8 giờ sáng, anh Triệu Nguyên Định (xã Xuân Lập) cùng vợ bắt đầu xuống rẫy bắt đầu một ngày làm việc. Ngoài những công cụ làm rẫy, trên chiếc gùi của vợ Định có thêm một chiếc máy quay hiệu Sony và một chân máy. Công việc làm rẫy, bẻ ngô, chặt chuối, cho lợn gà ăn vẫn diễn ra và tất cả đều được ghi lại qua máy quay. 4 giờ chiều, 2 vợ chồng dọn dẹp đồ nghề trở về nhà. Cơm nước xong, vợ chồng anh Định cùng nhau chuyển video vào máy tính dựng và đăng tải Youtube. Công việc chọn lọc ảnh có thể kéo dài đến nửa đêm.
Vợ chồng anh Triệu Nguyên Định chia sẻ việc đổi đời nhờ làm Youtube |
2 năm gần đây, những video Youtube giúp vợ chồng Định cùng nhiều thanh niên trong xã Xuân Lập giàu lên trông thấy. Kênh Simple Life DH của vợ chồng anh Định đến nay mỗi video có trung bình 700.000 lượt xem, đã có hơn 70.000 lượt đăng ký kênh và con số này tăng lên mỗi ngày.
Ông Giàng Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lập, cho biết, với các Youtuber trên địa bàn, xã đã yêu cầu tất cả họp, ký cam kết không làm những video trái pháp luật, trái thuần phong mỹ tục. Sau đó sẽ có những biện pháp quản lý mềm mỏng để đảm bảo nội dung các kênh Youtube sạch, không ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.
Anh Định cho biết, năm 2017, như mọi thanh niên khác ở làng, anh làm công nhân tại nhà máy ở Bắc Ninh, lương thời điểm đó hơn 6 triệu đồng, trừ chi phí sinh hoạt, cóp nhặt hết sức gửi về cho gia đình được 2 triệu đồng.
"Năm 2019, nghe người ta nói có thể kiếm tiền từ Youtube, nên mình bỏ việc về quê, vay từng đồng để đầu tư máy quay, máy tính để tập làm. Tiếng Anh không biết nhưng kênh làm bằng tiếng Anh, dựng phim không biết tự mày mò trên mạng. Thời gian đầu vất vả lắm", anh Định chia sẻ.
Hai vợ chồng chỉ học hết cấp 2, ban đầu chỉ mong muốn có thu nhập cao hơn đi làm công nhân. Đến nay đã là một hộ khá giả ở địa phương, không chỉ sửa nhà mà đã mua được ô tô riêng.
Anh Định cho biết, từ năm 2021, gia đình bắt đầu có thu nhập từ Youtube, mỗi tháng có khoảng 6 triệu đồng. Từ đó mới quyết tâm làm đều video, cứ 2 ngày phải ra 1 video phục vụ người xem. Khi được hỏi về nội dung, kịch bản để có thể sản xuất nhiều như vậy, anh cười nói thật thà: "Làm gì có kịch bản gì, cứ hoạt động sinh hoạt thế nào thì quay lên. Chăn dê, nuôi gà, nuôi lợn, hái rau mang ra chợ bán là người ta xem".
Nhà nhà làm Youtube, người người là Youtuber
Nghề làm Youtuber đang lan rộng tại các xã thuộc huyện Lâm Bình. Có xã có đến gần 50 kênh Youtube lớn nhỏ. Từ một xã nghèo, xã Xuân Lập đến nay có người đã kiếm tiền tỷ nhanh chóng. Ông Giàng Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lập, cho biết, ở xã nhiều thanh niên xây nhà, mua ô tô nhờ làm Youtuber.
Có những kênh như của Triệu Toàn Lưu, Lý Thị Ca đã nhận nút bạc Youtube, có hơn 1 triệu người theo dõi. Thu nhập có tháng lên đến 600-700 triệu đồng. Nhà nhà làm Youtube mong đổi đời, thế nhưng không dễ để có được thành công như thế.
Có thanh niên làm 2 năm nay, số người theo dõi vẫn lẹt đẹt, chưa nhận được tiền từ kênh. Nhưng cũng có những thanh niên may mắn, làm 3 - 4 tháng bỗng dưng thành hiện tượng, nổi tiếng kiếm trăm triệu một tháng. Theo ông Chiến, ở đây cũng có yếu tố may mắn.
Không chỉ ở Xuân Lập, phong trào làm Youtube nở rộ ở các xã khác như Phúc Yên, Hồng Quang, Minh Quang, Thượng Lâm... Dọc tuyến đường liên thôn, liên xã thi thoảng lại có một nhóm 2 - 3 người đặt chân máy để quay Youtube.
Dọc đường, nhóm PV gặp 2 cô gái đang quay video. Cô gái tên Nguyễn Thị H (thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình) cho biết, cô làm video được 6 tháng nay thế nhưng lượng người xem vẫn thấp. Ban đầu cô đầu tư 30 triệu đồng mua máy quay và chân máy.
Video thì đủ đề tài, từ đốn củi về nấu cơm, ăn cơm, giặt giũ quần áo đến ra suối bắt cá, làm rẫy. Các đề tài "nóng" hơn cũng được thử như dàn cảnh bị người lạ bắt vào rừng nhưng cũng không thu hút được nhiều người xem. H cho biết vẫn cố gắng để quay vì biết đâu sẽ gặp thời. H đang là "diễn viên chính" cùng chị họ là quay phim.
Đại diện UBND huyện Lâm Bình cho biết, phong trào làm Youtube thực sự đã lan rộng tại các xã của huyện, có cả thanh niên từ các huyện lân cận như Na Hang cũng sang học hỏi để làm. Riêng ở huyện Lâm Bình, có nhiều xã đã giàu lên nhờ Youtube.
Ngoài mặt tích cực của việc lan tỏa con người, văn hóa, du lịch địa phương, các nội dung trên Youtube hiện vẫn có những vấn đề cần điều chỉnh. Một số nội dung không phù hợp thuần phong mỹ tục vẫn được Youtuber đăng để câu khách.
"Chính vì thế, thời gian tới cần có những điều chỉnh về mặt nội dung, đảm bảo các video đăng tải có được nội dung sạch, phù hợp với văn hóa vùng miền", vị này nêu quan điểm.