> Gan nhiễm mỡ - Bệnh không chỉ của ‘sâu’ rượu
Men gan có bốn loại, đó là AST hoặc còn được gọi là SG0T. Loại thứ hai là ALT hay còn gọi là SGPT. Hai loại men gan này có trong tế bào gan, mỗi khi tế bào gan bị tổn thương thì giải phóng ra.
Loại thứ ba là alkaline phosphatase có trong màng tế bào gan và loại thứ tư là GGT có chủ yếu trong tế bào gan, ngoài ra còn có trong thận, đường mật, tụy, lách, não, tim.
Men GGT có vai trò chuyển hóa các amino acides qua màng tế bào và chuyển hóa chất glutamyl trong quá trình trao đổi chất của cơ thể. Khi men gan tăng từ 1 - 2 lần là ở mức độ nhẹ, tăng từ trên 2 - 5 lần là mức độ trung bình và tăng trên 5 lần là ở mức độ nặng.
Khi gan bị viêm hoặc chấn thương vì bất kỳ một lý do nào đó hoặc do tổn thương ở đường dẫn mật làm ứ trệ sự lưu thông của dịch mật làm ảnh hưởng đến tế bào gan thì tế bào gan sẽ gia tăng sản sinh và bài tiết men gan.
Sự gia tăng men gan rõ nét nhất là viêm gan cấp tính đặc biệt là viêm gan cấp do virus viêm gan.
Viêm gan cấp tính do virus có khi men gan tăng gấp từ 10 - 20 lần. Đối với viêm gan virus mạn tính thể tiến triển hoăc xơ gan hoặc viêm gan tự miễn thì men gan cũng có thể gia tăng một cách đáng kể.
Các nguyên nhân khác làm tổn thương tế bào gan như rượu (đặc biệt là trong các trường hợp nghiện rượu, ngộ độc rượu), sốt rét, ung thư gan, ngộ độc hóa chất cũng làm cho men gan gia tăng.
Bệnh về đường mật cũng có liên quan mật thiết với tăng men gan như sỏi đường dẫn mật, sỏi túi mật, giun chui ống mật, viêm đường mật.
Ngoài ra có một số nguyên nhân ngoài gan cũng có thể làm gia tăng men gan như các bệnh nhiễm trùng nặng (bệnh sởi, Rubella, nhiễm khuẩn huyết) hoặc có một số hóa chất hoặc thuốc.
Nếu tình cờ phát hiện men gan trong máu gia tăng, đặc biệt là tăng gấp đôi chỉ số bình thường thì cần đi khám bệnh để bác sỹ xác định nguyên nhân. Khi xét nghiệm cho thấy men gan tăng cao thì cần nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý. Nếu do rượu thì nên ngừng uống và tốt nhất là bỏ rượu. Nếu do đang dùng một loại thuốc nào đó thì cần hỏi ý kiến bác sỹ đang điều trị bệnh cho mình.
PGS.TS. Bùi Khắc Hậu
Đại học Y Hà Nội