Làm khoa học không được cả nể

GS Ngô Bảo Châu: Sẽ khuyến khích, lôi cuốn các nhà toán học trẻ VN ở nước ngoài tham gia Viện Nghiên cứu Ảnh: Hồng Vĩnh
GS Ngô Bảo Châu: Sẽ khuyến khích, lôi cuốn các nhà toán học trẻ VN ở nước ngoài tham gia Viện Nghiên cứu Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Chỉ vài tiếng trước Lễ nhận quyết định bổ nhiệm chức danh Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã dành riêng cho Tiền Phong một cuộc trò chuyện xung quanh trọng trách này.

>> GS Ngô Bảo Châu nói về công việc mới tại Việt Nam

GS Ngô Bảo Châu: Sẽ khuyến khích, lôi cuốn các nhà toán học trẻ VN ở nước ngoài tham gia Viện Nghiên cứu Ảnh: Hồng Vĩnh
GS Ngô Bảo Châu: Sẽ khuyến khích, lôi cuốn các nhà toán học trẻ VN ở nước ngoài tham gia Viện Nghiên cứu.
Ảnh: Hồng Vĩnh .

GS Ngô Bảo Châu nói: Cá nhân tôi có hai mảng công việc độc lập với nhau, nhà khoa học và người lãnh đạo Viện. Hè tới tôi về nước phụ trách một nhóm nghiên cứu gồm một số nhà khoa học làm gần ngành với tôi đến từ khoa Toán các ĐH Quốc gia Hà Nội, TPHCM.

Thời gian đầu có thể chỉ là một nhóm nhỏ, hy vọng về sau nhiều người tham gia hơn. Sang năm, khi Viện có kinh phí ổn định, tôi sẽ mời thêm một số giáo sư nước ngoài, giáo sư Việt Nam làm việc ở nước ngoài đến làm việc chung.

Với vai trò lãnh đạo Viện, trách nhiệm của tôi là đảm bảo hoạt động khoa học của Viện đúng tinh thần mình đưa ra từ ban đầu: tăng cường khả năng nghiên cứu của các nhà toán học trong nước, tạo điều kiện để giảng viên các trường đại học được tham gia nghiên cứu khoa học.

Công việc cụ thể ngay sau đây của tôi là kiện toàn bộ máy hoạt động khoa học một cách có quy củ. Năm đầu có thể Giám đốc Khoa học chỉ định đề tài nghiên cứu. Năm sau, điều này phải được thông qua một hội đồng khoa học. Chúng tôi thành lập một hội đồng khoa học như vậy hè này.

Viện tạo điều kiện cho các nhà khoa học, giảng viên nghiên cứu khoa học bằng cách nào?

Đó là khuyến khích, hỗ trợ để họ lập các nhóm nghiên cứu, lôi cuốn các nhà toán học trẻ Việt Nam ở nước ngoài tham gia. Một trong những vấn đề nóng bỏng của các trường ĐH cũng như việc nghiên cứu ở ta là thiếu nhà khoa học trẻ, thiếu sức sống mới.

Để khắc phục điều này, cách duy nhất là tạo ra những nhóm nghiên cứu mới. Nhiều bạn trẻ Việt Nam ở nước ngoài nói với tôi rằng họ rất muốn quay về nước nhưng vẫn băn khoăn. Nếu về mà ngay lập tức phải vật lộn với cơ chế hành chính ở ta hiện nay thì mạch nghiên cứu khoa học bị đứt đoạn.

Viện sẽ đóng vai trò cầu nối giữa các nhà khoa học đó với môi trường làm việc trong nước. Đó là nơi các bạn ấy dừng chân trong vòng một hai năm đầu. Khoảng thời gian đó đủ để giúp họ tổ chức các nhóm nghiên cứu ở Việt Nam.

Làm đề tài để chia chác:

Không thỏa hiệp!

Làm sao để tránh tình trạng các nhóm nghiên cứu tạo ra những hướng nghiên cứu mới nhưng kỳ thực chỉ là để chia nhau tiền?

