Họ là những người dân tộc Chăm An Giang trước đây sinh sống rải rác dọc theo bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Khoảng 20 năm trước, nhà cửa bị giải tỏa nên được chuyển vào ở tại một khu chung cư trong hẻm nhỏ trên đường Phan Văn Hân, quận Bình Thạnh. Đứng từ khu chung cư này có thể nhìn thấy những tòa nhà cao tầng ở quận 1 ngay sát bên.
Độc đáo văn hóa Chăm
Cộng đồng dân cư dân tộc Chăm sinh sống chung trong khu chung cư, sinh hoạt chung với người Kinh nhưng không vì thế mà họ đánh mất đi những nét văn hóa riêng. Cũng không vì thế mà họ gò bó vào một không gian sống riêng, những người dân tộc Chăm ở đây vẫn sống hòa đồng với người Kinh suốt hơn 20 năm qua. Khu chung cư cũng dành riêng một căn hộ đủ rộng để làm thánh đường hồi giáo để cư dân sinh hoạt cộng đồng.
Chúng tôi ghé thăm khu chung cư của người dân tộc Chăm vào một buổi chiều đầu tháng 8 gió nhẹ. Mới 3h chiều nhưng nhiều người phụ nữ đã tụ tập trước hiên nhà chuyện phiếm. Những người phụ nữ mặc đồ thổ cẩm, đầu trùm khăn che kín theo phong tục riêng. Ở đầu dãy hiên, bà Sophia ngồi nhồi bột mỳ làm loại bánh Ấn Độ có tên Plata.
Bánh bà Sophia làm ra đa số là bán cho những người ở cùng trong chung cư và một số hộ dân xung quanh, ai muốn ăn, gọi điện thoại đặt trước bà mới làm. Bà cùng gia đình gồm hai người con và một người cháu sống cùng với những người Chăm khác tại khu chung cư này. Con dâu bà tên Rohymah nhận đính hạt cườm cho loại khăn trùm đầu truyền thống của người Chăm, mỗi ngày cũng kiếm được hơn 200 nghìn đồng.
Ngoài bánh Plata, bà Sophia còn làm một loại bánh đặc sản của người Chăm là bánh Sayda. Loại bánh này không làm từ bột mỳ mà làm hoàn toàn bằng trứng gà và đường, cộng thêm nước cốt dừa. “Sayda là bánh đặc trưng của người dân tộc Chăm, loại bánh này cần công phu khi lộn đường và trứng, hỗn hợp này phải đánh thật lâu cho trứng nổi bọt, sau đó cho vào khuôn hấp. Khi hấp, đường trong các ô bọt của trứng sẽ keo lại như mật ong, ăn có vị béo của trứng, ngọt lịm của đường, rất hấp dẫn”, bà Sophia kể.
Phủi tay chiên hai chiếc bánh vừa làm xong mời khách dùng thử để cảm nhận hương vị của loại bánh đặc biệt mình làm, bà Sophia nói: Tiếc là chú đến trễ mấy ngày, đến sớm ít hôm thì được tham gia đám cưới của người Chăm rồi. Mới tuần trước làm đám cưới tại đây luôn. Vui lắm, đám cưới người Chăm kéo dài tới 3 ngày lận.
Vừa đi đón con về, chị Rohymah bước vào nhà tiếp lời mẹ: “Đám cưới người Chăm còn vui hơn tết, mọi người được ăn chơi vui vẻ, thoải mái. Đặc biệt là người Chăm đãi đám cưới “free” hết nha. Đi đám cưới ai tặng quà thì tặng chứ đặc biệt là không tặng tiền và chủ nhà cũng không nhận tiền”, chị Rohyma nói.
Vào nhà cầm cuốn abum hình cưới ra ngồi trước hiên, chị Rohymah kể, ngày đầu tiên đám cưới là mời những người lớn tuổi đến làm lễ để làm phòng cưới cho cô dâu và chú rể. Mọi người sẽ được đãi ăn uống thoải mái để là phòng cô dâu đẹp nhất. Ngày thứ hai cũng là ngày vui nhất của đám cưới. Đêm này vui nhất và có tên “đêm con gái”, bởi lẽ qua ngày mai, người con gái đó đã có chồng và trở thành phụ nữ. Đêm con gái, mọi người sẽ tập trung ở nhà cô dâu để ăn chơi nhảy múa.
Người phụ nữ Chăm với trang phục truyền thống dân tộc.
“Những cô gái đến tham dự đêm con gái đều ăn mặc, trang điểm cho mình đẹp nhất có thể, nhiều người cố trang điểm để đẹp hơn cả cô dâu. Bởi đến tham dự đám cưới không chỉ có thanh niên mà còn cả người lớn. Những cô gái đẹp được người lớn “duyệt” thì chắc chắn ngày hôm sau sẽ cùng gia đình đến hỏi cưới”, chị Rohymah nói. Theo chị Rohymah, người dân tộc Chăm đến nay vẫn giữ phong tục cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Khi bố mẹ đã quyết định người con gái nào là dâu thì sẽ không thể cãi lời bởi nếu không nghe, sẽ bị loại ra khỏi cộng đồng.
Đến ngày thứ ba, cả hai họ sẽ cùng chung vui và chú rể sẽ vén khăn trùm đầu của cô dâu, sau đó dùng ngón tay trỏ chỉ vào trán cô dâu, lúc đó họ trở thành vợ chồng. Bữa tiệc đám cưới của người Chăm đãi chủ yếu là món cà ri gà hoặc cà ri bò. “Đám cưới nào cũng đãi mỗi món này bởi nó là món truyền thống lâu đời của người Chăm, không thể thay thế bằng món khác. Cà ri của người Chăm nấu cũng đặc biệt hơn người Kinh bởi cần sử dụng lượng lớn hành, tỏi, cách chế biến cũng khác hẳn, đến khi nấu xong nồi cà ri đặc sệt nhìn như bỏ bột nở nhưng thực chất chỉ có hành, tỏi và thịt”, chị Rohymah cho biết.
Hòa nhập mà không hòa tan
Cộng đồng dân cư người Chăm sống với người Kinh rất hòa nhập và vui vẻ, nhiều sinh hoạt của họ vì thế cũng giống người Kinh nhưng những nét văn hóa riêng vẫn được giữ, không bị mai một. Khu chung cư cũng có một thánh đường hồi giáo riêng cho người Chăm. Hàng ngày cứ 3h30 chiều, những người đàn ông dù bận việc gì cũng phải thay đồ truyền thống để lên thánh đường đọc kinh, cầu sức khỏe và bình an cho gia đình cũng như cộng đồng.
Riêng khu vực thánh đường, theo phong tục người Chăm, những ngày bình thường chỉ có đàn ông mới được đến làm lễ, phụ nữ bị cấm tuyệt đối. Đến tháng ăn chay (tháng Ramadan) vào tháng 6 âm lịch hàng năm phụ nữ mới được đến thánh đường làm lễ.
Thánh đường của người Chăm ở chung cư.
Nói về tháng Ramadan, bà May Sâm cho biết, tháng ăn chay bắt đầu từ ngày 1/6 âm lịch hàng năm và kết thúc vào ngày cuối tháng. Suốt thời gian một tháng này, mọi người không được ăn, uống, thậm chí là nuốt nước miếng từ 6h sáng đến 6h30 tối. Trong tháng này mọi người phải nhịn ăn nhịn uống từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời khuất núi. Ăn uống phải trước 6h sáng và sau 6h30 tối.
“Đàn ông chỉ thực hiện tháng Ramadan 30 ngày còn phụ nữ phải 36 ngày vì theo truyền thống người phụ nữ có những ngày không được sạch sẽ. Vì vậy, khi kết thúc tháng 6, phụ nữ phải ăn chay thêm 6 ngày nữa mới đủ đức. Còn đàn ông không bị ép buộc nhưng nếu mà ăn thêm được 6 ngày này thì coi như bằng một tháng bắt buộc”, bà May Sâm nói.
“Lễ lớn, mỗi gia đình nấu một món riêng rồi đem đến bày chung ra cùng ăn, tuy tự nấu nhưng hầu như gia đình nào cũng có món cà ri ăn với bánh mỳ, trái cây… đặc biệt người Chăm không ăn thịt lợn”, bà May Sâm cho biết.
Theo bà May Sâm, ngày kết thúc tháng ăn chay cũng được coi là ngày tết của dân tộc Chăm bởi sau khi kết thúc lễ ở chùa, mọi người sẽ được nhà chùa đãi đồ ăn mang về, mọi người cũng nấu cà ri ăn mừng. Những ngày lễ lớn, cộng đồng người Chăm sẽ nấu đồ ăn rồi đem đến cùng ăn chung ở khu vực hành lang của chung cư.
“Lễ lớn, mỗi gia đình nấu một món riêng rồi đem đến bày chung ra cùng ăn, tuy tự nấu nhưng hầu như gia đình nào cũng có món cà ri ăn với bánh mỳ, trái cây… đặc biệt người Chăm không ăn thịt lợn”, bà May Sâm cho biết.
Sống chung với người Kinh hàng chục năm nhưng người Chăm vẫn giữ được tiếng nói riêng. Để không mai một đi những nét văn hóa và tiếng nói riêng, một lớp dạy tiếng Chăm nằm sát khu chung cư được mở ra để những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở thành phố có điều kiện học tiếng của dân tộc mình. Lớp học do ông Amin (người Chăm, ngụ quận 8) cùng ban quản trị chung cư tổ chức hơn 15 năm nay. Hàng ngày ông đứng lớp từ 7h tối đến khi học sinh về hết ông mới về. Nói là lớp học dành cho trẻ em nhưng vẫn thu hút không ít những học sinh tuổi ngoài 60 tham gia.
Bé Ahmamath Husna (8 tuổi) đang học tiểu học ở một trường gần đó nhưng ngày nào cũng chăm chỉ đến lớp để học tiếng Chăm, đọc kinh của dân tộc mình. Husna cho biết, đã theo lớp học được 4 năm nay, các cuốn sách tiếng Chăm được chia ra cấp độ từ 1, 2 trở lên, đến nay Husna đã học đến cuốn thứ 6. “Con muốn học để biết mặt chữ, biết văn hóa của dân tộc mình, gia đình con có 4 anh em cùng tham gia lớp học. Các anh con học giỏi hơn con”, Husna nói.
Cũng như Husna, dù đã ngoài 60 tuổi nhưng bà Tago vẫn đều đặn tuần hai buổi cắp sách đến lớp học chữ như những đứa trẻ. Mở cuốn sách, chỉ từng mặt chữ rồi bà cùng hòa âm với những đứa trẻ đọc từng dòng chữ hết trang này đến trang khác theo sự chỉ dẫn của thầy giáo. “Lớp học để giữ tiếng nói của dân tộc mình, văn hóa của dân tộc mình thì tôi phải học chứ, dù mưa gió cũng học”, bà Tago nói.