Đỉnh điểm là trưa 13/7, hàng trăm người dân dựng vật cản, dàn hàng đứng trước cổng Nhà máy xi măng Hồng Phong nhằm không cho xe ô tô chở sản phẩm đi tiêu thụ. Lực lượng chức năng địa phương phải vào cuộc, giải tỏa dẫn đến xô xát làm một số người dân bị thương. Công an đã tạm giữ 6 người thôn An Tri (trong đó có 5 nam, 1 nữ) để điều tra, xử lý.
Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân thôn An Tri luôn phải sống trong cảnh bị “tra tấn” bởi tiếng ồn, khói bụi, ô nhiễm từ Nhà máy xi măng Hồng Phong gây ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Ông Phan Trung Thủy, nguyên Trưởng thôn An Tri cho biết: Nhà máy này đã cho nổ mìn, bắn đất đá vào nhà dân khiến hàng chục hộ bị ảnh hưởng, nứt tường nhà. Cây cối chết dần chết mòn. Nhà ông Thủy có trên 100 cây hồng mà chết hết vì ô nhiễm khói bụi. Nhiều hộ dân trong thôn không dùng được nước giếng. “Từ khi nhà máy xi măng đi vào hoạt động, tiếng máy móc gầm rú liên tục suốt ngày đêm khiến chúng tôi nhức đầu, mất ngủ triền miên”, ông Thủy nói.
Đáng lo ngại hơn, cách Nhà máy xi măng Hồng Phong không xa, Nhà máy chì của Công ty CP kim loại màu Bắc bộ ở cuối thôn An Tri cũng gây hại cho dân không kém. Do hít khí độc của nhà máy chì lâu ngày nên hầu hết người dân sống xung quanh nhà máy bị mắc các căn bệnh về đường hô hấp, phổi.
Để phản đối các hoạt động của các doanh nghiệp kể trên, người dân thường xuyên kéo từng đoàn người và biểu ngữ yêu cầu doanh nghiệp dừng hoạt động và đền bù thiệt hại; đồng thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền kiểm tra, xem xét nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Lạng Sơn vừa diễn ra cuối tuần qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Phạm Ngọc Thưởng phải đăng đàn trả lời chất vấn cho biết: “Quan điểm của tỉnh là doanh nghiệp sai đến đâu thì xử lý đến đó, nhưng thượng tôn pháp luật phải giữ vững. Sắp tới các cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra, xử lý nghiêm minh, nếu đủ căn cứ thì sẽ xem xét để khởi tố những đối tượng vi phạm pháp luật”, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh.