Thường thì tất cả luôn nghĩ rằng để trở thành nhà vô địch World Cup, một đội bóng phải thể hiện phong độ tuyệt vời xuyên suốt giải đấu, đồng thời xuất sắc và hoàn hảo ở mọi khía cạnh. Không hẳn. 4 đội đăng quang gần nhất, gồm Italia năm 2006, Tây Ban Nha năm 2010, Đức năm 2014 và Pháp năm 2018 đều không đặc biệt ấn tượng ở vòng bảng.
4 năm trước tại Nga, Pháp chỉ ghi được 3 bàn sau 3 trận đầu tiên, bao gồm 1 từ chấm phạt đền và 1 phản lưới, trong khi ở Nam Phi, Tây Ban Nha thua ngay trận ra quân.
ĐT Pháp trong khoảnh khắc đăng quang năm 2018 Ảnh: Getty Images |
Tuy nhiên, World Cup là một giải đấu kéo dài một tháng và Cúp không được trao sau vòng bảng. Mọi thứ chỉ bắt đầu từ giai đoạn knock-out và nếu đội nào có thể giới thiệu một hệ thống chiến thuật mới, phương thức khác để giành chiến thắng, cơ hội luôn rất cao. Và những đội mờ nhạt ở vòng bảng luôn có động lực để thay đổi.
Nhà vô địch 2010 Gerard Pique nói rằng “một trận thua là cần thiết để trở lại con đường chiến thắng”. Năm đó HLV Del Bosque đã sử dụng David Villa ở vị trí trung phong, nhường cánh trái cho Andres Iniesta còn Pedro được tin tưởng bên hành lang phải. Ở giải đấu 4 năm sau đó, sau các màn trình diễn kém thuyết phục, HLV Joachim Loew trả Philipp Lahm về bên phải hàng phòng ngự, đưa Jerome Boateng vào trung tâm và Miroslav Klose, chứ không phải Thomas Mueller, đá cắm.
Theo Aime Jacquet, HLV đã đưa Pháp lên ngôi vô địch năm 1998, “chìa khóa thành công là luôn phải có trong tay kế hoạch B để thích ứng với mọi tình huống, đồng thời gây bất ngờ cho đối thủ”. Như ông chia sẻ, Pháp gặp quá nhiều xui xẻo ở World Cup 1998, thường xuyên rơi vào cảnh mất trụ cột, nhưng sự linh hoạt chiến thuật đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn.
“Để vô địch, đầu tiên phải có một đội ngũ chất lượng, với các cầu thủ luôn tập trung và giàu khao khát. Sau đó là sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo lộ trình luôn đúng hướng. Cuối cùng, không được phép sai lầm, bởi nếu điều đó xảy ra có nghĩa bạn đang chuẩn bị về nhà”, Carlos Parreira, HLV Brazil vô địch năm 1994.
Mario Zagallo, người 4 lần vô địch thế giới (với tư cách cầu thủ năm 1958, 1962, HLV năm 1970 và trợ lý năm 1994), cũng đồng ý với quan điểm đó.
“Đừng làm nô lệ của sơ đồ chiến thuật”, ông cho biết. World Cup 2018, HLV Didier Deschamps một lần nữa nhấn mạnh bằng việc thay đổi giữa các hệ thống 4-3-3 và 4-2-3-1, với mỗi sự điều chỉnh sẽ kéo theo các nhân tố khác nhau.
Tuy nhiên, các HLV có thể điều chỉnh tùy ý nhưng bắt buộc phải đảm bảo sự chắc chắn ở hàng phòng ngự khi bước vào vòng loại trực tiếp. Nhìn lại 6 đội vô địch gần nhất, tất cả giữ sạch lưới 17/24 trận đã chơi ở vòng knock-out. 4 trong số đó không nhận quá 1 bàn thua và 1 đội chỉ thủng lưới 2 bàn. Pháp 2018 là trường hợp cá biệt khi lọt lưới 4 bàn, song nó diễn ra ở 2 trận họ sớm tạo nên cách biệt an toàn, với mỗi trận đều ghi 4 bàn.
Cần nhất sự tự tin
Một trong những yếu tố quan trọng nữa làm nên nhà vô địch, đó là đẳng cấp ngôi sao. Bóng đá hiện đại đề cao tính tập thể, đồng thời thủ tiêu những “đội bóng một người”, thế nhưng các cầu thủ lớn sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn. Pháp được tưởng thưởng vì kiên định với Paul Pogba, Bastian Schweinsteiger rất nổi bật trong chức vô địch của Đức, Iniesta tặng quà cho Tây Ban Nha, Francesco Totti là người hùng của Italia và đặc biệt nhất, Ronaldo ghi 8 bàn để đưa Brazil lên ngôi vương năm 2002 dù không ghi bàn cho họ trong 3 năm trước đó vì chấn thương hành hạ.
Vậy khi có trong tay tất cả những điều này, một đội đã sẵn sàng đăng quang? Chưa. Họ cần đảm bảo sự cân bằng ở mọi khía cạnh. Như nhà vô địch 1998 Emmanuel Petit nói, “phải luôn thoải mái về mặt tâm lý, nhưng đừng thoải mái quá”, hoặc Klaus Augenthaler (1990) cho rằng “cần nhất sự tự tin” trong khi tiền bối của ông, Gerd Muller (1974) lại cảnh báo “chớ có tự tin thái quá”. Làm sao để mọi thứ luôn ở tình trạng hoàn hảo, đây thực sự là một thách thức. Và đội vô địch World Cup luôn là người giỏi nhất trong việc này.