Mặc dù dịch COVID-19 và biến động địa - chính trị trên thế giới đã tác động tới kinh tế, thương mại toàn cầu nhưng quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển và đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và ngược lại Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 và là đối tác lớn nhất trong các nước ASEAN của Trung Quốc.
Do đó, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 30/10-2/11/2022 sẽ làm sâu sắc thêm dòng chảy quan hệ giữa hai quốc gia.
Xe chở hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN) |
Láng giềng tiềm năng
Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng có mối quan hệ hợp tác lâu đời. Với nhiều lợi thế trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, Trung Quốc đã là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với quy mô đạt 55,9 tỷ USD, tăng 37 lần so với năm 2002.
Nếu như năm 2002, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dầu thô chiếm tỷ trọng tới 46% trong tổng kim ngạch xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, hiện chỉ còn chiếm tỷ trọng 0,51%.
Đáng lưu ý, nhóm hàng chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng tới 77,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.
Ngoài ra, cơ cấu hàng nhập khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu chiếm tới 94,15% trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này.
Hai năm qua, tuy chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, nhưng cơ quan hữu quan hai nước vẫn tích cực kết nối, kịp thời trao đổi đưa ra nhiều biện pháp đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu, thông thương hàng hóa giữa doanh nghiệp hai nước được duy trì thông suốt; kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Trung Quốc 2 năm qua vẫn đạt trên 100 tỷ USD.
Thống kê từ Hải quan Việt Nam, năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 165,8 tỷ USD, tăng 24,6% so cùng kỳ năm 2020.
Đáng lưu ý, xuất khẩu hoa quả của Việt Nam sang Trung Quốc đạt được nhiều tiến triển nổi bật; trong đó, chanh leo Việt Nam được thí điểm xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc kể từ tháng 7/2022 và sầu riêng tươi xuất khẩu từ Việt Nam cũng chính thức thông quan những chuyến xe đầu tiên trong tháng 9/2022.
Cũng theo Hải quan Việt Nam, 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 41,22 tỷ USD, tăng 6,22% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 14,6% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.
Trong số đó, nhóm hàng chế biến, chế tạo đạt 33,52 tỷ USD, tăng 12,79% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 14,6% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam ra thế giới và chiếm 81,34% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.
Cụ thể, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu chính gồm: Điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; xơ, sợi dệt các loại…
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc tính đến hết tháng 9 đạt 91,15 tỷ USD, tăng 12,12% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 33,08% trong tổng nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới.
Một số mặt hàng nhập khẩu chính như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; nguyên phụ liệu dệt may da giày; điện thoại các loại và linh kiện; hóa chất; chất dẻo nguyên liệu; ôtô nguyên chiếc; linh kiện, phụ tùng ôtô; hàng rau quả.
Theo Bộ Công Thương, thực hiện cam kết trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) đến nay, Trung Quốc đã giảm thuế cho hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam; trong đó, có nông sản, trái cây tươi. Việc này đã mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn.
Tuy nhiên, với đà tăng trưởng của kinh tế và cùng đó là thu nhập dân cư, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, có gì mua nấy mà đã có sự chọn lọc sản phẩm chất lượng.
Bởi vậy, doanh nghiệp phải thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn, tiêu chuẩn cụ thể, quản lý quy trình canh tác, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc mới có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Chuyển sang chính ngạch
Nhận định từ các chuyên gia, đã qua thời kỳ hàng Việt xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, bởi hiện tại Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế đứng trong top đầu thế giới nên phải siết chặt điều kiện kinh doanh và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đây cũng là một cơ hội nhưng đồng thời gắn liền với thách thức mà doanh nghiệp Việt đón bắt một cách nghiêm chỉnh để từ đó, xuất khẩu sang thị trường này với đầy đủ chứng chỉ, xuất xứ, điều kiện kinh doanh.
Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho rằng chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch là điều mà các ngành chức năng của cả Việt Nam và Trung Quốc đều hướng các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu thực hiện.
