Làm nghệ thuật không phải để ve vãn

Làm nghệ thuật không phải để ve vãn
TP - Thiên hạ thường ví von “đẹp như tranh” nhưng ngắm tranh Lê Quảng Hà bằng con mắt thường tình sẽ thấy điều ngược lại. Thế nên, chẳng ngạc nhiên khi lượng fan của người nổi tiếng này không đông như nhiều hoạ sỹ tôn thờ chủ nghĩa duy mỹ khác.

Hoạ sỹ Lê Quảng Hà:

Làm nghệ thuật không phải để ve vãn

Điều đó hình như cũng chẳng làm Lê Quảng Hà bận tâm. Anh vẫn say sưa với nghề và tiếp tục trình làng những tác phẩm hình như khiến người ta sợ.

Người ưu ái thì bình tranh Lê Quảng Hà “khoáng đạt, man dại” hoặc “phóng túng, táo bạo” nhưng nhiều kẻ không chịu nổi đã phải kêu “quái dị”. Chẳng thấy tác phẩm hội hoạ nào rặt những súng ống, máy móc, những người không ra người… như tranh Lê Quảng Hà. Người ghét tranh của anh không ít. Lê Quảng Hà thừa biết điều đó song vẫn quyết không chạy theo vẻ đẹp thị giác, theo anh “những cái đèm đẹp” chính là “ma tuý tâm hồn”.

Anh từng viết: “Tôi muốn là người đọc lời điếu ngợi ca và tiễn đưa người anh hùng duy mỹ”. Anh nghĩ đây là thời tàn của cái đẹp?

Không, không hẳn như thế. Đó là quan niệm của cá nhân tôi thôi. Có những người theo chủ nghĩa duy mỹ và họ vẫn ngợi ca điều ấy. Còn với tôi nó đã trở nên cũ kỹ và nhàm chán bởi thói vờ vịt vô trách nhiệm trước xã hội . Hãy lôi trần sự thật của xã hội ra ngoài để có sự so sánh nhất định.

Phải chăng Lê Quảng Hà muốn cảnh tỉnh xã hội?

Có những cái trong cuộc sống hằng ngày chúng ta đều chạm phải nhưng lại tránh né nó nhưng tôi quyết định không né tránh mà đối diện với tất cả.

Thí dụ như vấn đề tình dục?

Tình dục chỉ là một góc nhìn, một mảng trong lĩnh vực tôi quan tâm, nó chỉ như một chất liệu mà thôi. Nhiều khi từ ngôn ngữ tình dục tôi có thể nói ra câu chuyện khác, câu chuyện về nhân tính, câu chuyện về sự thú hoá…

Với anh, để thấy được trong trẻo phải nhìn từ gồ ghề?

Thực ra nó giống như là việc mình đặt tất cả lên bàn không cần tô điểm nhiều hãy để sự thật lộ ra và quyết định là công chúng.

Từ bao giờ anh nghĩ ra con đường anh đi là như thế?

Nghĩ ra thì hơi chủ quan quá, có lẽ là tôi cho rằng đó là hiện thực xã hội. Trách nhiệm nghệ sỹ phải đưa hiện thực ấy bằng phương pháp nghệ thuật.

Anh muốn đưa vào tranh của mình hiện thực trần trụi?

Bản chất của hiện thực đúng nghĩa là trần trụi. Không có thứ hiện thực được tô điểm, tôi đang đi trên con đường từ hiện thực đến hiện thực huyền ảo. Thậm chí bước hẳn sang hiện thực huyền ảo. Tất nhiên một sự thật trần trụi mang vào tác phẩm nghệ thuật sẽ trở nên thô thiển nhưng nó được tư duy hoá bằng cách nghĩ của người nghệ sỹ thông qua nghệ thuật nó sẽ mang đến những thông điệp mở cho xã hội.

Tranh tôi treo ở toilet

Người ta chê tranh anh nhiều lắm. Nào là xấu , kinh dị…?

Tôi làm nghệ thuật không phải để ve vãn.

Không ve vãn công chúng?

