Làng nghề chuyên may, thêu cờ Tổ quốc tất bật trước ngày Quốc khánh 2/9
TPO - Làng nghề truyền thống Từ Vân (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) đang bước vào những ngày cao điểm sản xuất, phục vụ nhu cầu cờ Tổ quốc tăng cao dịp Quốc khánh 2/9.
VIDEO: Làng nghề may cờ Tổ quốc nhộn nhịp trước ngày Quốc khánh 2/9. Hơn 70 năm qua, người dân nơi đây đã gìn giữ và phát triển nghề thêu, may cờ thiêng liêng, góp phần tô thắm thêm niềm tự hào dân tộc.
Những ngày cuối tháng 8, khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh 2/9 cũng là lúc những người thợ may cờ của làng nghề Từ Vân (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) lại tất bật làm việc để kịp cung ứng cờ cho thị trường cả nước.
Nơi đây nổi tiếng là làng may cờ Tổ quốc lớn nhất Hà Nội, gắn liền với những sự kiện trọng đại của dân tộc.
Chia sẻ với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Phục - một trong những hộ kinh doanh lâu năm tại làng Tứ Vân cho biết, thị trường cờ năm nay đang rất sôi động, đặc biệt gần ngày 2/9. Tại cơ sở của ông, các nhân viên phải tăng ca để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. "Từ việc cắt vải theo nhiều kích thước khác nhau, đến in hình ngôi sao, thêu và may hoàn thiện... mỗi công đoạn đều được chúng tôi thực hiện tỉ mỉ, chứa đựng tâm huyết của người dân làng nghề", ông Phục nói.
"Mỗi đường kim mũi chỉ chúng tôi đặt xuống đều chứa đựng niềm tự hào và trách nhiệm, góp phần tạo nên lá cờ Tổ quốc tung bay kiêu hãnh" ông Phục nói thêm.
Tại làng Từ Vân, có nhiều gia đình đã truyền nghề may cờ Tổ quốc qua 4 thế hệ. Công việc này không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn là niềm tự hào, gắn kết họ với truyền thống làng nghề thiêng liêng.
Cô Nguyễn Thị Huấn miệt mài thêu cờ Tổ quốc. "Thêu một lá cờ bằng tay là cả một quá trình tỉ mỉ, thường kéo dài từ 2-3 ngày. Với những người mới bước vào nghề, thời gian hoàn thành có thể lên đến cả tuần lễ. Mỗi đường kim, mũi chỉ được thêu lên lá cờ đều đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối", cô Huấn nói.
Từng đường kim mũi chỉ đều đặn, chính xác, tạo nên hình ảnh ngôi sao vàng năm cánh rực rỡ trên nền vải đỏ thắm.
Theo người dân làng Từ Vân, trước đây để sản xuất ra được một lá cờ mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên hiện nay nhiều xưởng đã áp dụng máy móc tiên tiến và được lập trình bằng máy tính nên độ chính xác và năng suất cao hơn.
Đối với những lá cờ khổ lớn dùng để treo trên các đảo, việc lựa chọn chất liệu vải ngay từ đầu là vô cùng quan trọng, bởi chúng phải chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt như nắng và gió biển. Mọi công đoạn, từ chọn vải, cắt may, in ấn đến hoàn thiện đều cần được thực hiện tỉ mỉ để đảm bảo độ bền và chất lượng của lá cờ.
"Mỗi khi nhìn thấy những lá cờ Tổ quốc tung bay, trên đó có in dấu tay của mình, tôi cảm thấy vô cùng tự hào. Đó chính là niềm vui và động lực để tôi thêm yêu và gắn bó với nghề hơn", một công nhân đang làm việc tại nhà anh Phục chia sẻ.
Ngày nay, thanh niên trong làng rất ít người theo nghề bởi sự vất vả. Với mong muốn truyền nghề lại cho thế hệ đi sau, nhiều gia đình đã dạy con làm quen với nghề từ khi còn nhỏ, ý thức được đây là nghề cha ông truyền lại, cũng là niềm tự hào của dân làng Từ Vân.
Chiếc khuôn in lá cờ không chỉ là công cụ sản xuất, mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.
Mỗi ngày, xưởng có thể sản xuất ra hàng nghìn lá cờ. Vào những dịp cao điểm như ngày Quốc khánh 2/9, số lượng sản xuất còn có thể tăng lên nhiều hơn, đòi hỏi nhân lực phải làm việc liên tục cả ngày.
Những lá cờ đã được hoàn thành.
Những thành phẩm được các công nhân ở đây xếp gọn gàng để chuẩn bị đưa ra thị trường phục vụ dịp Lễ Quốc khánh 2/9.