Vì thế, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức và tìm hiểu kỹ về nhu cầu thị trường và thay đổi tư duy cũng như tuân thủ quy định nhập khẩu của quốc gia này. Đây cũng là bước đệm để hình thành thị trường xuất khẩu hàng hóa chính ngạch thuận lợi giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Vải là loại trái cây được ưa thích ở thị trường Trung Quốc. (Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN) |
Theo ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thực hiện phương châm “an toàn để xuất khẩu” và “xuất khẩu phải an toàn,” Bộ Công Thương khuyến cáo địa phương vùng trồng và doanh nghiệp xuất khẩu chủ động theo dõi sát tình hình để điều tiết lượng hàng lên biên giới phù hợp với năng lực thông quan, tránh tình trạng ùn tắc hàng hóa.
Mặt khác, triển khai đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 từ khâu nuôi trồng, thu mua, bao gói, chế biến, vận chuyển và xuất khẩu theo hướng dẫn của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ngoài ra, địa phương và doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Trung Quốc về truy xuất nguồn gốc, kiểm nghiệm kiểm dịch và an toàn thực phẩm.
Về lâu dài, Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp cần chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch theo nguyên tắc thương mại quốc tế nhằm đảm bảo xuất nhập khẩu ổn định và bền vững.
Để cung cấp thông tin chính thống đến với doanh nghiệp có hoạt động giao thương với thị trường Trung Quốc, bên cạnh việc thường xuyên có những khuyến cáo, Cục Xuất nhập khẩu đã xây dựng và phát hành Cẩm nang Hướng dẫn xuất khẩu rau quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây là một hợp phần trong đề án của Chính phủ về thúc đẩy, chuyển đổi hoạt động xuất khẩu qua biên giới sang hình thức chính ngạch.
Cẩm nang cung cấp các thông tin cần thiết để hỗ trợ các đối tượng nêu trên chuyển đổi hoạt động sản xuất, xuất khẩu qua biên giới chuyển sang hình thức chính ngạch, khắc phục những yếu điểm còn tồn tại.
Điều này không chỉ tạo ra động lực nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật không chỉ của thị trường Trung Quốc mà còn của các thị trường khác trên thế giới, góp phần đa dạng hóa thị trường, đảm bảo hoạt động xuất khẩu nông sản phát triển bền vững.
Tại Kỳ họp lần thứ 11 Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Lý Phi khẳng định, Bộ Thương mại Trung Quốc rất coi trọng phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam. Đồng thời, đánh giá cao thành quả hai bên thời gian qua.
Cùng đó, đề xuất một số phương hướng, biện pháp thúc đẩy hơn nữa quy mô thương mại song phương như khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhiều hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng tại Trung Quốc như Hội chợ triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc, Hội chợ triển lãm Trung Quốc - ASEAN, tăng cường hợp tác đảm bảo thuận lợi hóa thương mại tại các cửa khẩu biên giới...
Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực phòng vệ thương mại, thương mại điện tử; trao đổi ký kết Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác đảm bảo chuỗi cung ứng Trung - Việt; tăng cường hợp tác trong khuôn khổ đa phương; thúc đẩy giải quyết một số vướng mắc trong hợp tác thương mại, công nghiệp song phương…
Ở phía Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đưa ra một số đề xuất nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn và khôi phục thông quan tại các cửa khẩu biên giới; tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải đường sắt giữa hai nước và hoạt động quá cảnh Trung Quốc đi nước thứ ba.
Mặt khác, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, mở rộng thị trường Trung Quốc đối với nông sản, thủy sản Việt Nam; hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động xúc tiến thương mại và tăng cường hợp tác về quản lý thị trường.
Phản hồi các đề xuất của phía Việt Nam, ông Lý Phi cho hay Trung Quốc đang phối hợp với cơ quan liên quan Việt Nam hoàn tất đàm phán Nghị định thư mở cửa thị trường Trung Quốc đối với khoai lang, tổ yến của Việt Nam và mong muốn mở rộng nhập khẩu các loại nông sản chất lượng cao từ Việt Nam.
Đặc biệt, Trung Quốc sẵn sàng phối hợp bảo đảm duy trì thông suốt, tránh gián đoạn và nâng cao hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu biên giới với phía Việt Nam trên tiền đề an toàn phòng chống dịch./.
Link gốc: https://www.vietnamplus.vn/lam-sau-sac-them-dong-chay-thuong-mai-hai-nuoc-viet-namtrung-quoc/826207.vnp