Thậm chí cả mình.

Có vẻ hơi khắc nghiệt?

“Mục đích của nghệ thuật là truyền tải cảm xúc. Cảm xúc thì có nhiều cung bậc: Yêu ,Ghét, hờn giận ,thậm chí căm thù và sợ hãi… nhưng cảm xúc lãng mạn thường được coi là cảm xúc lương thiện, thánh thiện .Dùng cách biểu đạt sự lãng mạn cho cả súng đạn, bạo lực và chiến tranh thì đó lại là tội ác. Còn tôi muốn đưa đến cho con người ta cảm xúc mạnh nhất, đập thẳng vào, đó chính là sự sợ hãi với những điều này.

Tôi là người theo chủ nghĩa lạc quan, tôi không hằn học và khắc nghiệt. Tôi đủ tự tin để hiểu việc mình làm, đủ tự tin để tồn tại trong cả mọi sự khắc nghiệt với mình.

Ngay cả những lời chê mà anh nhận được không ít cũng được anh tiếp nhận không hằn học?

Tôi hiểu để thoát khỏi thói quen được ve vãn, được chiều chuộng là vô cùng khó. Nhưng thực ra người ta đang tự đánh lừa mình, không mấy ai dám nhìn thẳng vào sự thật của họ, của mọi thứ xung quanh.

Bởi sự thật thường cay đắng?

Nhưng phải chấp nhận. Đó chính là cuộc sống, nếu không chúng ta chỉ giống như sống trong tiệm giải phẫu thẩm mỹ.

Giải phẫu thẩm mỹ bây giờ lại đang lên ngôi?

Tôi đồng ý rằng con người ta cần phải đẹp nhưng ngoài những cái đẹp chung chung của tiệm giải phẫu thẩm mỹ thì mỗi con người đều có một cá tính, đều có một cuộc sống riêng, hơi thở riêng, đó là giá trị của con người. Nếu không chúng ta cứ đến tiệm giải phẫu sẽ thấy người ta đưa cho một vài mẫu mũi, mắt, ngực, mông và chúng ta lựa chọn trong những cái đó giống như lắp những cỗ máy vào nguời, chẳng còn tinh thần của chúng ta nữa.

Nghe đồn tranh của anh rất đắt giá?

Đồn đại à (cười). Tôi không biết tranh của mình có đắt không, cái này chỉ có những nhà sưu tập và kinh doanh biết thôi.

Nhưng hình như tranh của anh không đắt khách lắm?

Tranh của tôi không nhiều khán giả lắm.

Đối tượng nào mê tranh anh?

Tôi khó nắm bắt được họ. Có những người yêu quý tôi từ hàng chục năm nay sẵn sàng ủng hộ trong công việc của tôi làm mà không hề vụ lợi.

Mỗi bức tranh đều có một vị trí để treo, nếu tôi sở hữu một bức tranh của anh, anh gợi ý tôi nên treo ở đâu?

Một lần, cách đây đã lâu, có một gallery triển lãm tranh quy tụ rất nhiều hoạ sỹ, có thể nói là những người thời thượng. Họ đến tranh giành nhau những điểm treo tranh đẹp trong phòng, gần như biến thành cuộc đấu tranh. Sau khi bước vào, tôi nói, hãy treo tác phẩm của tôi trong toilet (nhà vệ sinh).

Vì sao?

Một tác phẩm thực sự thì ở đâu cũng có giá trị của nó. Không phải ở chỗ nó được treo lên.

Tại sao tranh anh dữ dội, nhiều máy móc, súng ống… Chưa từng thấy ai vẽ vậy ở Việt Nam?

Thực ra tôi là người ít đọc sách nghệ thuật. Phần lớn mọi người hay nhìn tôi như một người rất bản năng. Nhưng tôi cho rằng tôi là người lí trí. Nếu tôi không lí trí tôi đã gục ngã từ lâu.

Phải chăng anh cố tình vẽ như thế để người ta nhận ra mình?

Tôi phản đối quan điểm đó. Nhiều nhà phê bình hay khen nghệ sỹ này có phong cách, anh kia định hình phong cách, ý người ta nói đã có cái riêng. Nghệ sỹ mừng vui vì lời khen ấy. Còn tôi cho rằng, định hình phong cách chính là điểm chết của nghệ sỹ.

Tác phẩm của Lê Quảng Hà
Tác phẩm của Lê Quảng Hà.

Anh đang định nói không biết ngày mai anh sẽ vẽ ra sao?

Điều thú vị nhất chính là vậy chứ không phải mãi mãi chúng ta như ngày hôm qua. Chỉ có một điều tôi cố gắng không thay đổi đó là giữ sự trung thực với chính mình.

Dạo này anh không còn mua lại những bức tranh chưa ổn của mình để đốt đi?

Mọi người cho rằng đó là hành động ngạo mạn nhưng tôi làm việc đó không bằng sự ngạo mạn mà đầy tính trách nhiệm với cá nhân mình. Mỗi người họa sỹ vẽ xong bức tranh thường thấy thoả mãn. Bỗng một lúc nào đó, nhìn lại tác phẩm cũ ở đâu đấy, mình thấy không hài lòng, thấy ấu trĩ, thấy ve vãn, thấy ngược lại suy nghĩ của mình, ước mơ của mình, tham vọng của mình thì mình cần phải đối xử với nó như đối xử với chính mình một cách công bằng, đó là biết phủ nhận.

Khi đốt tranh chắc anh đang còn trẻ?

Tôi luôn trẻ. Không lẽ bạn nghĩ tôi đã già?

Nghĩa là bây giờ anh đang hài lòng với các tác phẩm của mình. Vì không thấy anh mua lại tranh của mình để đốt nữa?

Ồ, còn khá nhiều những tranh từ ngày xưa đến giờ tôi nhìn thấy ấu trĩ, có lẽ là khả năng về tài chính của tôi không còn đủ để làm việc ấy nữa.

Sao anh vẽ phụ nữ xấu?

Anh không bao giờ có cảm hứng với những gì đèm đẹp?

Không hẳn. Tôi có những bức tranh rất lãng mạn, như bức tranh “Cuộc sống tươi đẹp” thật sự lãng mạn, thật sự đẹp đẽ, tôi vẽ về gia đình.

Gia đình rất có ý nghĩa với anh?

Ở một góc nào đấy, tôi tự nhận xét tôi là người rất yêu gia đình. Gia đình là nơi ấm êm, an toàn…

Anh không yêu phụ nữ hay sao mà anh vẽ phụ nữ xấu thế?

Tôi nhắc lại, tôi không làm nghệ thuật để ve vãn. Thêm nữa, với một phụ nữ hay một đàn ông tôi vẽ trong tranh chỉ như một nhân vật , để nói lên quan điểm của tôi. Tôi có thể vẽ chân dung một người cụ thể nhưng đó là cái tôi nhận biết về người ta, chứ không phải hình hài đơn giản bên ngoài .

Vẫn thấy mọi người bình luận, tranh của anh là sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, phần "con" và phần "người"…Thực ra khi vẽ anh có ý nghĩ to tát ấy không hay anh được mọi người khoác cho cái áo?

Mọi người khoác cái áo ấy hơi to. Nếu lúc làm việc tôi còn nghĩ quá nhiều đến những việc đó thì chẳng làm nổi cái gì. Tác phẩm nghệ thuật mà viết ra được bằng lời, nói được bằng câu thì tôi hơi chán, nó trần trụi quá. Tác phẩm nghệ thuật phải làm cho suy nghĩ con người ta mở ra chứ không phải đóng lại.

Từ trẻ đến giờ anh đã kinh qua nhiều nghề, từ làm thợ đến làm chủ quán nhưng có lẽ giữ chân anh vững nhất vẫn là nghề vẽ tranh. Đây có phải đích đến cuối cùng?

Chả ai nói trước được. Dạo này tôi lại quan tâm đến kiến trúc, điêu khắc tôi cũng thấy thú vị.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG