mai ghi

MỚI - NÓNG
Cúng chay hay cúng mặn ngày Tết: Chuyên gia lên tiếng
Cúng chay hay cúng mặn ngày Tết: Chuyên gia lên tiếng
TPO - Vài năm lại đây, Dịp Tết Nguyên đán, nhiều gia đình Việt đã chọn cỗ chay thay vì mâm cỗ mặn truyền thống, nhằm hạn chế tình trạng dư thừa dinh dưỡng, thanh lọc cơ thể đồng thời tránh lãng phí thực phẩm. Tuy nhiên, cũng có nhiều người băn khoăn liệu cúng chay có trái với văn hoá tâm linh người Việt và làm giảm đi sự thành tâm của con cháu đối với ông bà, gia tiên?