Làng dao búa

Làng dao búa
TP - Đó là Phúc Sen, nơi có những làng nghề rèn dao búa và nông cụ nổi tiếng của người Nùng An, thuộc huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng.

> Chuyện về ‘rèn dao bằng mắt’ ở Cao Bằng

Đến lò rèn Nông Tờ ở xóm mới Thanh Minh, đúng lúc tốp thợ đang hối hả hết “nướng” thép lại tay quai, tay búa. Nông Văn Tờ (39 tuổi), chủ lò, giải thích: “Mới có một ông khách đặt làm gần 200 cái cuốc, nhưng giao ngay ngày mai nên phải tập trung làm. Bình thường, nhà chỉ có tôi và cậu con trai phụ việc, những lúc thế này phải huy động thêm thợ”.

Anh Tờ bảo, nghề rèn thường làm những lúc nông nhàn, nhưng ở Phúc Sen ruộng đất ít, người đông, làm vài tháng là hết việc, nên các lò rèn bây giờ gần như quanh năm đỏ lửa.

Nhờ vậy, đời sống của người dân những làng nghề rèn ở đây ngày càng khấm khá hơn trước. Không chỉ làm tay theo truyền thống, nhiều người còn đầu tư máy dập trị giá hàng chục triệu đồng. Anh Tờ cũng vậy.

“Vừa khỏe người, vừa doanh thu cao” - anh Tờ nói, và làm bài tính: Nếu làm tay, mỗi người chỉ làm được tối đa 5 con dao/ngày và số tiền thu được khoảng 150 nghìn đồng.

Trên thân sản phẩm dao, búa, nông cụ ở Phúc Sen thường khắc 2 chữ cái NL. Ông Lương Văn Khang, ở xóm Tềnh Đông giải thích, đấy là viết tắt của hai chữ Nông Lương, là họ tên một bậc cao niên, cao tay nghề và nổi tiếng nhất làng rèn ở Phúc Sen thời trước. Ông Khang cho biết thêm, nghề rèn ở Phúc Sen đã có từ nhiều đời nay.

Trong khi đó, có máy hỗ trợ sẽ làm được 10 dao và doanh thu tăng tương ứng. Lợi nhuận thu khoảng 6 triệu đồng/tháng bình thường và 10 triệu đồng/tháng cao điểm. Sau 7-8 tháng là thu hồi vốn đầu tư máy dập.

Chủ tịch UBND xã Phúc Sen, ông Lương Văn Lượng cho biết, một thời dao, búa và các nông cụ từ Trung Quốc, Thái Lan sáng bóng, bắt mắt và rẻ tiền tràn sang khiến các lò rèn ở Phúc Sen đìu hiu, nhiều người phải bỏ nghề.

Nhưng không lâu sau, mọi người dần nhận ra “giá trị thực” của hàng ngoại nhập nên quay về với sản phẩm của Phúc Sen.

Và Phúc Sen ngày càng xôm tụ. Toàn xã hiện có 6/10 thôn với tổng cộng khoảng 160 hộ làm nghề rèn. Tiếng tăm của nghề rèn Phúc Sen còn vang đến các vùng xa và các thương lái tận trong Nam cũng lặn lội đến đặt hàng.

“Cùng một phiên chợ, hàng của Phúc Sen giá cao gấp 3 lần vẫn bán chạy hơn hàng Trung Quốc, Thái Lan. Đơn giản vì chất lượng sản phẩm của Phúc Sen vượt trội” - ông Chủ tịch xã tâm đắc.

“Lý do để sản phẩm của Phúc Sen vượt trội so với các sản phẩm cùng loại khác là nhờ vào những bí quyết riêng” - Nông Văn Tờ nói- “Đó là nguyên liệu thép và kỹ thuật tôi”.

Các loại dao búa và nông cụ ở Phúc Sen chủ yếu làm từ loại nhíp ô tô IFA hay xe Zil ba cầu của Liên Xô trước đây. Loại này được mua từ một làng chuyên buôn bán đồng nát ở Vĩnh Phúc.

Riêng kỹ thuật tôi không có công thức mà hoàn toàn phụ thuộc kinh nghiệm người thợ. “Than củi vừa đủ nhiệt độ lại đều, trong khi than đá nhiệt độ quá cao sẽ khiến thép giòn, dễ mẻ” - anh Tờ nói.

Để nhận biết thép cũng như nước tôi tốt, anh Nông Lưu Luyến (43 tuổi), một thợ rèn có 27 năm trong nghề ở Phúc Sen chia sẻ: “Khi thép tôi xong, nhúng vào nước thấy váng nước có màu sắc như cầu vồng và lấy ra khỏi nước thấy thép có màu hồng tươi là đạt được yêu cầu, tức có độ rắn mà không giòn, dẻo mà không mềm. Nếu thép tôi xong có màu xanh xám, thì dù sản phẩm sắc nhưng rất dễ mẻ, vỡ khi sử dụng vì thép này giòn”.

Giới lái dao, búa và nông cụ còn có một tuyệt chiêu để nhận biết đâu là sản phẩm tốt. Gặp Vũ Đình Trí, một lái dao đến từ Yên Dương (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) lên Phúc Sen đặt hàng.

Cầm con dao sắc lẹm vừa làm xong, Trí đặt lưỡi dao vuông góc với móng ngón tay cái của bàn tay còn lại và kéo mạnh cho lưỡi dao chạy trên móng tay: “Nếu lưỡi dao chạy trên mặt móng tay trơn thì là dao “chuẩn”, còn lừng khừng thì dao không tốt”. Màn biểu diễn của Trí khiến người chứng kiến toát mồ hôi hột.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.