Lần đầu tiên tổ chức phiên họp giả định 'Quốc hội trẻ em'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần đầu tiên được tổ chức với phiên trọng thể tại Tòa nhà Quốc hội (Hà Nội) sẽ có 263 đại biểu thiếu nhi tham dự và bàn về những vấn đề 'nóng' của thiếu nhi như bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; phòng chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em.

Trung ương Đoàn vừa ban hành kế hoạch tổ chức phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ I năm 2023. Phiên họp do Ban Bí thư T.Ư Đoàn chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức.

Lần đầu tiên tổ chức phiên họp giả định 'Quốc hội trẻ em' ảnh 1

Phiên họp dự kiến thảo luận hai nội dung chính là bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; phòng chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em. Trong ảnh thiếu nhi đại diện cho 54 dân tộc anh em tham gia Liên hoan thiếu nhi tiêu biểu các dân tộc toàn quốc lần IV, năm 2022, đã làm lễ báo công và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cụ thể hóa Luật trẻ em năm 2016

Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" nhằm góp phần triển khai thực hiện hiệu quả Luật Trẻ em 2016. Đặc biệt, là các quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 77 "tổ chức để trẻ em được tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân"; khoản 4, Điều 79 "Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm thường xuyên và định kỳ tiếp xúc với trẻ em hoặc đại diện trẻ em".

Đồng thời, xây dựng mô hình hoạt động mới thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em phù hợp với tâm lý, khả năng của trẻ em. Tạo điều kiện để trẻ em phát huy năng lực, kỹ năng trình bày ý kiến, quan điểm, nhận thức và tham gia vào quá trình ra quyết định về các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Qua các hoạt động giúp các em thiếu nhi trải nghiệm, tìm hiểu bộ máy cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội.

Lần đầu tiên tổ chức phiên họp giả định 'Quốc hội trẻ em' ảnh 2
Công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng là một trong những nhiệm vụ luôn được tổ chức Đoàn quan tâm, coi trọng.

Hơn 260 đại biểu trẻ em

Theo kế hoạch, phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ I năm 2023 sẽ diễn ra tại Hà Nội, trong hai ngày, từ ngày 9 - 10/9. Phiên toàn thể diễn ra tại Tòa nhà Quốc hội.

Tham dự phiên họp có lãnh đạo Quốc hội và đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các Ban của T.Ư Đảng, Uỷ ban Quốc gia về Trẻ em Việt Nam, các bộ, ngành có liên quan; đại diện một số tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực trẻ em tại Việt Nam; cơ quan báo chí, truyền hình... Cùng 63 đại biểu đại diện các tỉnh, thành phố; phụ trách công tác hỗ trợ trẻ em của địa phương.

Đặc biệt có 263 đại biểu trẻ em, với tuổi từ 11 - 16; là đại diện trẻ em tiêu biểu, tài năng, đại diện nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có ý chí vươn lên, trẻ em là người dân tộc thiểu số...

Phiên họp dự kiến thảo luận hai nội dung chính là bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; phòng chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em.

Lần đầu tiên tổ chức phiên họp giả định 'Quốc hội trẻ em' ảnh 3

Phòng chống tai nạn thương tích là một trong những nội dung được thảo luận tại phiên họp.

Điều hành phiên họp gồm Ban lãnh đạo, Ban thư ký với thành viên là đại biểu trẻ em. Ban lãnh đạo phiên họp gồm 1 chủ tịch phiên họp, 4 phó chủ tịch phiên họp. Ban Thư ký gồm 3 thành viên, trong đó có 1 em là Tổng thư ký phiên họp.

T.Ư Đoàn đề nghị các tỉnh, thành phố có mô hình Hội đồng trẻ em cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức kỳ họp Hội đồng trẻ em theo chủ đề của phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em".

Các tỉnh, thành Đoàn thông tin cho trẻ em trên địa bàn về việc tổ chức phiên họp; tổ chức cho trẻ em được lựa chọn là đại biểu dự phiên họp; tổ chức lấy ý kiến trẻ em. Ý kiến của trẻ em gửi về T.Ư Đoàn trước ngày 15/8.

Đồng thời, các tỉnh, thành Đoàn phối hợp với đoàn đại biểu Quốc hội của địa phương và các cơ quan có liên quan tổ chức tập huấn, cung cấp thông tin, kỹ năng cần thiết để trẻ em tham gia phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em".

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.