Lạng Giang xóa nhà tạm, nhà dột nát

Đến thời điểm này, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã khởi công xây dựng 15 ngôi nhà để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công.

Chương trình nhân văn

Theo huyện Lạng Giang, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gia đình người có công nhằm đảm bảo nhà ở an toàn, ổn định cuộc sống, an tâm lao động, sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện thành công chính sách giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Huyện Lạng Giang phấn đấu đến hết tháng 11,huyện hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn.

Để thực hiện được chương trình, cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, là chiến dịch cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trong năm 2024.

Lạng Giang xóa nhà tạm, nhà dột nát ảnh 1

Đoàn viên huyện Lạng Giang hỗ trợ ngày công xóa nhà tạm, nhà dột nát

Huyện Lạng Giang huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các lực lượng vũ trang từ huyện đến cơ sở trong triển khai thực hiện. Huyện Lạng Giang hỗ trợ kinh phí (từ nguồn xã hội hóa) và các nguồn lực khác. Sau khi được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa, nhà ở phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2 và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên; khuyến khích hộ gia đình xây mới hoặc sửa chữa nhà ở có diện tích nhà ở bình quân đầu người từ 8 m2 trở lên.

Công tác triển khai thực hiện hỗ trợ phải kịp thời, nghiêm túc, đúng đối tượng, đảm bảo công khai dân chủ, công bằng và minh bạch; đảm bảo chất lượng, hiệu quả và không để xảy ra khiếu kiện.

Công tác tiếp nhận, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ nhà ở phải đúng mục đích và cam kết với nhà tài trợ, đảm bảo kịp thời, chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục và không để thất thoát, lãng phí.

Cơ quan chức năng huyện Lạng Giang Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng các tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức triển khai thực hiện; có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn tiêu cực và xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, lãng phí và các vi phạm trong quá trình thực hiện.

Khởi công 15 ngôi nhà

Để có nguồn lực thực hiện chương trình, huyện Lạng Giang tổ chức vận động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn huyện

Theo đó, đối tượng vận động hỗ trợ là các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện; Hội đồng hương Lạng Giang tại các tỉnh, thành phố. Cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên; cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn huyện. Đoàn viên, hội viên các tổ chức thành viên MTTQ từ huyện đến cơ sở; Nhân dân trong và ngoài huyện (không vận động đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh, sinh viên).

Lạng Giang xóa nhà tạm, nhà dột nát ảnh 2

Huyện Lạng Giang khởi công xóa nhà tạm, nhà dột nát

Về mức vận động, đối với doanh nghiệp vận động người lao động và trích một phần lợi nhuận của doanh nghiệp để ủng hộ. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị lực lượng vũ trang, các đơn vị hành chính sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, các cơ quan của Trung ương, tỉnh đóng trên địa bàn huyện ủng hộ tối thiểu 1 ngày lương hoặc 1 ngày thu nhập trở lên.

Đối với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn huyện vận động ủng hộ kinh phí và hỗ trợ ngày công lao động theo điều kiện của đơn vị.

Hội Đồng hương Lạng Giang tại các tỉnh, thành phố vận động ủng hộ theo khả năng, điều kiện của hội. Đối với các hộ dân trên địa bàn huyện Lạng Giang mức vận động 50.000 đồng/hộ trở lên.

Điều kiện được hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở chỉ thực hiện hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có công phải có đất ở hợp pháp (đất ở đã được cấp GCNQSD đất), không tranh chấp; vị trí nhà không nằm trong diện quy hoạch, giải tỏa các công trình, dự án và đang ở nhà tạm, xuống cấp, hư hỏng, không an toàn. Đồng thời, nhà được hỗ trợ đảm bảo tiêu chí thuộc loại không bền chắc, diện tích nhà ở bình quân đầu người nhỏ hơn 8m2; đảm bảo đầy đủ, đúng thời gian các thủ tục, hồ sơ đề nghị hỗ trợ cần thiết theo quy định.

Về mức hỗ trợ, đối với hộ nghèo xây mới là 60 triệu đồng/nhà (trong đó, cấp xã 20 triệu); hộ cận nghèo là 50 triệu đồng/nhà (trong đó, cấp xã 15 triệu).

Đối với hộ nghèo sửa chữa mức hỗ trợ tối đa 25 triệu đồng/nhà (trong đó, cấp xã 05 triệu); hộ cận nghèo tối đa là 20 triệu đồng/nhà (trong đó, cấp xã 05 triệu). Đối với gia đình người có công hỗ trợ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) theo quy định hiện hành và huy động từ nguồn xã hội hóa, đảm bảo theo quy định.

Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ, các hộ gia đình sử dụng nguồn lực sẵn có của gia đình, huy động sự đóng góp, giúp đỡ của gia đình, dòng họ, cộng đồng nơi cư trú, kết hợp với sự giúp đỡ của công an, quân đội, các tổ chức chính trị – xã hội tham gia hỗ trợ.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc huyện Lạng Giang cho biết, đến thời điểm này, huyện lạng Giang đã khởi công 15 ngôi nhà trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công, đạt 100 % kế hoạch.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.