Làm thiện nguyện không xin tài trợ

Một buổi trình diễn “Kể chuyện trên mặt nước”.
Một buổi trình diễn “Kể chuyện trên mặt nước”.
TP - Họ trẻ. Và họ không nhàn rỗi. Mỗi người đều đang có công việc riêng: Linh là hoạ sĩ, Ngân làm quảng cáo, Quỳnh Anh là giáo viên mầm non, Xuân là nhân viên marketing… Nhưng cứ đến hẹn, họ lại sắp xếp công việc để cùng nhau lên đường. “Trên hành trình tuổi trẻ, chúng tôi đem đến những niềm vui cho tụi nhóc và cũng nhận lại vô vàn những trải nghiệm quý giá cho bản thân. Đó là những điều mà ta chẳng thể có được nếu chỉ ngồi ở nhà hay trong văn phòng”- họ nói.

Chai nhựa thành “dũng sĩ”, “quái vật”

Những ngày này, thay vì dành thời gian đi du lịch nghỉ dưỡng hay bay ra nước ngoài xả hơi như bạn bè, nhóm Sunbox lại lọ mọ sắp xếp, tập hợp “đoàn rối lưu động” để bước vào cuộc hành trình 10 ngày đến khắp các buôn làng Tây Nguyên, mang niềm vui đến với những đôi mắt non ngơ ngác.

Những chú rối sinh động từ siêu nhân, Tôn Ngộ Không, dũng sĩ, bà tiên… đến những con rồng phun lửa hay quái vật hung dữ… tất tần tật đều được làm từ vỏ chai nhựa và rác thải tưởng đã bỏ đi. Đó là thành quả sau nửa năm nghiên cứu, mày mò của các thành viên trong nhóm Sunbox nhằm thực hiện chương trình “Kể chuyện trên mặt nước”, phục vụ trẻ em nghèo ở những vùng xa xôi, khó khăn. Chương trình bao gồm các hoạt động diễn rối, học làm rối và đọc truyện, giúp các em nhỏ vừa học vừa chơi. Đồng thời nâng cao nhận thức về rác thải, nhất là chất thải nhựa ở Việt Nam.

Làm thiện nguyện không xin tài trợ ảnh 1

“Tướng quân” oai phong lẫm liệt được làm từ chai nhựa.

Những đứa trẻ cười nghiêng ngả với giọng nói lạ lùng của chú chằn tinh, hò reo khí thế khi dũng sĩ chiến đấu cùng chằn, và rồi hồ hởi chạy theo bong bóng xà phòng được bay ra từ cánh tay khổng lồ của chàng dũng sĩ… 10 ngày qua 7 địa điểm, là hành trình dài nhất mà nhóm từng thực hiện, chính vì vậy các thành viên buộc phải thay phiên nhau để vừa đảm bảo cho chuyến đi, vừa đảm bảo cho công việc ở thành phố.

Để có được những nụ cười, những ánh mắt háo hức đó là sự chuẩn bị hơn nửa năm trời của Sunbox, từ lên ý tưởng, thiết kế con rối, thực hiện rồi diễn tập vở diễn, đôi khi gặp rất nhiều khó khăn do các thành viên trong nhóm đều không có kinh nghiệm, lại bận công việc riêng, chỉ có thể sắp xếp gặp nhau vào những ngày cuối tuần, thế nhưng bằng nỗ lực của mỗi người, cuối cùng, tour lưu diễn đã thành công ngoài mong đợi. Ngoài mong đợi là bởi, cứ tưởng diễn xong thì thôi, không ngờ đám trẻ háo hức chạy về nhà lôi hết chai lọ đến nhờ các anh chị hướng dẫn cách làm con rối, rồi quay sang tự biểu diễn với nhau. Bạn thì làm con heo, bạn làm con thỏ, bạn làm cô gái... Cuối buổi, bạn nào cũng mang về một con rối do chính tay tự làm.

“Đó là một chuyến đi nhiều kỷ niệm và cảm xúc. Hầu như ngày nào nhóm cũng ăn mỳ tôm, ngủ tạm bợ ở các lớp học. Nhưng đổi lại, trời mưa thì lao ra tắm mưa cùng tụi nhỏ, trời nắng thì được cả đám đưa đi lội suối, hái hoa rừng, những ngày vui vẻ mà không cần đến điện thoại, internet, mạng xã hội… hay những tiện nghi nơi thành phố”- Minh Xuân, thành viên nhóm chia sẻ.

“Chiếc hộp” nhỏ mang hạnh phúc to

Không chỉ với chương trình “Kể chuyện trên mặt nước”, mà suốt 3 năm qua, “chiếc hộp mặt trời” Sunbox đã mang không biết bao nhiêu niềm vui cho trẻ em nghèo và những người có hoàn cảnh khó khăn.

Làm thiện nguyện không xin tài trợ ảnh 2

3 năm qua, Sunbox đã mang đến biết bao nụ cười cho trẻ em trên nhiều vùng quê.

Năm 2015, người ta bắt đầu biết đến Sunbox- một nhóm các bạn trẻ ở TP.HCM. Hầu hết các thành viên trong nhóm đều thuộc thế hệ 9X. Thay vì những hoạt động từ thiện “đao to búa lớn”, Sunbox hướng tới những việc làm nhỏ bé và giản dị hơn nhưng vẫn giữ nguyên được ý nghĩa và hướng tới sứ mệnh: “Gom góp những mảnh niềm vui nhỏ thành một niềm hạnh phúc lớn”, “không mang nặng hình thức cho và nhận”.

Sunbox “chào sân” với chương trình đầu tiên: “Gian hàng 2k”, xuất phát từ ý tưởng không một món đồ nào đáng phải vứt đi, thứ chạm đáy âm giá trị với bạn có thể là cả một gia tài đáng quý với người khác. Sunbox đã đặt hộp quyên góp ở nhiều nơi công cộng như quán cà phê, shop quần áo, nhà hàng, các địa điểm đông người, dễ thấy để thu nhận những món đồ cũ không dùng đến và chuyển chúng tới những người cần hơn. Đó có thể là quần áo, giày dép, sách vở, tranh truyện, còn mới hoặc đã qua sử dụng. Thay vì tặng không, mọi món đồ đều được bán lại với giá 2k nên người đến nhận không phải mang mặc cảm “đi xin” nữa mà đơn giản chỉ là “đi mua với giá rẻ”. Số tiền thu về lại được tái sử dụng tại các quán cơm xã hội 2k. Gây tiếng vang trong cộng đồng, mô hình này nhanh chóng lan rộng ra Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang và rất nhiều các tỉnh thành khác, đem đến những cơ hội mua sắm cho người lao động có thu nhập thấp.

Làm thiện nguyện không xin tài trợ ảnh 3

Sunbox và biểu tượng “chiếc hộp mặt trời”.

Sau khi mô hình gian hàng 2k thành công, Sunbox quyết định dành toàn lực để thực hiện hai chương trình mới: “Tủ sách siêu nhân” và “Rạp phim 300k”. Hành trang là một chiếc máy chiếu, một ít nước ngọt, một ít bắp rang bơ, cả nhóm rong ruổi trên những cung đường và mang rạp chiếu phim lưu động đến với tất cả những vùng quê xa xôi, đưa niềm vui đến cho tụi nhỏ. “Rạp phim 300k” có nước ngọt, có bắp rang bơ, có vé và người soát vé, có cả cô nhân viên bắc loa nhắc nhở “Quý khách ngồi xem phải giữ trật tự và không vứt rác bừa bãi”... Khỏi phải nói, đám trẻ con thích thú thế nào. Rồi không chỉ trẻ con, cả người lớn cũng kéo nhau đến xem kín cả “rạp”. Khó khăn thì khỏi phải nói, từ lo thời tiết nắng mưa thất thường, rồi tìm nơi dựng rạp, đi đến từng nhà phát vé mời,… nhưng khi thấy những khuôn mặt háo hức, những tiếng cười giòn tan, mọi lo lắng trên gương mặt “đoàn làm phim” đều tan biến. Không chỉ chiếu phim, Sunbox còn chia sẻ cách thức thực hiện để bất kỳ ai cũng có thể tổ chức rạp phim tại địa phương với kinh phí chỉ khoảng 300 nghìn đồng.
Làm thiện nguyện không xin tài trợ ảnh 4 Vé xem phim rất oách của “Rạp phim 300k”.

Trong khi đó, “Tủ sách siêu nhân” lại hướng tới mục đích dài hạn hơn, “tri thức sẽ thắp sáng tương lai”. “Tủ sách siêu nhân” được khởi động tại một chung cư cũ, sau đó lưu động vòng quanh các lớp học xã hội, nơi trẻ em ít có cơ hội tiếp cận với sách đúng độ tuổi. Tủ sách thôi thì chưa đủ mà cần thu hút trẻ đến. Sunbox tổ chức các hoạt động đọc sách tập thể, sáng tạo sách tương tác, các trò chơi khoa học từ sách…

Dù mới chạy được một thời gian ngắn nhưng “Kể chuyện trên mặt nước” của Sunbox cũng đã ghé thăm được 7 địa điểm với 13 suất kể chuyện, chơi cùng hơn 600 em bé, rất nhiều con rối được hô biến từ vỏ chai, vô vàn những câu chuyện dễ thương được Sunbox ghi sổ.

Kinh phí hoạt động từ trước đến nay của “Sunbox” hầu hết là tiền túi của thành viên và một ít đến từ các hoạt động workshop. Nhóm hạn chế việc đi xin tài trợ. Trưởng nhóm Ngọc Linh chia sẻ: “Một chương trình thiện nguyện đủ hay và hoạt động hiệu quả sẽ tự sống được. Cả nhóm đều muốn “Sunbox” là một chương trình thiện nguyện, không bị lợi dụng để quảng cáo hay làm thương hiệu”. Thời gian tới, Sunbox dự định sẽ tổ chức sáng tác và xuất bản sách tranh với nội dung thuần Việt, đáp ứng nguồn sách tại “Tủ sách siêu nhân”, đồng thời gây thêm quỹ.

Những ngày này, Sunbox đang rong ruổi trên những con đường đất đỏ bazan bạt ngàn cà phê, nắng gió Đăk Lăk để chiếu phim và diễn rối miễn phí… Với mỗi thành viên Sunbox, chuyến đi này hay những hành trình trước đó đều là những trải nghiệm vô giá. Vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách cần phải vượt qua. Nhưng hình ảnh đại diện mà Sunbox luôn lựa chọn chính là bức ảnh gương mặt đang cười, nụ cười hay lớn hơn là niềm vui cho mọi người.

Năm 2017, giải thưởng thường niên Wechoice Award đã tôn vinh Sunbox tại hạng mục “Nhóm có hoạt động tích cực đến cộng đồng xã hội”. Sunbox là đại diện duy nhất mảng cộng đồng thuộc hạng mục Top 19 Nhân vật truyền cảm hứng.
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.