Theo cô Đỗ Kim Trung, chuyên viên tư vấn nữ công – Hội Liên Thanh niên Việt Nam, để làm đậu phụ không cần phải dùng đến thạch cao, chỉ cần ít giấm nuôi hoặc chính nước chua của lần làm đậu phụ trước. Cô Trung cho biết: “Miếng đậu phụ được làm theo cách an toàn sẽ có mùi thơm và vị béo đặc trưng của đậu nành, giống như khi ăn váng sữa đậu nành còn nóng. Đậu phụ cho nhiều thạch cao thường có vị hơi chát, nếu cho nhiều bột thì sờ vào thấy cứng, nặng tay. Tránh chọn những loại có vị béo lạ hoặc mùi quá thơm vì đó có thể là mùi vị của phụ gia”.
Không chỉ nhiễm thạch cao, đậu phục còn rất dễ bị nhiễm nấm, khuẩn trong quá trình chế biến và bảo quản. Nấm có thể sinh sôi rất nhanh trên những khay ép không được vệ sinh kỹ, qua tay người làm và cả trong quá trình bày bán. Vì vậy, khi chọn lựa, nên bỏ qua những miếng đậu phụ có mùi lạ, vị chua.
TS. Đống Thị Anh Đào, Bộ môn Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách Khoa Tp.HCM cho biết: “Thạch cao xây dựng là một chất cơ thể không hấp thu, không tan trong nước, có chứa nhiều tạp chất, nhiều kim loại nặng như sắt, đồng, chì.”
Nếu dùng sản phẩm có chứa thạch cao lâu dài, những kim loại nặng sẽ bám trên bề mặt thành ruột non làm hạn chế khả năng tiết dịch để tiêu hóa thức ăn, đồng thời gây cản trở và làm giảm hấp thu chất dinh dưỡng.
Lâu dần, gan sẽ yếu đi, cơ thể suy yếu vì thiếu chất dinh dưỡng và dễ bị vi khuẩn tấn công.
Ngoài ra, để làm đậu phụ, người ta còn dùng một số muối như canxi sunfat (CaSO4) hoặc canxi clorua (CaCl2), là những chất mà cơ thể có thể hấp thu theo đường máu. Nếu dùng với tỷ lệ cao, cơ thể hấp thu không hết, canxi sẽ được thải ra theo đường tiểu, lâu ngày có thể vôi hóa, gây nên bệnh sỏi thận.