Tôi cũng được cảnh báo về hiện tượng này. Cá nhân tôi có trách nhiệm đảm bảo tinh thần của Viện không thỏa hiệp với những chuyện đó. Chính vì thế, tôi muốn nhanh chóng đưa hoạt động của Viện vào quy củ, sớm thành lập hội đồng khoa học. Nói là giám sát hằng ngày thì không có, vì về nguyên tắc trong nghiên cứu khoa học là phải đặt lòng tin vào các nhà nghiên cứu.

Nhưng khi mình lập nhóm nghiên cứu thì hội đồng khoa học phải nghiêm túc xem xét; những người được tuyển chọn phải là những người đang làm khoa học tốt, có công trình được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận. Mình phải thấy rõ họ làm được và đang say sưa làm, chắc chắn phải tránh việc người ta đến Viện để chơi; họ đến Viện không chỉ để nghiên cứu cho họ mà còn để thúc đẩy kết quả nghiên cứu khoa học Việt Nam.

Ai có thẩm quyền lập nên danh sách Hội đồng khoa học và liệu có tình trạng vì nể nhau mà đưa vào hội đồng những cá nhân thiếu tâm huyết?

Bản thân tôi sẽ là một trong những người chịu trách nhiệm chính về việc lập hội đồng khoa học. Để có một danh sách hội đồng khoa học gồm những giáo sư xứng đáng, tôi sẽ thảo luận và lắng nghe ý kiến những nhà khoa học có uy tín ở Việt Nam.

Trong mối quan hệ xã hội có thể mình nể nang người nọ người kia vì nhiều lý do. Nhưng khi làm việc để đi đến bản chất khoa học thì không được cả nể.  

Còn chuyện cả nể mà đưa ai đó vào danh sách hội đồng, tôi khẳng định chắc chắn không có. Trong mối quan hệ xã hội có thể mình nể nang người nọ người kia vì nhiều lý do. Nhưng khi làm việc để đi đến bản chất khoa học thì không được cả nể.

Có một số ý kiến tỏ ra lo ngại khi nghe tin Giáo sư được bổ nhiệm chức danh Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán. Họ cho rằng Giáo sư có thể giỏi về chuyên môn nhưng chưa hẳn giỏi về quản lý?

Hiển nhiên là tôi thấy công việc quản lý khó khăn. Còn mình có vượt qua khó khăn để làm tốt hay không phải chờ thời gian. Vai trò chính của tôi là đảm bảo công việc khoa học hoạt động tốt; kinh phí nhà nước cấp cho để thành lập các nhóm nghiên cứu mới được sử dụng đúng mục đích và có tác động thực sự tới khoa học trong nước. Còn người giúp tôi công việc quản lý hành chính hằng ngày tại Viện là Giám đốc Điều hành.

Giáo sư có e ngại Giám đốc Điều hành sẽ qua mặt Giáo sư để điều hành theo cách của họ?

Hiện giờ đã có dự kiến Giám đốc Điều hành là ai rồi. Đó là một đồng nghiệp, một nhà toán học tôi hết sức tin tưởng qua quá trình làm việc lâu dài. Giám đốc Điều hành chịu trách nhiệm trước Nhà nước về cách điều hành của họ. Khởi đầu bao giờ cũng do uy tín, sự tin tưởng về mặt cá nhân với nhau. Trong công việc thì mỗi người phải chịu trách nhiệm của mình.

Giáo sư sẽ dành thời gian cho Viện như thế nào? Công việc ở Viện có chi phối công việc chuyên môn của Giáo sư ở ĐH Chicago?

Mỗi năm, ít nhất sẽ có 3 tháng hè tôi về làm việc tại Viện. Hội đồng khoa học sẽ họp 3 – 4 tháng/ lần để có kế hoạch làm việc tiếp theo nên trong năm học tôi cũng sẽ bố trí thời gian để về tham dự các cuộc họp này. Nhưng tôi sẽ không để điều đó ảnh hưởng tới việc nghiên cứu khoa học của tôi. Theo tôi, một Viện muốn làm khoa học tốt thì người làm lãnh đạo Viện cũng phải làm khoa học tốt.

Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán, GS Ngô Bảo Châu Ảnh: Hồng Vĩnh
Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán,
GS Ngô Bảo Châu. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Tương lai của ĐH là các nhóm nghiên cứu

Trước đây, Giáo sư từng nói hiệu quả từ mô hình hoạt động của Viện sẽ tác động trở lại với việc nâng cao chất lượng giảng dạy ngành Toán trong các trường ĐH. Giáo sư có thể giải thích rõ mối quan hệ tương tác giữa các nhóm nghiên cứu của Viện với các trường?

Một trong những tiêu chí chính để chọn các nhóm đến làm việc tại Viện là thấy được tác động của nhóm đó ngược lại với trường ĐH. Chẳng hạn, nếu nhóm làm việc có sự tham gia của một cán bộ giảng dạy trẻ của một trong số các ĐH Quốc gia Hà Nội, TPHCM, các trường ĐH Sư phạm... sẽ được ưu tiên. Khả năng nghiên cứu khoa học là một trong những yếu tố quyết định chất lượng giảng dạy của môn Toán.

Viện sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình khi tạo ra những nhóm nghiên cứu có những hướng nghiên cứu mới. Trong nhóm đó có sẵn một số người của các trường ĐH, một số bạn trẻ ở nước ngoài về. Nếu các trường có thiện chí lôi cuốn những nhóm nghiên cứu đó về trường mình tiếp tục nghiên cứu, đó là điều tuyệt vời.

Tất nhiên điều đó ngoài tầm kiểm soát của tôi. Mình chỉ có thể làm đến mức đó. Vấn đề là các trường phải ý thức việc thu hút những người trẻ, giàu tâm huyết, lập những nhóm nghiên cứu mới là sự sống còn trong tương lai của họ.

Thời gian khó khăn nhất là lúc khởi động, tức là thành lập một số nhóm nghiên cứu, những nhà khoa học làm việc được với nhau và có kết quả ban đầu. Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán sẽ làm được việc đó. Việc các nhóm nghiên cứu tiếp tục được sử dụng là trách nhiệm của các trường ĐH.

Giáo sư có e ngại chất lượng làm việc của các nhóm nghiên cứu sẽ bị ảnh hưởng khi họ từ Viện trở về làm việc tại trường?

Các nhà khoa học khi đã theo đuổi con đường nghiên cứu thì họ xem việc nghiên cứu là một cái “nghiệp”. Có thể có những lúc họ uể oải, nhưng khi được nhận một cú hích, họ sẽ lại miệt mài. Trong khoa học, nếu một người làm việc đơn thương độc mã, không có ai chia sẻ, không có ai giúp đỡ, họ sẽ khó đạt được kết quả tốt trong công việc.

Nếu để ý bạn sẽ thấy những phân ngành Toán ở Việt Nam làm có kết quả tốt là những phân ngành có 2 – 3 giáo sư cùng làm phạm vi tương đối gần nhau. Họ vừa cạnh tranh với nhau, vừa hợp tác với nhau. Đó là động lực chính để phát triển khoa học.

Cảm ơn giáo sư.

Ngày 9-3, Bộ GD&ĐT công bố quyết định bổ nhiệm giáo sư Ngô Bảo Châu làm Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán. Đây là quyết định bổ nhiệm đầu tiên, đồng thời duy nhất về nhân sự bộ máy Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán.

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, những công việc tiếp theo mà bộ này sẽ làm để hoàn thiện bộ máy là họp để thông qua việc bổ nhiệm các chức danh khác của Viện (như Giám đốc Điều hành, Chánh Văn phòng Viện, Kế toán trưởng...). Ứng cử viên vào các chức danh này do GS Ngô Bảo Châu đề xuất.

Trụ sở của Viện tạm thời đặt ở tầng 7 toà nhà Thư viện Tạ Quang Bửu, trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Về lâu dài, chính quyền TP Hà Nội có trách nhiệm tìm đất để Viện xây trụ sở.  

Quý Hiên (thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG