Xưng hô
Nghe tin bạn cũ lên chức to, Tam Phượng đi thăm, tính hưởng chút thơm tho cho đỡ khổ. Đến cổng bị hoạnh họe, vào trong bị cật vấn, coi không là thứ gì, Tam Phượng cố nuốt giận. Khi ngồi đợi, nghe phòng bên “thưa cụ”, “kính cụ” thì nguôi ngoai, đang có cụ lớn nào đó?
Nhưng “cụ” chính là người bạn và bạn giải thích: “Từ ngày lên chức to được cấp dưới gọi là cụ”. Tam Phượng chợt tỉnh, chức kia tước nọ cho kẻ dưới, không phải cho bạn bè.
Quan khách
Bạn làm quan của Tam Phượng than: “Quanh năm suốt tháng lễ hội”. Rồi kể, một năm một tỉnh có hơn chục lễ hội, trong vùng có hơn chục tỉnh và cứ mời nhau hết khai mạc đến bế mạc, nên luôn phải đi dự. Tam Phượng xuýt xoa: “Làm quan vui vẻ nhỉ”. Người bạn chép miệng: “Nhưng lại không được làm chủ”. Tam Phượng ngạc nhiên: “Sao vậy?”. Bạn làm quan thở dài: “Thì quanh năm đi đến nhà người ta làm khách, làm quan khách chứ có được làm chủ đâu”.
Sáng
Bất ngờ, bạn làm quan to rủ Tam Phượng vào nhà sách. Thấy dừng lại nơi có nhiều sách hồi ký, Tam Phượng hỏi: “Mua vài cuốn nhé?”. “Thôi”, bạn gạt phắt rồi vừa đi vừa nói: “Sợ viết nịnh”. Ra khỏi nhà sách, bạn tâm sự: “Làm quan còn sợ khi xuống âm phủ, cứ làm hỏng việc này thì chuyển sang việc khác, có khi mãi không được tái sinh luân hồi”. Tam Phượng nói: “Mặt anh sáng như trăng rằm, sợ gì”. Bạn hốt hoảng: “Không được nói vậy vì trong trăng có Cuội”.
Yêu ghét
Sáng sớm, Tam Phượng đọc báo xong, buông câu xanh rờn: “Quả là quan chức thời nay ghét xa hoa”. Những người xung quanh cãi lại, họ nói, quan chức thời nay nhiều người vung vít của công, ăn nhậu lu bù, chơi bời xả láng. “Đừng bảo hiện tượng cá biệt nghe”, họ đe. Tam Phượng cười cười: “Không phải cá biệt”. Mọi người chợt im lặng, tò mò nhìn Tam Phượng và nhìn tờ báo. Tam Phượng giơ tờ báo lên: “Trong này viết nhiều quan chức ghét xa hoa mà ưa gần hoa”.