Làm 'tai giả' ủng hộ tuyến đầu chống dịch COVID -19

Nhóm Anti COVID-19 vận động cả người thân cùng hỗ trợ sản xuất “tai giả” silicone
Nhóm Anti COVID-19 vận động cả người thân cùng hỗ trợ sản xuất “tai giả” silicone
TP - Để giúp các y bác sĩ, nhân viên y tế, bộ đội, bệnh nhân… giảm cảm giác đau nhức tai vì đeo khẩu trang 24/24, phong trào làm “tai giả” đang được lan toả khắp cả nước để gửi tặng những người đang ở tuyến đầu chống dịch COVID-19.

Giảm “gánh nặng” cho đôi tai

Thời gian qua, nhóm Anti COVID-19 đã sản xuất được gần 10.000 chiếc “tai giả” bằng silicone để gửi tặng những người trong tuyến đầu chống dịch, giúp họ không còn bị đau tai khi phải sống chung cả ngày với những chiếc khẩu trang. Chị Thùy Trang- người đồng sáng tạo và thiết kế sản phẩm “tai giả” chia sẻ, trong một lần nói chuyện với một bác sĩ ở Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, chị biết được các y bác sĩ ở đây đang cần một sản phẩm để giúp họ không còn bị đau tai khi đeo khẩu trang quá lâu.

“Câu chuyện đó cứ thôi thúc tôi mãi, cho đến khi đọc được bài báo về một cậu bé người Canada trong mùa dịch COVID-19 với ý tưởng làm ra chiếc tai giả bằng nhựa giúp giảm sức ép của dây khẩu trang lên đôi tai. Vậy là tôi quyết định lên kế hoạch thực hiện”, chị Trang kể lại.

Làm 'tai giả' ủng hộ tuyến đầu chống dịch COVID -19 ảnh 1 Những chiếc “tai giả” giúp bác sỹ giảm bớt áp lực của dây khẩu trang lên đôi tai

Từ ý tưởng ban đầu, chị thiết kế lại “tai giả” cho phù hợp với kích cỡ đầu của người Việt Nam. Nhóm tận dụng ngay xưởng may của một thành viên để làm nơi sản xuất. “Thay vì nhựa và da, chúng tôi quyết định chọn chất liệu silicone để dễ sát khuẩn, lại nhẹ nhàng, tái sử dụng được nhiều lần”, chị Trang cho biết thêm.

Những chiếc “tai giả” được sản xuất từ các tấm silicon lớn, cắt ra thành nhiều phần nhỏ. Sau khi dập khuôn xong sẽ được khử trùng lại bằng cồn rồi nhào trộn với bột Talc trong dược phẩm để tạo độ mịn, giảm ma sát với da. Trên mỗi chiếc tai giả có những khấc nhỏ với nhiều nấc để lựa chọn tùy theo kích thước vòng đầu của người đeo khẩu trang.

“Trong thời gian đầu tiên, chúng tôi đã thử sản xuất 400 chiếc tai giả, các sản phẩm được gửi đến 2 bệnh viện lớn là Viện Huyết học - Truyền máu trung ương và Bệnh viện Bạch Mai để các bác sĩ dùng thử. Chúng tôi đã nhận được những phản hồi tích cực. Khi sử dụng sản phẩm, các y bác sĩ vui mừng cho biết đeo sản phẩm này giúp cho việc bịt khẩu trang thoải mái như không đeo cái gì trên mặt, đôi tai được giảm áp lực rất nhiều” - trưởng nhóm Anti COVID-19 phấn khởi khoe.

Đến nay, nhóm của chị Trang đã sản xuất gần 10.000 chiếc “tai giả” để gửi đến các bệnh viện tuyến đầu chống dịch như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh và bệnh viện các tỉnh, thành phố trên cả nước.

“Đan móc đẩy lùi COVID”

Khi cả nước cùng hướng về Đà Nẵng trong đợt bùng dịch COVID-19 lần 2, một tâm sự bâng quơ được chia sẻ lên trang facebook Hội đan móc: “Bình thường chúng ta đeo khẩu trang một buổi là thấy đau nhức tai rồi. Ấy thế mà các y bác sĩ đang chiến đấu với dịch bệnh tại Đà Nẵng phải đeo khẩu trang suốt ngày suốt đêm, có lẽ là không thể nào chịu nổi cơn đau nhức tai…”. Thế rồi sau những bàn luận trao đổi, cuối cùng, nhóm Đan móc Đà Nẵng được ra đời, với tuyên ngôn “Đan móc đẩy lùi COVID”, để tạo nên những chiếc “tai giả” bằng sợi len, sợi dệt hoặc cotton, gửi đến cho các y bác sỹ, thanh niên tình nguyện, bộ đội và bệnh nhân ở nơi đang chống dịch.

Nhóm đan móc bắt đầu từ Đà Nẵng nhưng thành viên thì đã lan tỏa ra khắp các tỉnh thành trên cả nước. Chị Hương Giang (Đống Đa, Hà Nội) có kinh nghiệm đan móc đã hơn 3 năm. Hưởng ứng chiến dịch đan “tai giả”, chị rủ rê cả bạn bè, đồng nghiệp cùng tham gia. Mỗi người một khâu. Ai biết đan thì đan, ai không biết đan thì xâu cúc, xỏ khuy… Chỉ sau 3 ngày, nhóm của chị đã hoàn thành hơn 1.000 cái “tai giả” để gửi đến Đà Nẵng.

Từ ngày nhận được lời “hiệu triệu” của chị em trên nhóm, chị Vũ Thị Tình (Hiệp Hoà, Bắc Giang) thường bỏ giờ nghỉ trưa ở cơ quan để ngồi đan móc. Chị kể: “Thấy mình làm, hai cô bạn cùng phòng cũng thích thú phụ một tay. Sau vài ngày hướng dẫn, hai bạn ấy cũng đã biết móc. Trung bình cứ 5 phút, mỗi người lại hoàn thành một cái. Sau mỗi buổi nghỉ trưa như vậy, bọn mình móc được hơn 25 cái. Xong lại chia nhau mang về nhà, nhờ người thân đính cúc hộ”.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ - Trưởng nhóm Thiện nguyện Hà Tĩnh cũng cho biết, sau gần một tuần triển khai, nhóm đã làm được gần 500 chiếc “tai giả”. Số ”tai giả“ này đã được gửi đến Bệnh viện 199 (Bộ Công an) trụ sở tại Sơn Trà, Đà Nẵng. Hiện, chị và các thành viên “đầu cầu” Hà Tĩnh vẫn đang tiếp tục làm số lượng ”tai giả“ khác để trao tặng y bác sỹ tại các bệnh viện ở những tỉnh thành đang có ca bệnh COVID-19.

Tưởng rằng, Hội đan móc may vá chỉ là “sân chơi” của cánh chị em, nhưng anh Đỗ Quang, 38 tuổi, quê ở tỉnh Bến Tre lại là một trong những thành viên năng nổ nhất. Anh khoe đã làm được hơn 200 cái “tai giả” để gửi tặng các nhân viên ở cửa hàng tiện ích, nhân viên bưu điện, người dân trong khu cách ly ở Đà Nẵng và một nhóm giáo viên coi thi tốt nghiệp THPT ở Bến Tre.

Sản phẩm “tai giả” có chiều dài từ 13cm đến 15cm, rộng khoảng 5cm. Theo các thành viên trong Hội đan móc, sợi len mềm mại, đàn hồi nên sản phẩm khi đeo rất nhẹ, không bị hằn đau lên đầu. Mỗi cuộn len giá thị trường khoảng 30.000 đồng, có thể làm ra được 30-40 cái tai giả.

MỚI - NÓNG