Có nhiều doanh nghiệp tâm huyết xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động nhưng khi triển khai thì vướng đủ thứ, trong đó thủ tục quá rườm rà khiến thời gian từ khi xin giấy phép xây dựng đến khi triển khai mất đến 3 năm. Do đó, việc doanh nghiệp không mấy mặn mà với nhà ở xã hội là điều dễ hiểu.
Ông Nghĩa dẫn chứng, doanh nghiệp của ông đã xây dựng khoảng 7.000 căn hộ để phục vụ phân khúc khách hàng có thu nhập thấp và sản phẩm làm ra không đủ để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, khi triển khai một số dự án không sử dụng đất công, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước nhưng vẫn bắt buộc kiểm toán.
Tương tự, ông Nguyễn Trần Hải, Giám đốc Trường Phát Group cho biết, sau khi nghiên cứu mô hình nhà ở dành cho công nhân ở Bình Dương, công ty của ông cũng mong muốn dự định đầu tư 10.000 căn nhà tại các khu công nghiệp ở TPHCM và Long An. Tuy nhiên, mới chỉ làm được 800 căn ở Long An thì sắp chịu hết nổi vì… thủ tục quá rườm rà, nhiêu khê. “Lợi nhuận đầu tư không cao mà đối tượng bán lại là người có thu nhập thấp, nếu quy định lại nhiêu khê trong việc duyệt bán nhà thì rất khó cho doanh nghiệp”- ông Hải nói.
Trưởng phòng Quản lý các khu công nghiệp TPHCM Trần Công Khanh kiến nghị, để giải quyết được tình trạng thiếu nhà ở cho công nhân, đòi hỏi nhà quy hoạch phải có chiến lược xây dựng quỹ đất từ trước. Đồng thời các sở, ngành phải tích cực hỗ trợ đồng bộ về vốn, thủ tục cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng. Ngoài việc hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án (giao thông, cấp điện, cấp nước) thì cần nghiên cứu bổ sung để các doanh nghiệp đầu tư nhà ở giá rẻ được áp dụng thuế suất ưu đãi thuế giá trị gia tăng (thuế suất 0%), miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm...