Làm sao ngăn việc 'học giả, bằng thật?'

Làm sao ngăn việc 'học giả, bằng thật?'
TP - Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình diễn ra chiều 26-3 với nhiều câu hỏi xung quanh công tác tuyển dụng, chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền cơ sở.

Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình:

Làm sao ngăn việc 'học giả, bằng thật?'

>Nhiều đơn vị, cá nhân lên tiếng việc mua chứng chỉ
>Nhộn nhịp "chợ" bằng cấp trên mạng

Đại biểu Bùi Thị An (TP Hà Nội) đề cập chất lượng tuyển dụng và thu nhận cán bộ, công chức hiện nay, “trong quá trình tuyển luôn có dư luận “chạy” tiền hàng trăm triệu trở lên, Bộ trưởng có biết việc này không và nếu có thì có giải pháp gì cho vấn đề này?”. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nói: Trong quá trình tuyển vẫn có nghe dư luận này, dư luận kia về việc chạy chọt nhưng để có bằng chứng chứng minh cho việc này thực hư như thế nào thì rất khó.

Bộ trưởng nói Bộ sẽ nghiêm túc thực hiện và tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật về tuyển dụng, bố trí, phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường của công chức, viên chức trúng tuyển. Cùng với đó sẽ đổi mới và nâng cao chất lượng tuyển dụng theo hướng công khai, minh bạch, khách quan và ứng dụng công nghệ tin học vào công tác thi tuyển công chức thông qua hình thức thi tuyển trên máy tính.

Đại biểu Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng, nhắc đến tình trạng “học giả bằng thật” của một số cán bộ, công chức hiện nay. “Thời gian qua, nhiều cơ quan thông tin đại chúng phản ánh, phát hiện việc thi hộ, học hộ diễn ra khá phổ biến, với những tấm “bằng thật” nhưng “học giả” này, các cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền tiếp tục có được những vị trí tốt, khâu tuyển dụng đánh giá của chúng ta rõ ràng đang có vấn đề”, ông Tiến nói.

Cùng với đó ông Tiến đặt câu hỏi cho Bộ trưởng về hình thức và nội dung tuyển dụng hiện nay “trong cùng một kỳ thi, các đối tượng dự thi vào các cơ quan, đơn vị khác nhau vẫn thi chung một đề và việc này dẫn đến nhiều bất cập trong quá trình tổ chức thi tuyển, đề thi không sát với đặc thù của từng ngành, lĩnh vực, vị trí cần tuyển...”.

Bộ trưởng Bình nói việc này đang được đổi mới theo hướng tuyển dụng theo vị trí việc làm, đề cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Cụ thể là: Quy định thi kiến thức chung, nghiệp vụ chuyên ngành, ngoại ngữ và tin học, trong đó tin học và ngoại ngữ chỉ là nội dung điều kiện. Đề thi không xây dựng chung như trước đây mà được phân biệt giữa các ngành, lĩnh vực, đối tượng khác nhau.

Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận công tác đào tạo, bồi dưỡng vẫn có nhiều hạn chế như tính quy hoạch chưa cao, chất lượng, hiệu quả còn thấp, cán bộ, công chức đi học nhiều, nhưng chưa thực sự nâng cao được chất lượng và hiệu quả công việc.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề cập việc cải cách tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp, trong đó có chính quyền cấp cơ sở và đề nghị Bộ Nội vụ có những chỉ đạo kịp thời hơn trong thời gian tới. Theo Bộ trưởng Bình, Bộ Nội vụ đang xây dựng để trình Chính phủ Dự án Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) vào tháng 11, cùng với đó sẽ nghiên cứu đề xuất đổi mới đồng bộ tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động và nhiệm vụ, thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp.

Một đề án khác mà Bộ Nội vụ đang xây dựng liên quan việc tổ chức chính quyền đô thị. Trên cơ sở đó, kiến nghị với Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Ban Bí thư Trung ương Đảng các giải pháp phân biệt mô hình tổ chức chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, xây dựng mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và nhiệm vụ, thẩm quyền phù hợp với từng loại hình đơn vị hành chính.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG