Làng Việt kiều ở thượng nguồn sông Hiếu

Bản Việt Hương
Bản Việt Hương
TP - Hàng chục gia đình người Việt sinh sống, làm ăn rải rác trên đất nước Thái Lan nhiều năm qua đã hồi hương. Họ trở về và cùng đến mảnh đất Châu Hội (huyện Qùy Châu, Nghệ An) lập nên làng, nên bản bên dòng sông Hiếu.

> Làng Việt kiều Lào

Nằm vắt hai bên QL48, bản Việt Hương hay còn gọi là bản Việt kiều ngoảnh ra dòng sông Hiếu. Ở bản Việt Hương, đa số là bà con Việt kiều trở về từ Thái Lan. Chủ yếu là người gốc Quảng Bình.

Ông Lương Xuân Thìn (73 tuổi) kể, ông quê ở xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Năm 1945, để tránh nạn đói khủng khiếp, bố mẹ ông đã cùng một số gia đình chạy sang Lào sinh sống.

Sang đến Lào chưa được bao lâu bố mẹ ông Thìn cùng bà con lại di tản vào bản Thác Đẹt và bản Tùm thuộc tỉnh Mục Đa Hán, Thái Lan. Gia đình ông Thìn cũng như bà con người Việt qua đây dần tạm ổn cuộc sống.

Dần dần bà con người Việt kéo nhau qua Thái Lan ngày một đông hơn, sinh sống rải rác dọc bờ sông Mê Kông. Một số bản làng mở lớp dạy tiếng Việt cho đồng bào ta sinh sống bên đó.

Rồi từng làng, từng xóm cộng đồng người Việt cũng hình thành. Nhưng chẳng bao lâu, nhà cầm quyền Thái Lan siết chặt việc người Việt nhập cư.

Trước tình hình đó, nhà nước đã kêu gọi bà con Việt kiều sớm trở về quê hương. Hưởng ứng, bà con Việt kiều Thái Lan lần lượt trở về.

Trong năm 1964, gần 50 hộ Việt kiều trong đó có gia đình ông Thìn được về bên bờ sông Hiếu tỉnh Nghệ An sinh cơ lập nghiệp. Những ngày đầu đặt chân đến Quỳ Châu bao khó khăn bắt đầu trùm lên họ.

Tất cả các hộ gia đình này đều được mượn đất rừng để sản xuất, vậy nhưng thói quen trồng lúa nước từ những ngày ở Thái Lan không phù hợp với canh tác trên núi đồi khô cằn sỏi đá.

Một số cụ cao niên trong bản Việt Hương cho biết, mặc dù về đây đã lâu nhưng bà con vẫn lưu giữ đôi nét văn hóa Thái Lan. Điều đáng nói là văn hóa Thái Lan cũng rất gần gũi với văn hóa đồng bào Thái của Việt Nam nơi đây.

Từ tiếng nói đến phong tục, tập quán, nhà cửa, sinh hoạt… Vì thế, dù là người Kinh nhưng làng Việt kiều rất dễ hòa hợp với cuộc sống của đồng bào Thái được mệnh danh là Thái cổ ở núi rừng Quỳ Châu, Nghệ An.

Hằng năm, cứ đến dịp cưới hỏi hay lễ hội, bà con bản Việt Hương lại tổ chức nhảy múa lăm vông đúng điệu lăm vông của người Thái Lan.

Ông Nguyễn Đình Lời, trưởng bản Việt Hương cho biết, tuy Việt Hương đã được công nhận “làng văn hóa”, nhưng cuộc sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn.

Rừng không còn, đất sản xuất hạn chế. Vì thế, bản làng Việt kiều chỉ còn lại người già và trẻ con. Thanh niên trong bản ăn Tết chưa xong đã rủ nhau vào Nam, sang Lào, sang Thái Lan… để kiếm sống.

Ông Nguyễn Đình Hiếu, một thành viên bản Việt kiều nói, vì cuộc sống quá khó khăn nên 5 người con của ông sau Tết đã qua Thái Lan kiếm sống.

Thu nhập không cao, nhưng so với cuộc sống của những gia đình ở lại vùng đất Châu Hội thì khá hơn nhiều.

Con em của bản không mấy ai được học hành hành tử tế, hầu hết chưa xong phổ thông đã phải bỏ học đi lao động khắp nơi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.