Làm thủ tục cách chức thẩm phán dùng bằng cấp 3 giả

Bằng tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội của bà Nguyễn Thị Nga - Thẩm phán TAND thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên vừa bị thu hồi (Ảnh: Thế Kha).
Bằng tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội của bà Nguyễn Thị Nga - Thẩm phán TAND thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên vừa bị thu hồi (Ảnh: Thế Kha).
Chiều 26/10, một lãnh đạo TAND tỉnh Thái Nguyên cho biết đang làm thủ tục để cách chức thẩm phán của bà Nguyễn Thị Nga (TAND TP Thái Nguyên) vì dùng bằng cấp 3 giả và đã bị Trường Đại học Luật Hà Nội thu hồi bằng cử nhân luật gây ồn ào dư luận thời gian qua.

Tuy nhiên việc có tiếp tục bố trí bà Nguyễn Thị Nga công tác tại TAND thành phố Thái Nguyên hay không chưa được lãnh đạo TAND tỉnh Thái Nguyên tiết lộ.

Ngành tòa án tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành rà soát lại toàn bộ các bản án, quyết định do thẩm phán Nguyễn Thị Nga ban hành trước đó và sẽ có báo cáo gửi TAND Tối cao.

Trước đó như Dân trí phản ánh, ông Nguyễn Văn Chung - Chánh án TAND tỉnh Thái Nguyên ký văn bản gửi Ban giám hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết thẩm phán Nguyễn Thị Nga bị tố cáo về việc sử dụng bằng tốt nghiệp cấp 3 giả.

Tại kỳ thi tốt nghiệp PTTH diễn ra ngày 3/6/1994, thí sinh Nguyễn Thị Nga (học sinh Trường PTTH Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái cũ) đạt 6 điểm môn Văn, 2 điểm môn Hoá học, 4 điểm môn Toán học và 5,5 điểm môn Nga văn. Tổng điểm thi của thí sinh Nguyễn Thị Nga là 17,5 điểm. Với kết quả thi như vậy, thí sinh Nga không thể được cấp Bằng tốt nghiệp PTTH.

Tuy nhiên, TAND tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện các thông tin về số hiệu bằng, số vào sổ cấp bằng tốt nghiệp PTTH là của một người khác, không phải của bà Nguyễn Thị Nga.

Sau khi tiến hành thẩm định thông tin từ TAND tỉnh Thái Nguyên cung cấp, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội đã ký quyết định thu hồi bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy đối với bà Nguyễn Thị Nga (SN 19/7/1976), tốt nghiệp năm 1998 chuyên ngành Tư pháp, hạng Trung bình, số hiệu bằng B36704.

Được biết, theo quy định Điều 82 Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, Thẩm phán có thể bị cách chức khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Vi phạm trong công tác xét xử, giải quyết những việc thuộc thẩm quyền của tòa án; vi phạm quy định tại Điều 77 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014; vi phạm về phẩm chất đạo đức; vi phạm quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp Thẩm phán; có hành vi vi phạm pháp luật khác.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG