Lần đầu tiên ứng dụng siêu vi phẫu

Lần đầu tiên ứng dụng siêu vi phẫu
TP - Việt Nam (VN) là một trong không nhiều nước trên thế giới ứng dụng thành công kỹ thuật siêu vi phẫu nối bạch mạch và tĩnh mạch chữa chứng phù tay voi sau điều trị ung thư vú.

> Phòng khám Trung Quốc: Bác sĩ 'chui' như thế nào?

Cách đây 16 năm, bà Vũ Hương Giang (60 tuổi, sống tại tỉnh Yên Bái) bị ung thư vú và được các bác sĩ Bệnh viện K (Hà Nội) chữa khỏi. Bác sĩ đã nạo toàn bộ hạch nách trái của bà để tránh bệnh tái phát.

Cách đây một tháng, bà Giang thấy những vết loét lan ra ở nách trái. Vết loét ngày càng nặng và có nguy cơ nhiễm trùng gây hoại tử.

TS Vũ Quang Vinh, Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ (Viện Bỏng Quốc gia), phát hiện bệnh nhân bị phù tay voi do ứ dịch cánh tay, còn gọi là bệnh phù bạch mạch.

Đây là bệnh không thể tránh khỏi trong điều trị ung thư và là biểu hiện hay gặp sau điều trị ung thư vú. Lâu nay, y học VN chưa có cách nào trị được bệnh phù tay voi.

Cánh tay bà Giang mỗi ngày thêm to do phù bạch mạch. Bà không thể dùng quần áo bình thường để che cánh tay ấy được.

Siêu vi phẫu - Bước chuyển thần kỳ

Bác sĩ Vinh cho biết, nếu không được điều trị kịp thời thì cánh tay của bệnh nhân sẽ ngày một to rồi dẫn tới loét, nguy cơ nhiễm khuẩn và hoại tử cánh tay rất lớn. Bệnh nhân Giang là trường hợp đầu tiên được sử dụng kỹ thuật siêu vi phẫu để chữa bệnh phù tay voi tại VN.

Sau khi cấy vạt da có cuống mạch nuôi để làm lành vết loét ở nách trái cho bệnh nhân, các bác sĩ triển khai luôn kỹ thuật siêu vi phẫu để nối ghép tĩnh mạch và bạch mạch.

Nhờ kỹ thuật này, toàn bộ dịch ứ đọng trong cánh tay được dẫn lưu khiến tay không phù nề nữa. Đây là kỹ thuật được các chuyên gia y học thế giới đánh giá là khó nhất trong vi phẫu, đòi hỏi trình độ điêu luyện của phẫu thuật viên.

Khó nhất trong siêu vi phẫu là việc tìm ra hệ thống bạch mạch do nó có màu trong suốt, kích thước chỉ 0,3-0,5mm. Quá trình nối bạch mạch và tĩnh mạch đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối từ phẫu thuật viên với sự trợ giúp của kính phóng đại 15-20 lần.

Sau mổ 2 tuần, cánh tay của bệnh nhân Giang giảm được 4,5cm so với trước mổ. Dự đoán chừng 3-6 tháng sau mổ, cánh tay sẽ trở về gần với kích thước trước khi bị bệnh và hoạt động được bình thường.

Chi phí cho ca mổ bằng kỹ thuật siêu vi phẫu là hơn 20 triệu đồng và được bảo hiểm y tế thanh toán một phần theo quy định của Bộ Y tế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG