Lần hồi - Mê cung của giới trẻ

Lần hồi - Mê cung của giới trẻ
TP - Không gian rộng 250m2 của trung tâm thể thao giải trí X- Factory, 77X Hồng Mai, Hà Nội vốn là một khu bắn súng laser thường ngày bỗng trở thành một mê cung tối 13-11 vừa qua với dự án nghệ thuật cộng đồng Lần hồi - Mượn rung cảm thời gian của những bạn trẻ 9X.

> Gặp Steve Jobs ở Việt Nam
> Mê cung được tạo bởi hơn 200 nghìn cuốn sách

Đinh Thảo Linh - trưởng dự án
Đinh Thảo Linh - trưởng dự án.

Đây chỉ là một phiên bản mini để chuẩn bị cho một buổi ra mắt chính thức vào đầu tháng 12, theo dự định của nhóm. Khách mời là người thân quen, gia đình, bạn bè những người tham gia tổ chức, một số nhà báo và đặc biệt là có sự tham dự của giáo sư sử học Dương Trung Quốc, cố vấn của chương trình, người luôn động viên các bạn trẻ: “Tôi ủng hộ ý tưởng này ngay từ đầu. Có gì khó khăn, cứ bảo tôi”.

Trò chơi mê cung

Sự tích mẹ Âu Cơ - cha Lạc Long Quân tại triển lãm
Sự tích mẹ Âu Cơ - cha Lạc Long Quân tại triển lãm.

Giữa phố xá đông đúc, tắc đường, ngột ngạt, khi vào đây, người xem có cảm giác như lạc vào một thế giới khác hẳn: thế giới của những người trẻ và trò chơi…

Một mê cung mà những người thực hiện mong muốn đưa người xem đến với các cung bậc của thời gian và lịch sử Việt Nam.

Tận dụng địa hình của một khu vui chơi giải trí, mê cung Lần hồi khá bí hiểm với lối đi nhỏ hẹp, chừng 1,5m cộng với ánh sáng mờ ảo, âm thanh rờn rợn của loa và những chiếc quạt gió, đặc biệt những đoạn thang đi lên xuống.

Câu chuyện về lịch sử, văn hóa của Lần hồi không theo mạch thời gian, mà nó được phân chia theo chủ đề: Tầng 1 được chia làm ba khu với ba chủ đề: Trẻ em, Bố mẹ và Hiện tại; Tầng 2 có chủ đề: Thanh niên và Người già.

Chính vì không phân chia theo thời gian, nên người xem cảm thấy rối khi vừa xem về chủ đề chiến tranh ở tầng dưới, trải qua thời bao cấp, rồi lại được dẫn lên một khu mô tả về chiến tranh.

Một khán giả với nick Nana đã viết lời nhận xét khá vui về triển lãm này: “Bữa nay đi Lần Hồi, Lần một Hồi mới biết là Lần Hồi!”

Vì quá tham lam về mặt ý tưởng, dự án muốn lột tả cả chiều dài 4.000 năm văn hóa và lịch sử Việt Nam từ sự tích trăm trứng, rồi thời kỳ chiến tranh, thời kỳ bao cấp nên việc thể hiện ý tưởng dù có chỗ khá tốt, nhưng tổng thể thì chưa tới.

Các bức tranh do các sinh viên thể hiện giúp nên để cho người xem hiểu được hết ý đồ, các tình nguyện viên phải khá vất vả để thuyết trình. Mà nghệ thuật là không lời, là sự rung cảm của đôi mắt và trái tim, đâu cần nhiều lời?

Rất tiếc trong buổi ra mắt dự án, ngoài sự góp mặt của nhà sử học Dương Trung Quốc, thiếu vắng các họa sỹ, các nghệ sĩ nghệ thuật đương đại, những người có thể cho ý kiến bổ ích về mặt nghệ thuật.

4 triệu đồng cho một dự án nghệ thuật

Tác phẩm sắp đặt tủ quần áo
Tác phẩm sắp đặt tủ quần áo.
 

Khi được mời đến dự triển lãm, nhiều người nghĩ đây là dự án của một nhóm nghệ sỹ nào đó. Thật bất ngờ, đây là một dự án nghệ thuật của những bạn trẻ 9X vẫn đang còn ngồi trên ghế nhà trường.

 Tôi ủng hộ ngay từ đầu vì đây là điều đáng quý bởi cách thể hiện mới lạ. Tôi rất xúc động vì hóa ra giới trẻ vẫn còn rung cảm được với thời gian, thể hiện được khao khát gắn kết hiện tại, tương lai và quá khứ của giới trẻ

Dù trẻ tuổi, nhưng các em khá tự tin và làm việc chuyên nghiệp. Nhóm có hẳn một người phụ trách tài trợ, một người phụ trách truyền thông. Để chuẩn bị cho sự kiện này, họ đã thực hiện một video clip giới thiệu những thành viên chủ chốt của dự án…

Lần hồi - Mượn rung cảm thời gian là dự án nghệ thuật cộng đồng của một nhóm hơn 40 người gồm toàn học sinh, sinh viên các trường đại học tại Hà Nội. Những người ít tuổi nhất sinh năm 1996, là học sinh lớp 12 các trường tại Hà Nội như Hà Nội- Amsterdam, Trần Phú... chiếm tới 1/3 thành viên.

Một tác phẩm sắp đặt
Một tác phẩm sắp đặt.

Đinh Thảo Linh, sinh năm 1989, trưởng nhóm, là người lập nên dự án này. Cô cho biết: “Em ấp ủ ý tưởng này từ hồi còn là học sinh trường Amsterdam. Lúc đó có ý tưởng nhưng không có kinh phí, không có thời gian vì đang tập trung ôn thi đại học. Giờ đang học năm thứ hai Đại học Ngoại thương, em thấy mình đã cứng tay hơn và quyết định làm”.

Vốn là thủ lĩnh của một câu lạc bộ ở trường Amsterdam, Linh đã quen với việc huy động sức mạnh của tập thể. Khi Linh kêu gọi, lập tức nhận được sự hưởng ứng của nhiều học sinh, sinh viên. Nhiều email gửi tới xin được làm thành viên dự án.

Các cuộc họp bàn, thảo luận đã diễn ra sôi nổi trên mạng. Người góp ý tưởng, người góp công sức thể hiện. Địa điểm tổ chức cũng được người quen tài trợ miễn phí, dù chỉ có một ngày ít ỏi. Đấy là chưa kể, giấy bút, màu vẽ cũng do những người quen ủng hộ.

Linh tiết lộ: “Toàn bộ chi phí tính đến thời điểm này đều do bọn em vận động từ người thân, bạn bè. Chi phí tổng dự án bỏ ra là 4 triệu đồng, chưa kể tiền ăn uống. Bọn em ở lại đây từ chiều tới đêm để xây dựng mê cung”.

Đinh Thảo Linh cho biết, nhóm dự định tổ chức một triển lãm có qui mô lớn hơn vào tháng 12 tới, chủ đề vẫn là Rung cảm thời gian, vẫn trên cảm hứng mê cung.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG